Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, làm việc tại Lào

TÙNG QUANG

VHO - Sáng 9.1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội lên đường thăm Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào, từ ngày 9-10.1 theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, làm việc tại Lào - ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường thăm, làm việc tại Lào. Ảnh: Nhật Bắc

Đoàn đại biểu chính thức tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác có: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam - Lào Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lâm Thị Phương Thanh; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến; Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phan Thăng An; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Thị Hoàng Vân; Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm.

Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam trong năm 2025; diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Lào tiếp tục được củng cố, phát triển tích cực. Quan hệ chính trị ngày càng gắn bó, tin cậy, hai bên thường xuyên trao đổi các chuyến thăm. Cùng với tổ chức thành công các cuộc gặp thường niên giữa hai Bộ Chính trị và các Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ, hai bên tích cực triển khai các Nghị định thư, thỏa thuận hợp tác đã ký.

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Lào có những chuyển biến tích cực. Kim ngạch thương mại hai chiều dự kiến đạt 2 tỷ USD, tăng khoảng 28% so với năm 2023. Việt Nam hiện có 241 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Lào, với tổng vốn đăng ký khoảng 5,5 tỉ USD, duy trì vị trí thứ ba sau Trung Quốc và Thái Lan đầu tư tại Lào.

Hai bên phối hợp chặt chẽ triển khai các dự án viện trợ ODA của Việt Nam dành cho Lào. Hợp tác văn hóa, giáo dục - đào tạo tiếp tục được quan tâm thúc đẩy. Hai bên phối hợp hoàn tất các thủ tục cho việc triển khai Dự án Công viên hữu nghị Việt - Lào; tăng cường ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là tại ASEAN, Liên Hợp Quốc và hợp tác trong các cơ chế tiểu vùng Mekong.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, làm việc tại Lào - ảnh 2
Cùng với hợp tác kinh tế - thương mại, hợp tác văn hoá, thể thao và du lịch giữa hai nước ngày càng được tăng cường và đi vào thực chất. Trong ảnh: Chương trình nghệ thuật Tuần Văn hoá Việt Nam tại Lào năm 2024. Ảnh: Anh Đức

Trong năm 2024, Việt Nam đã ủng hộ, hỗ trợ Lào đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN và AIPA 2024, được Lào đánh giá cao. Lào là một trong những nước đầu tiên ủng hộ Việt Nam tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2026 - 2028.

Cùng với hợp tác kinh tế - thương mại, hợp tác văn hoá, thể thao và du lịch giữa hai nước ngày càng được tăng cường và đi vào thực chất. Trong chuyến công tác mới đây nhất diễn ra vào trung tuần tháng 12.2024 trong khuôn khổ Tuần Văn hoá Việt Nam tại Lào năm 2024, tại thủ đô Vientiane, Đoàn đại biểu Bộ VHTTDLdo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương làm trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với Đoàn Văn phòng Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào do Phó Chánh Văn phòng Khampha Phimmasone làm trưởng đoàn.

Tại buổi làm việc, hai bên nhất trí tiếp tục triển khai Kế hoạch Hợp tác văn hóa, nghệ thuật và du lịch Việt Nam-Lào giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào giai đoạn 2021-2025.

Hai bên nhất trí tăng cường tổ chức các hội thảo khoa học và giao lưu hữu nghị về quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào. Phối hợp với các địa phương có chung đường biên giới với Lào tổ chức nhiều hoạt động như Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt-Lào; tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số giữa hai nước giao lưu, góp phần đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn biên giới. Đẩy nhanh triển khai Dự án xây dựng Công viên Hữu nghị Lào-Việt Nam tại thủ đô Vientiane như công tác quy hoạch, thiết kế... nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc khởi công dự án trong thời gian tới. Năm 2025, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào sẽ tổ chức Tuần Văn hóa Lào tại Việt Nam.

Về du lịch, hai bên tiếp tục triển khai Hiệp định Hợp tác du lịch song phương cấp chính phủ và các kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch cấp tiểu vùng khác; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Lào trong quá trình triển khai dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng Mekong mở rộng giai đoạn 2;” xây dựng cơ chế phối hợp giữa hai nước nhằm phát huy tối đa kết quả đạt được từ các dự án du lịch liên khu vực trước đây, cũng như các sáng kiến hợp tác du lịch cấp khu vực (ASEAN, GMS, CLMV, ACMECS, Mekong-Lan Thương...).

Hai bên tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch qua lại biên giới giữa hai nước Việt Nam-Lào, đồng thời nghiên cứu mở rộng đường bay tới các điểm du lịch mới hấp dẫn của hai nước, xem xét khả năng hợp tác trong việc áp dụng công nghệ số trong truyền thông quảng bá du lịch; tạo điều kiện cho các bên tham gia các hội chợ xúc tiến du lịch tại mỗi nước; khuyến khích doanh nghiệp và địa phương phối hợp khảo sát nghiên cứu và xây dựng sản phẩm tour du lịch mới, độc đáo để phục vụ nhu cầu của khách du lịch hai nước và từ nước thứ ba, nhất là các sản phẩm du lịch biên giới.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc