Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà:

Miền Trung cần bảo tồn văn hóa để phát triển du lịch bền vững

THANH HÙNG - TÙNG QUANG

VHO - Sáng 1.8 tại Đà Nẵng, Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng do Uỷ viên Ban Chấp hành Trung Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Trần Hồng Hà dẫn đầu làm việc tại vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Miền Trung cần bảo tồn văn hóa để phát triển du lịch bền vững - ảnh 1
Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng do Phó Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Trần Hồng Hà dẫn đầu làm việc tại vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung

Dự cuộc làm việc có lãnh đạo Ban, Bộ, ngành TƯ; lãnh đạo các tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Nhiệm vụ chính của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng là xây dựng văn kiện, trong đó đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030, chuẩn bị cho phương hướng giai đoạn mới cũng như tổng kết, đánh giá giai đoạn 5 năm vừa qua; những vấn đề liên quan đến định hướng chiến lược cho phát triển đất nước trong 5 năm tới, tầm nhìn đến 2045 trong kế hoạch về kinh tế xã hội. Đây là nội dung hết sức quan trọng trong chuẩn bị văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIV sắp tới.

Thời gian qua, Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội đã làm việc và khảo sát tại các địa phương để bổ sung thêm, đánh giá thực tiễn công tác triển khai nghị quyết Trung ương, nghị quyết của Đảng bộ các tỉnh, thành phố.

Để buổi làm việc đạt hiệu quả, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị, bên cạnh các báo cáo đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội mong muốn sẽ tiếp thu, ghi nhận từ các địa phương những ý tưởng, trăn trở tâm huyết đối với đất nước, tạo ra những động lực, đột phá mới cho đất nước.

Trên cơ sở thực tiễn, các địa phương cần tập trung làm rõ những vấn đề hạn chế, tồn đọng. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tập trung thảo luận về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực. Cần xác định, nhìn rõ trong 5 năm qua đã làm được gì và 5 năm tới cần triển khai những nhiệm vụ nào. Đồng thời, trong bối cảnh tình hình mới, xác định tiềm năng lợi thế của từng địa phương nói riêng và vùng nói chung để có có hướng đi phù hợp trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã nghe lãnh đạo các địa phương Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung báo cáo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2021 - 2025; lắng nghe tâm tư, suy nghĩ, trăn trở của các lãnh đạo địa phương đối với sự phát triển của địa phương, khu vực cũng như của cả nước. Lãnh đạo các tỉnh, thành cũng có nhiều ý kiến, kiến nghị với Đoàn công tác để đề xuất động lực phát triển mới, cách làm đột phá trong các năm tới.

Miền Trung cần bảo tồn văn hóa để phát triển du lịch bền vững - ảnh 2
Các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung cần có cách tiếp cận phù hợp để bảo tồn, khai thác, phát huy các ưu thế đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, chú trọng bảo tồn văn hóa, giữ gìn thiên nhiên để phát triển du lịch bền vững. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những ý kiến đóng góp làm mới những nội dung, nhiệm vụ đã được nêu trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV, nhất là nhóm vấn đề mới đặt ra đối với cả nước, cũng như từ đặc trưng, thực tiễn của các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

"Các nội dung, nhiệm vụ, mục tiêu được nêu trong văn kiện mang tính tổng thể, toàn diện, nhưng quá trình triển khai cần có lộ trình cụ thể, trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn, phù hợp với thực tiễn, cơ sở dự báo, mức độ ưu tiên cho cả nước, cho vùng", Phó Thủ tướng nói và lưu ý cần xác định rõ cơ chế huy động, quản trị nguồn lực từ nhà nước, xã hội.

Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng nền kinh tế mở, nhưng bảo đảm tính độc lập, tự chủ thông qua tái cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, đổi mới trong thu hút FDI, phát triển nông nghiệp, chú trọng thị trường trong nước, khắc phục tình trạng "đông kỹ sư, thiếu công nhân lành nghề", nghiên cứu và làm chủ những ngành công nghiệp, công nghệ nền tảng… Trong đó, cần xác định những sản phẩm, khâu, lĩnh vực có lợi thế, phù hợp với trình độ, năng lực của nền kinh tế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung cần có cách tiếp cận phù hợp để bảo tồn, khai thác, phát huy các ưu thế đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, chú trọng bảo tồn văn hóa, giữ gìn thiên nhiên để phát triển du lịch bền vững.

Cần đổi mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng thể chế theo hướng tạo không gian mới phát triển, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm từ người quản lý đến doanh nghiệp, người dân.

Trao đổi về "bài toán" triển khai quy hoạch vùng, tăng cường liên kết vùng, Phó Thủ tướng cho rằng, cùng với việc thể chế hoá vai trò, vị trí, công cụ quản lý của hội đồng điều phối vùng đối với những hoạt động mang tính liên kết vùng về địa lý, tự nhiên, văn hoá, xã hội, kinh tế… các địa phương phải chủ động thống nhất quy chế hoạt động, tổ chức lựa chọn những nhiệm vụ, thứ tự ưu tiên các công trình, dự án cấp vùng.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về với kiến nghị nâng cấp đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc, xây dựng đường sắt cao tốc kết nối nội vùng, quốc tế kết nối đồng bộ với các tuyến đường biển, đường thuỷ nội địa, phát triển đường sắt đô thị; thu hút và giữ chân nhân tài, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức; vai trò của Nhà nước trong đào tạo nhân lực cho các ngành công nghiệp mới, công nghiệp nền tảng; bảo đảm an sinh, công bằng xã hội, cung cấp các dịch vụ xã hội thiết yếu cho người dân chịu tác động trong quá trình phát triển kinh tế, chuyển đổi năng lượng, hình thành các ngành công nghiệp mới, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường…