Cần phát huy các lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch vào đồ án Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung

VHO - Xét về 3 lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch thì đồ án Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn đề cập khá đơn điệu, nếu như không muốn nói là giảm thiểu đến mức tối đa, không nhìn thấy được tiềm năng, thế mạnh, khó khăn của cả 3 lĩnh vực trên cả dải đất miền Trung. Do vậy đồ án cần dành thời lượng đánh giá sâu hơn về 3 lĩnh vực này.

Cần phát huy các lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch vào đồ án Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung - Anh 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Đó là ý kiến phát biểu của Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ lần thứ 2 tại Hội nghị Điều phối vùng thứ 2 với chủ đề Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra sáng nay 11.10 tại Đà Nẵng. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng chủ trì Hội nghị.

Cùng dự Hội nghị có Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng điều phối vùng; đại diện Bộ, ngành trung ương, các địa phương vùng Bắc trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, các chuyên gia và nhà khoa học. 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị: Lâu nay, chúng ta phát triển các dự án kinh tế - xã hội riêng lẻ của mỗi địa phương, bây giờ chúng ta ưu tiên các dự án liên địa phương thuộc các tiểu vùng hoặc cả vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Hội nghị cùng tập trung giải quyết những vấn đề còn vướng mắc hiện nay của vùng, tạo ra sự lan tỏa và kết nối thay vì đầu tư dàn trải nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và về lâu dài có thể giúp cho vùng có thể thích ứng một cách bền vững và phát triển một cách mạnh mẽ.

Tập trung vào 3 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL là văn hóa, thể thao, du lịch, trong phát biểu của mình, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng cho rằng, xét về 3 lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch thì đề án còn đề cập khá đơn điệu, nếu như không muốn nói là giảm thiểu đến mức tối đa, không nhìn thấy được tiềm năng, thế mạnh, khó khăn của cả 3 lĩnh vực trên cả dải đất miền Trung. Do vậy đồ án cần dành thời lượng đánh giá sâu hơn về 3 lĩnh vực này.

“Trong lĩnh vực văn hóa nếu chỉ khái quát chung thì sẽ rất thiếu và không rõ ràng, phải dành thời gian phân tích đánh giá sâu những lĩnh vực văn hóa, từ mạng lưới văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, thư viện và thiết chế văn hóa. Ngoài ra điểm sáng của khu vực này là sự đậm đặc văn hóa và di sản văn hóa, đây là yếu tố nội hàm cần được khai thác để tạo ra sự khác biệt của vùng này với vùng kia. Phải dành thời gian để đánh giá sâu hơn trong lĩnh vực di sản để làm rõ được đâu là tiềm năng, điều này đồ án còn đang thiếu. Đối với du lịch phải xác định được trọng tâm phát triển, không rơi vào manh mún, đơn lẻ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Cần phát huy các lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch vào đồ án Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung - Anh 2

Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị: "Phải khai thác ngành công nghiệp văn hóa, phải có những công trình có tính chất điểm nhấn. Về di sản phi vật thể có dân ca Ví, Dặm và Bài Chòi cần được định hướng phát triển. Về du lịch, quan điểm của Bộ VHTTDL là tập trung vào 2 tiểu vùng là tiểu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Trong đó, tiểu vùng duyên hải miền Trung ưu tiên dựa trên trụ cột văn hóa của Chăm, để đầu tư đồng bộ như Mũi Né, những khu vực tiềm năng từ Sơn Trà, Mỹ Khê, Phương Mai (Bình Định), Vịnh Chân Đại (Phú Yên) Cam Ranh, Ninh Thuận… Những điểm du lịch này đã được xác lập và cần bổ sung và cập nhật trong đồ án để giữ vai trò đầu tàu".

Dư địa phát triển và tiềm năng đột phá ở dải đất miền Trung là khai thác công nghiệp văn hóa, bao gồm cả du lịch văn hóa. Chẳng hạn, tỉnh Khánh Hòa đang hướng tới xây dựng Nha Trang trở thành một thành phố điện ảnh, gắn kết giữa điện ảnh và du lịch. Các địa phương khác đều có những điểm nhấn riêng. Bộ trưởng cho rằng, cần đề cập các thiết chế có tính chất trọng tâm của vùng và kết nối, như cần hình thành cho được 3 trung tâm nghệ thuật biểu diễn lớn, có thể là Hà Nội - TP.HCM - Đà Nẵng/Nghệ An.

"Trong lịch sử phát triển, nếu Vua Gia Long không xây dựng đại nội và các công trình văn hóa thì không có di sản - thành phố Huế như bây giờ. Trên thế giới, nếu các triều đại trước của các đế chế không xây dựng các công trình văn hóa tiêu biểu thì không có những điểm đến nổi tiếng hiện nay, như các thành phố ở Ý và Nga", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lý giải.

Về vấn đề bảo vệ di sản, theo Bộ trưởng VHTTDL, đồ án quy hoạch chưa đề cập dân ca Ví, Dặm và nghệ thuật bài Chòi, vốn được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong quy hoạch phát triển, cần bảo vệ những di sản này.

Ở lĩnh vực du lịch, cần đề cập kỹ hơn những điểm khác biệt giữa các địa phương, các vùng, nếu không sẽ thấy ở đâu cũng làm du lịch được, ở đâu cũng có biển, có rừng, có cộng đồng. Song, nếu không được liên kết, quy hoạch thì du lịch ở các địa phương chỉ mang tính đơn lẻ, manh mún.

Trong phát triển du lịch, có thể hình thành 2 tiểu vùng: Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Tiểu vùng Bắc Trung Bộ gắn liền đặc trưng tự nhiên của khu vực Trường Sơn và dải đồng bằng ven biển, nổi tiếng với các di sản Phong Nha Kẻ Bàng, cố đô Huế và các khu du lịch tiềm năng: Sầm Sơn (Thanh Hóa); Diễn Châu (Nghệ An); Thiên Cầm (Hà Tĩnh); Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình); Cửa Tùng, Cửa Việt, Cồn Cỏ (Quảng Trị); Lăng Cô, Cảnh Dương (Thừa Thiên Huế)…

Với Tiểu vùng duyên hải Nam Trung Bộ, dựa trên trụ cột văn hóa Chăm để đầu tư đồng bộ như Mũi Né và 9 khu vực tiềm năng: Sơn Trà và Mỹ Khê (Đà Nẵng), Vịnh Xuân Đài (Phú Yên), Vịnh Cam Ranh và Vịnh Vân Phong (Khánh Hòa)…

Bộ trưởng cũng nghị đồ án quán triệt các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ để bổ sung thiết chế thể thao xứng tầm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các địa phương Nghệ An, Khánh Hòa, Đà Nẵng... Cần cập nhật những khu vực tiềm năng nói trên trong đồ án quy hoạch và bổ sung du lịch về thể thao, trong đó có bộ môn golf; đồng thời bổ sung các thiết chế thể thao. "Quyết định số 1752/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục, thể thao quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" đã xác định Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa có trung tâm thể thao trọng điểm làm chức năng trung tâm vùng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Cần phát huy các lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch vào đồ án Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung - Anh 3

Toàn cảnh Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ lần thứ 2

Đánh giá cao phát biểu của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị ghi nhận ý kiến của người đứng đầu ngành VHTTDL để xem xét, điều chỉnh đồ án quy hoạch.

"Phải tìm ra sự khác biệt, sự nổi trội của vùng này so với các vùng khác trong nước và cả quốc tế. Phân tích này đặt ra cái nhìn để các vùng phát huy các thế mạnh, xây dựng các vùng thành động lực và trung tâm phát triển", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.

Phó Thủ tướng cũng đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Bộ VHTTDL rằng, cần nhìn nhận tài nguyên về lịch sử, văn hóa, di sản. Địa phương và vùng chỉ cần có một di sản thiên nhiên thế giới thì địa phương và vùng đó thu hút du khách.

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Chiều dài bờ biển gần 1.800 km, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước và nhiều cảng biển, cảng hàng không lớn, nên có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đặc biệt, đây là vùng đất có truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường, rất anh hùng, vẻ vang, nơi sản sinh ra biết bao các anh hùng, hào kiệt, đã làm rạng danh lịch sử nước nhà. Trong giai đoạn vừa qua, toàn vùng đã đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005-2020 bình quân 7,3%/năm, cao hơn tốc độ tăng cả nước cùng giai đoạn (6,36%/năm).

Quy mô kinh tế của vùng năm 2020 đạt 1.157 nghìn tỉ đồng, gấp 3,3 lần so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo; một số ngành kinh tế cơ bản, nhất là các ngành kinh tế biển, các ngành có giá trị gia tăng cao được hình thành và phát triển; du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy thách thức có nhiều, nhưng cơ hội cũng không ít để phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Đó là, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn, sáng tạo, bền vững và bao trùm; các nhà đầu tư nước ngoài đang chuyển dịch chuỗi cung ứng tới Việt Nam; tiềm năng đón khách du lịch quốc nội và quốc tế ngày càng tăng sau đại dịch Covid cũng như cơ chế, chính sách từ trung ương giúp thúc đẩy các nền tảng hạ tầng cho phát triển.

Thay mặt cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì lập Quy hoạch vùng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, quy hoạch vùng là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển, qua đó "mở đường" tạo động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương. 

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận, đóng góp ý kiến về phương án phân vùng như dự thảo đã phù hợp, khoa học và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển hay chưa; cho ý kiến về phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng của vùng, trong đó trọng tâm là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không và hàng hải; phương hướng phát triển đô thị với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hoá, hình thành ba tiểu vùng đô thị và định hướng phát triển thêm 2 tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (tỉnh Thừa Thiên Huế và Khánh Hoà); giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch, trong đó lưu ý về danh mục dự án liên kết vùng và liên kết liên vùng ưu tiên đầu tư; giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết vùng để tạo hiệu quả trong hợp tác phát triển vùng.

NGỌC HÀ; ảnh: ĐỨC HOÀNG

Ý kiến bạn đọc