Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035:

Hồ sơ đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Trình bày báo cáo thẩm tra đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 vào sáng 8.10, trong phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, hồ sơ Chương trình đã cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Hồ sơ đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 - ảnh 1
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp

Về mục tiêu thực hiện Chương trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cho biết, Ủy ban nhận thấy, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, rà soát, chỉnh sửa các mục tiêu theo hướng tránh trùng lặp với các chương trình, dự án đã được phê duyệt hoặc đang triển khai. 

Mục tiêu của Chương trình cũng bảo đảm tính khái quát hơn tại mục tiêu tổng quát; Rà soát sự phù hợp, mối quan hệ logic giữa mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể; Bổ sung một số nội dung để bảo đảm tính đồng bộ giữa xây dựng, vận hành hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở; bổ sung số liệu cụ thể về di tích; Chỉnh sửa một số mục tiêu bảo đảm tính sát thực, khả thi. "Ủy ban cơ bản nhất trí với những nội dung chỉnh lý về mục tiêu trong dự thảo Nghị quyết", ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết.

Hồ sơ đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 - ảnh 2
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, GIáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo thẩm tra nêu rõ, hồ sơ Chương trình đủ điều kiện trình Quốc hội

Về phạm vi, quy mô của Chương trình, báo cáo thẩm tra cho biết, theo dự thảo Nghị quyết, Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động học tập. Ủy ban nhất trí với phạm vi của Chương trình.

Về các chương trình, dự án trong lĩnh vực văn hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa được bố trí kinh phí hoặc chưa có kế hoạch triển khai cụ thể trong giai đoạn 2026-2030, Ủy ban nhất trí với đề xuất của Chính phủ sẽ thực hiện thống nhất trong Chương trình này. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Chính phủ bổ sung phụ lục các chương trình, dự án đáp ứng tiêu chí nêu trên.

Hồ sơ đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 - ảnh 3
Hồ sơ đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 - ảnh 4
Các ý kiến phát biểu tại phiên họp

Về việc không chuyển Dự án số 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 vào Chương trình, Ủy ban tán thành do mỗi chương trình, dự án có mục tiêu và giai đoạn thực hiện khác nhau.

Về việc đầu tư, xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, Ủy ban nhất trí và cho rằng đây là việc làm cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 băn khoăn về nội dung này đã được giải trình cụ thể trong Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ VHTTDL. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Chính phủ đã bổ sung Phụ lục số 10 về hoạt động của các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài hiện nay để làm rõ cơ cấu tổ chức, đánh giá hiệu quả hoạt động của các Trung tâm. Ủy ban thống nhất quy định nội dung này trong dự thảo Nghị quyết (là một trong những cơ chế đặc thù thực hiện khác quy định của Luật Đầu tư công).

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Chính phủ cần xác định nguồn lực, lộ trình thực hiện cụ thể, bảo đảm việc triển khai việc đầu tư, xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài được khả thi, phù hợp với nguồn lực hiện có. Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định việc đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài trong phạm vi áp dụng Chương trình, có thể thực hiện như một dự án đầu tư công độc lập.

Về thời gian thực hiện Chương trình, Ủy ban thống nhất với đề xuất của Chính phủ về thời gian thực hiện Chương trình, từ năm 2025 đến hết năm 2035; Trong đó, năm 2025 tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng khung pháp lý, cơ chế chỉ đạo, điều phối, vận hành, tiêu chí, phương pháp quản lý, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện cũng như chuẩn bị các nguồn lực đầu tư; Giai đoạn 2026-2030, tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; Giai đoạn 2031-2035: tiếp tục phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Hồ sơ đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 - ảnh 5
Toàn cảnh phiên họp

Đã có 7 ý kiến phát biểu tại phiên họp trong đó hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao Chính phủ và các cơ quan liên quan đã chuẩn bị hồ sơ Chương trình kỹ lưỡng, khoa học. Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho biết, trên tinh thần cầu thị, ban soạn thảo sẽ tiếp thu và hoàn thiện dự thảo hồ sơ Chương trình, trình các cấp có thẩm quyền để Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp tới. 

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá, đây là Chương trình quan trọng, có tính đột phá, thể hiện hiệu quả chủ trương, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về văn hoá, giúp người dân có quyền được thụ hưởng văn hoá như quy định tại Hiến pháp.

"Chương trình được thực hiện sẽ góp phần tích cực cho các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, tiếp tục hể hiện quan điểm văn hoá là sức mạnh nội sinh, là hồn cốt của dân tộc cần được trường tồn và phát triển. Đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, hồ sơ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo khẩn trương tiếp thu ý kiến đóng góp, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp 8.