Hà Nội: Phát huy vai trò đầu tàu, tạo đột phá trong lĩnh vực VHTTDL

NGUYỄN ANH; ảnh: TRẦN HUẤN, HOÀNG QUYÊN

VHO - Ngày 17.7.2025, tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của Bộ VHTTDL, trực tuyến tới 34 đầu cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước; đại diện các địa phương đã tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực về những việc đã làm được, những vấn đề đặt ra trong thời gian tới.

Hà Nội: Phát huy vai trò đầu tàu, tạo đột phá trong lĩnh vực VHTTDL - ảnh 1
Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của Bộ VHTTDL, trực tuyến tới 34 đầu cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước

Trong đó, thành phố Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước đã thể hiện rõ vai trò đầu tàu, chủ động triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, đồng thời kiến nghị nhiều nội dung quan trọng nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Bảo tồn di sản, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy công nghiệp văn hóa

Bày tỏ ấn tượng với Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025 và đặc biệt là đoạn clip tổng hợp kết quả hoạt động 6 tháng qua của ngành với thông điệp mang tính định hướng: “Văn hóa là nền tảng - Thông tin là mạch dẫn - Thể thao là sức mạnh - Du lịch là nhịp cầu kết nối”, bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định sự thống nhất cao với tinh thần chỉ đạo của Bộ VHTTDL.

Theo bà Vũ Thu Hà, năm 2025 là năm có nhiều sự kiện chính trị trọng đại, đặc biệt là việc sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền theo mô hình hai cấp. Hà Nội đã và đang bám sát chỉ đạo của Trung ương, của Bộ VHTTDL, triển khai các nhiệm vụ trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin - truyền thông đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa ngàn năm, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản thông qua đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích, kết hợp đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động trải nghiệm văn hóa.

Các di tích tiêu biểu như: Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn, Hoàng thành Thăng Long... đã triển khai hiệu quả nhiều sản phẩm du lịch văn hóa mới như: Tour đêm, trò chơi dân gian, các hoạt động giáo dục truyền thống, hòa quyện giữa di sản và trải nghiệm đương đại, thu hút lượng lớn du khách trong nước và quốc tế.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục lan tỏa sâu rộng. Hiện trên địa bàn thành phố có 73,5% gia đình văn hóa, 64% làng văn hóa, 88% tổ dân phố văn hóa.

Đặc biệt, thành phố đã tổ chức vinh danh 80 gia đình văn hóa tiêu biểu Thủ đô năm 2025, góp phần khẳng định vai trò nền tảng của gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa và phát triển bền vững.

Đáng chú ý, Hà Nội đã tập trung quyết liệt vào công tác thể chế hóa Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó lĩnh vực văn hóa được ưu tiên cao.

Thành phố đã trình HĐND thông qua 2 nghị quyết quan trọng liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa (theo Điều 21 và Điều 23 Luật Thủ đô), tạo hành lang pháp lý thúc đẩy môi trường sáng tạo và phát triển nguồn lực văn hóa bền vững.

Phong trào thể dục thể thao được triển khai sâu rộng theo tinh thần “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, nâng cao sức khỏe, thể lực cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Thể thao thành tích cao của Thủ đô tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước, với 1.132 huy chương đạt được trong 6 tháng đầu năm, trong đó có 1.077 huy chương tại các giải đấu trong nước và 55 huy chương quốc tế, góp phần lan tỏa hình ảnh Thủ đô khỏe mạnh, năng động.

Hà Nội: Phát huy vai trò đầu tàu, tạo đột phá trong lĩnh vực VHTTDL - ảnh 2
Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết rất ấn tượng với những kết quả đạt được của ngành VHTTDL 6 tháng đầu năm qua

Du lịch tăng trưởng ấn tượng, tiếp tục mở rộng sản phẩm mới

"Hà Nội đã đón khoảng 15,56 triệu lượt khách du lịch trong 6 tháng đầu năm 2025, tăng gần 12% so với cùng kỳ 2024", bà Vũ Thu Hà cho biết.

Trong đó, khách quốc tế đạt 3,66 triệu lượt, chiếm 33% tổng lượng khách quốc tế cả nước, tăng 21,8% so với cùng kỳ. "Doanh thu du lịch ước đạt 63.000 tỉ đồng, góp phần tích cực vào GRDP tăng trưởng 7,63%; tổng thu ngân sách của Thành phố đạt khoảng 410.000 tỉ đồng", bà Vũ Thu Hà nhấn mạnh.

Thành phố tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới như: Tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội”; sản phẩm du lịch “Con đường đạo học” tại điểm du lịch Hạ Mỗ, xã Ôn Diên; “Sắc hoa Tường Phiêu”, xã Phúc Thọ...

Những sản phẩm này không chỉ mở rộng không gian du lịch mà còn từng bước tạo dựng thương hiệu du lịch xanh, văn hóa, bền vững của Thủ đô.

Du lịch phát triển đã góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của người dân, góp phần xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phát huy giá trị di tích, di sản; khẳng định Hà Nội là điểm đến hàng đầu châu Á, quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới.

Công tác quản lý nhà nước về thông tin, báo chí, xuất bản và truyền thông số tiếp tục được Hà Nội triển khai đồng bộ, gắn với các sự kiện chính trị lớn. Thành phố phối hợp với 57 cơ quan báo chí trung ương và địa phương, lan tỏa hơn 81,6 triệu lượt tiếp cận thông tin về các sự kiện chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững niềm tin xã hội, quảng bá hình ảnh Thủ đô.

Hà Nội: Phát huy vai trò đầu tàu, tạo đột phá trong lĩnh vực VHTTDL - ảnh 3
Đầu cầu trực tuyến từ UBND thành phố Hà Nội

Tạo động lực phát triển cho 6 tháng cuối năm 2025

Theo bà Vũ Thu Hà, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025, đảm bảo tổ chức thành công các hoạt động Kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, Hà Nội đã đề xuất với Bộ VHTTDL một số nội dung quan trọng.

Trong đó, đề nghị Bộ VHTTDL phối hợp tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2.9, đặc biệt là Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành trọng thể vào ngày 2.9 tại Quảng trường Ba Đình với những nội dung cụ thể.

Đề nghị Bộ sớm ban hành Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ công trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình, báo chí và truyền thông số, làm cơ sở cho các địa phương hoàn thiện đơn giá dịch vụ sự nghiệp công.

Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn công tác quản lý nhà nước trong điều kiện chính quyền hai cấp đi vào hoạt động, đặc biệt là quản lý thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, di tích, cơ sở lưu trú.

Đề nghị Bộ sớm ban hành Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ công trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình, báo chí và truyền thông số phù hợp với điều kiện thực tiễn và đặc thù của địa phương, làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố hoàn thành xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá dịch vụ sự nghiệp công.

Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn công tác quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý, hướng dẫn quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, di tích, cơ sở lưu trú, đặc biệt trong thời gian đầu tổ chức chính quyền theo mô hình 2 cấp đi vào hoạt động.

Cần có cơ chế rõ ràng về phân cấp, ủy quyền, nguồn lực gắn với vị trí việc làm và trách nhiệm quản lý, khai thác để các thiết chế hoạt động hiệu quả, tránh lãng phí.

Đề nghị Bộ phối hợp, hướng dẫn tạo điều kiện để thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ trình Thủ tướng Chính phủ lập quy hoạch bảo tồn tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt trong thời gian tới.

Sớm trình Chính phủ sửa đổi nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; sửa đổi Nghị định 45/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho địa phương khi hiện nay không còn thanh tra chuyên ngành.

Có thể nói, Hà Nội đang từng bước thể hiện vai trò dẫn dắt, đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin - truyền thông của cả nước. Những kiến nghị của Thủ đô không chỉ nhằm giải quyết vấn đề trước mắt mà còn đặt nền móng cho sự phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.