Kiến nghị tháo gỡ những khó khăn cho các nhà xuất bản thuộc Bộ VHTTDL

HOÀNG HƯƠNG

VHO - Chiều 15.8.2024, tại Bộ VHTTDL, Đoàn Khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL về tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24.8.2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” và Thông báo số 19-TB/TW ngày 29.12.2016 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thuỷ và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ đồng chủ trì. 

Kiến nghị tháo gỡ những khó khăn cho các nhà xuất bản thuộc Bộ VHTTDL - ảnh 1
Đoàn Khảo sát của Ban tuyên giáo Trung ương đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL

Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ VHTTDL Phạm Cao Thái cho biết, từ năm 2015, theo phương án sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp trực thuộc Bộ VHTTDL được Chính phủ phê duyệt, đến nay Bộ VHTTDL đang quản lý 4 nhà xuất bản, gồm: Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Văn học; Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc; Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thế giới; Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch. Bộ đã ban hành văn bản quy định chức năng quản lý đối với các nhà xuất bản theo quy định tại Điều 16 Luật Xuất bản năm 2012.

Thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW và Thông báo số 19-TB/TW, trong những năm qua, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ VHTTDL đã chỉ đạo quyết liệt công tác xuất bản thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Cán sự, lãnh đạo Bộ VHTTDL, các cơ quan xuất bản đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị số 42-CT/TW và Thông báo số 19-TB/TW, triển khai thực hiện đến cán bộ, đảng viên, viên chức và người lao động nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, cũng như phát huy vai trò quan trọng của xuất bàn trong việc góp phần bảo vệ nền tư tưởng của Đảng, xây dựng Đảng. 

Giai đoạn 2016-2023, các NXB thực hiện đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước đối với các nhà xuất bản trực thuộc Bộ VHTTDL, nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách của Nhà nước đối với sự nghiệp xuất bản và phục vụ tốt nhu cầu xuất bản phẩm của nhiều đối tượng độc giả, từ đó góp phần nâng cao văn hoá đọc của người dân ở mọi vùng, mọi miền đất nước.

Kiến nghị tháo gỡ những khó khăn cho các nhà xuất bản thuộc Bộ VHTTDL - ảnh 2
Ông Phạm Cao Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế trình bày Báo cáo

Tuy nhiên, sau hơn 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, nhiều vướng mắc cho loại hình doanh nghiệp nhà xuất bản vẫn chưa được giải quyết. Chính sách thuế, phí và đầu tư cho xuất bản chưa phù hợp. Các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp chậm được điều chỉnh.

Việc triển khai mô hình hoạt động các nhà xuất bản còn rất nhiều bất cập, thiếu bình đẳng. Công tác tài trợ, đặt hàng còn dàn trải, nặng về thủ tục hành chính, giải ngân, chưa phát huy hiệu quả.

Cơ chế, chính sách hiện hành điều chỉnh hoạt động kinh doanh xuất bản như cá quy định về đấu thầu, đặt hàng xuất bản phẩm, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; tiền thuê sử dụng đất, giá thuê nhà; đầu tư vốn trong quá trình hoạt động chưa bao quát và tính đặc thù của hoạt động xuất bản. Nhữn bất cập này đã gây rất nhiều khó khăn, trở ngại trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của các nhà xuất bản. 

Về khó khăn, vướng mắc, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính (Bộ VHTTDL) Phan Linh Chi đã nêu dẫn chứng về việc các nhà xuất bản không đủ chi phí để thanh toán tiền thuê nhà; khó khăn trong việc đặt hàng. Do đó, cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp để các nhà xuất bản tháo gỡ khó khăn, tiếp tục hoạt động và phát triển.

 Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Đặng Phương Nga cho rằng, sau 20 năm, có những thay đổi về mặt kinh tế - xã hội, nhiều người lao động đã tìm được những công việc bên ngoài có mức thu nhập tốt hơn nên các nhà xuất bản hiện rơi vào tình trạng thiếu nguồn nhân lực. Do đó, cần có cơ chế, chính sách phù hợp để giữ chân người lao động, 

Ông Đỗ Quang Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng, với doanh thu quá thấp như hiện nay, các nhà xuất bản sẽ hoạt động vô cùng khó khăn. Các cán bộ của NXB làm việc trong điều kiện có nhiều quy định giàng buộc của doanh nghiệp nhà nước, với mức thu nhập thấp, điều kiện làm việc không thoải mái như làm cho các nhà sách, do đó việc khan hiếm nguồn nhân lực là khó tránh khỏi.

Kiến nghị tháo gỡ những khó khăn cho các nhà xuất bản thuộc Bộ VHTTDL - ảnh 3
Ông Đỗ Quang Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Xuất bản Việt Nam đồng cảm với khó khăn của các nhà xuất bản

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng mô hình Công ty TNHH MTV chưa có cơ chế đặc thù, hiện hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, trong khi nhiều nước hoạt động xuất bản hoạt động theo mô hình tập đoàn. Cần có cơ chế, chính sách cụ thể để hoạt động xuất bản sách được thuận lợi. Đây cũng là vấn đề mấu chốt để vực dậy sức sống của các nhà xuất bản. Nên chăng, cần kiến nghị Ban Bí thư ban hành chỉ thị mới thay thế chỉ thị 42.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ TT&TT cho biết, Chỉ thị 42 là cơ sở, định hướng của Đảng đối với công tác xuất bản. Sau 20 năm, Luật Xuất bản đã có 3 lần sửa đổi, nhưng chúng ta mới chỉ cụ thể hoá và thực hiện được một số nhiệm vụ được đặt ra, trong đó có nhiệm vụ đặt hàng xuất bản. 

Là nhà xuất bản hoạt động tốt nhất trong số 4 nhà xuất bản của Bộ VHTTDL, ông Phùng Huy Cường, Giám đốc Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc, việc triển khai Chỉ thị số 42 đã được thực hiện hiệu quả, từ việc đặt hàng, đến công tác phát hành sách. NXB hiện có mức lợi nhuận thấp, nhưng vẫn đảm bảo đủ thu nhập cho cán bộ, nhân viên. Hiện Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc có những khó khăn nhất định, nhưng Nhà xuất bản đã và đang nỗ lực tháo gỡ để hoạt động xuất bản được diễn ra bình thường, đảm bảo các yêu cầu, nhiệm vụ được giao phó và đảm bảo đời sống cho người lao động.

Kiến nghị tháo gỡ những khó khăn cho các nhà xuất bản thuộc Bộ VHTTDL - ảnh 4
Ông Phùng Huy Cường, Giám đốc Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc cho biết, Nhà xuất bản đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn

Trong khi đó, Giám đốc NXB Văn học Ngô Thu Phương cho biết, mặc dù Nhà xuất bản luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị,  tuy nhiên, hiện đơn vị đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, tức là tự chủ, mức doanh thu thấp nên không thu hút được nhân lực. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ khẳng định,  công tác xuất bản có vị trí, vai trò, tầm quan trọng to lớn, bởi là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hoá, có đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. 

Theo Thứ trưởng, nếu chúng ta vẫn theo mô hình hiện nay thì việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc sẽ không khả thi. Do đó, cần phải có những thay đổi cho phù hợp với tình hình mới.

Thứ trưởng cũng cho rằng, hiện Bộ TT&TT đang tham mưu sửa đổi Luật Xuất bản, đó là cơ sở pháp lý quan trọng để tháo gỡ những khó khăn trong công tác xuất bản và hoạt động của các nhà xuất bản.

Thứ trưởng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương hỗ trợ Bộ VHTTDL trong việc kiến nghị Ban Bí thư tháo gỡ những khó khăn cho hoạt động của các nhà xuất bản thuộc Bộ VHTTDL.

Thay mặt Đoàn công tác, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thuỷ đánh giá cao những kết quả đạt được của Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL trong tổ chức, thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW. Cụ thể:

Công tác nghiên cứu, quán triệt, triển khai Chỉ thị số 42-CT/TW được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Bộ VHTTDL đã ban hành nhiều văn bản tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp giữa các đơn vị trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản và thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị xuất bản thuộc Bộ VHTTDL. 

Kiến nghị tháo gỡ những khó khăn cho các nhà xuất bản thuộc Bộ VHTTDL - ảnh 5
Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, nên tính đến việc ban hành Chỉ thị mới

Chú trọng nâng cao chất lượng xuất bản phẩm: Ban Cán sự Đảng bộ VHTTDL đã ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị xuất bản thực hiện nghiêm túc, hiệu quả định hướng thông tin của Ban Tuyên giáo Trung ương; tôn chỉ, mục đích được quy định trong giấy phép hoạt động xuất bản; giữ vững kỷ luật thông tin; thực hiện tốt nhiệm vụ tích luỹ và truyền bá các giá trị tinh thần, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hoá, xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng và khoa học xã hội. 

Bộ VHTTDL đã chăm lo phát triển nhu cầu văn hoá đọc. Các mảng sách của các nhà xuất bản thuộc Bộ có giá trị tốt, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, nhu cầu học tập của nhân dân, góp phần quảng bá các tác phẩm trong và ngoài nước, phát triển kinh tế và các hoạt động của ngành xuất bản. Một số sự kiện tôn vinh văn hoá đọc, ngày hội sách và văn hoá đọc được Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL thực hiện, nhờ đó, văn hoá đọc không ngừng được lan toả, phát triển, ngày càng thu hút nhiều người tham gia.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng lưu ý một số tồn tại, hạn chế như: Loại hình doanh nghiệp nhà xuất bản có nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; chính sách thuế, phí và đầu tư cho xuất bản chưa phù hợp; công tác tài trợ, đặt hàng còn dàn trải, nặng về thủ tục hành chính, giải ngân chưa phát huy hiệu quả đầu tư….

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, để phát huy những ưu điểm, kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, cần tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động xuất bản trong tình hình mới; phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản; tạo sự chuyển biến rõ nét, tích cực, sâu sắc và hoạt động của hoạt động xuất bản, in và phát hành.

Ông Phan Xuân Thuỷ cũng cho rằng, cần nghiên cứu, triển khai mô hình xuất bản mới phù hợp nền kinh tế thị trường; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, mở rộng mạng lưới phát hành xuất bản phẩm đến mọi người dân, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Ông Phan Xuân Thuỷ khẳng định, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Xuất bản Việt Nam và các cơ quan liên quan, ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của Ban Cán sự đảng Bộ VHTTDL để đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các đơn vị xuất bản triển khai các hoạt động thuận lợi, ổn định, phát triển.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc