Hội nghị Thường trực Chính phủ với doanh nghiệp hàng đầu đất nước
VHO - Sáng 10.2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới.

Đồng chủ trì có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Bùi Thanh Sơn.
Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, 26 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhà nước và tư nhân.
Hội nghị đã nghe các phát biểu của các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân cả nước, chia sẻ về tâm tư, nguyện vọng, các sáng kiến, cách làm mới, thể hiện tinh thần vượt khó, đổi mới sáng tạo, các đề xuất táo bạo giải quyết những bài toán lớn của quốc gia, từ đó phát huy tối đa mọi sức mạnh của các doanh nghiệp tư nhân, thúc đẩy doanh nghiệp tăng tốc, bứt phá, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước năm 2025, giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn tới.
Các báo cáo, ý kiến tại hội nghị khẳng định khu vực kinh tế tư nhân nói chung, trong đó có doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển nhanh, bền vững, đa dạng cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP.
Một số tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn đã chủ động chuyển đổi, đầu tư mạnh mẽ vào chuyển đổi số, các ngành công nghiệp mới như: AI, chip bán dẫn, hydrogen; tiên phong đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng kinh tế xanh, tuần hoàn, đóng góp tích cực vào quá trình hiện thực hoá mục tiêu phát triển bền vững và cam kết "net zero" của Chính phủ vào năm 2050.
Các doanh nghiệp lớn từng bước trở thành lực lượng tiên phong dẫn dắt và động lực quan trọng của nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng, góp phần bảo đảm kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế với hàm lượng chất xám cao và khả năng đổi mới sáng tạo.
Các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư vào các dự án quan trọng, có tính then chốt, lan tỏa, bước đầu đã phát huy động lực cho quá trình phát triển kinh tế xã hội. Các doanh nghiệp quy mô lớn đã có sự chuyển mình trong áp dụng công nghệ, mô hình quản trị hiện đại, hoạt động đầu tư của khối doanh nghiệp này đã hỗ trợ, bổ sung nguồn lực, giảm bớt đầu tư từ ngân sách nhà nước; góp phần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Hội nghị đã diễn ra với tinh thần trách nhiệm, thấu hiểu và chia sẻ, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với doanh nghiệp, doanh nhân.
Về các kiến nghị, đề xuất, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xử lý ngay với tinh thần 5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả.
Theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước đã ban bành các nghị quyết, luật để thúc đẩy phát triển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10.10.2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Sắp tới, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, các cơ quan sẽ xây dựng đề án về phát triển các doanh nghiệp dân tộc phát huy vai trò đầu đàn, dẫn dắt và đề án về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo Thủ tướng, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, phải phấn đấu tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8%, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để những năm tiếp theo tăng trưởng 2 con số.
Đây cũng là là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước - kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Nước; là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.
Cũng trong năm 2025, chúng ta thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy; quyết liệt thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp phấn đấu tăng trưởng ít nhất 2 con số, đóng góp triển khai các nhiệm vụ lớn nói trên, góp phần vào thực hiện 2 mục tiêu 100 năm (tới năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập Nước).
Thủ tướng nêu 8 mong muốn với các doanh nghiệp, doanh nhân: Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa cho 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực; tăng tốc, bứt phá trong tăng trưởng; bao trùm, toàn diện, bền vững trong phát triển đất nước; đẩy mạnh xây dựng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo; tích cực tham gia bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là xóa nhà tạm, nhà dột nát và xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân; ngày càng có nhiều doanh nghiệp dân tộc lớn tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, góp phần nâng cao thương hiệu quốc gia.
Về các băn khoăn, trăn trở, Thủ tướng cho rằng băn khoăn, trăn trở nhất mà nhiều đại biểu để cập là việc các cấp, các ngành thực thi đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
"Chúng tôi cam kết rà soát lại việc này, xây dựng thể chế thông thoáng, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, phù hợp, hiệu quả. Phát triển hạ tầng chiến lược để giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp, nền kinh tế và đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao cho cả nước, cho xã hội, trong đó có phục vụ các doanh nghiệp", Thủ tướng phát biểu.
Với các Bộ, ngành, Thủ tướng đề nghị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao cần trao đổi, bàn bạc với các doanh nghiệp, hai bên có cam kết để triển khai công việc cụ thể, tham gia thực hiện những nhiệm vụ, dự án lớn của đất nước.
Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh, làm ăn đúng luật, tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc.
Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp: "Chính phủ, bộ, ngành, địa phương "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"; chúng ta cùng nhau xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển vươn mình, giàu mạnh, văn minh, phồn vinh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Đất nước có khát vọng, nhân dân mong muốn và chờ đợi, thì Nhà nước phải kiến tạo, doanh nghiệp phải đóng góp, đất nước phải phát triển".