Để người dân coi nghệ thuật truyền thống là hồn cốt cần phải lưu giữ, trao truyền

THU SÂM; ảnh: QUỐC HỘI - XUÂN TRẦN

VHO - Về giải pháp căn cơ, lâu dài để giữ gìn các môn nghệ thuật truyền thống, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, về lâu dài cần có giải pháp để người dân yêu văn hoá Việt Nam, coi nghệ thuật truyền thống là hồn cốt cần phải gìn giữ, lưu truyền.

Để người dân yêu văn hoá Việt Nam

Để người dân coi nghệ thuật truyền thống là hồn cốt cần phải lưu giữ, trao truyền - ảnh 1
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn ngày 21.8

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trước chất vấn của đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn ĐBQH Hà Nội) trong buổi chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 21.8.

Về việc đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực nghệ thuật trên toàn quốc đang bị thu hẹp về quy mô, giảm về chất lượng, nhiều ngành, nhiều chuyên ngành không tuyển sinh được số lượng chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn cao, cán bộ quản lý về văn hóa có chuyên môn ngày càng giảm, các cơ sở đào tạo nghệ thuật gặp khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, cơ quan quản lý Nhà nước đã nhiều lần báo cáo trước Quốc hội, nếu như trong bối cảnh hiện nay không có nhiều giải pháp quyết liệt sẽ có một số bộ môn nghệ thuật truyền thống sẽ bắt đầu "khép lại".

Theo Bộ trưởng, muốn đào tạo thì phải có đầu vào, phải có nhu cầu thì các cơ sở đào tạo mới tuyển sinh được. "Vì vậy, để đi tìm câu hỏi này thì chúng tôi đã cho tập trung nghiên cứu, khảo sát xem nhu cầu, nguyện vọng, năng khiếu, yêu thích. Trong bối cảnh chúng ta hội nhập sâu và rộng thì có những bộ môn thuộc về nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nguy cơ tác động. Vì vậy Chính phủ đã có các quy định để khuyến khích, thu hút bằng cách giảm học phí, hưởng các chế độ ưu đãi", Bộ trưởng cho biết.

Liên quan đến việc đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật,  Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, hằng năm, Bộ VHTTDL cũng đã thông tin tới các cơ sở đào tạo, tới các Sở trên cả nước để đề xuất các năng khiếu về các môn nghệ thuật truyền thống. Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục công bố thông tin rộng rãi, đăng ký các nhóm, ngành và nếu phát hiện bất cập sẽ đề xuất với Bộ Tài chính để trao đổi, đảm bảo quyền lợi người học.

Về giải pháp lâu dài, căn cơ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần phải có nhiều giải pháp để người dân yêu văn hóa, coi nghệ thuật truyền thống là hồn cốt cần phải lưu giữ, trao truyền. Biểu dương nhiều cách tiếp cận hay, sáng tạo của giới trẻ với nghệ thuật truyền thống, Bộ trưởng cho rằng chỉ khi người dân yêu thích văn hoá truyền thống thì tỉ lệ tuyển sinh vào các môn nghệ thuật truyền thống mới tăng lên và nghệ thuật truyền thống mới không đứng trước nguy cơ mai một.

Tỉ lệ đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa cũng rất tích cực, có tác động lan tỏa

Để người dân coi nghệ thuật truyền thống là hồn cốt cần phải lưu giữ, trao truyền - ảnh 2
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn

Trả lời phần tranh luận của đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) về các chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, công nghiệp văn hóa là lĩnh vực được Đảng ta hết sức quan tâm. Thuật ngữ "công nghiệp văn hoá" đã được xác định trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII. Để triển khai Nghị quyết, Chính phủ đã có Quyết định số 1755 năm 2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. 

Quá trình tổ chức thực hiện, Chiến lược đã cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng. Từ đó chúng ta đã nhận diện 12 loại hình công nghiệp văn hóa, gồm: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm, trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, dịch vụ du lịch văn hóa.

Với 12 nhóm ngành này, theo phân cấp quản lý, Bộ VHTTDL chỉ quản lý nhà nước ở 5 nhóm ngành, còn lại các ngành khác thì các bộ, ngành khác nhau đảm đương công việc. Khi đánh giá tổng quát lại, có thể thấy đóng góp của nền công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế đã chiếm tỷ trọng khá cao. Việc ban hành Chiến lược đã tạo ra sự chuyển biến tích cực và đổi mới đối với các ngành công nghiệp văn hóa. Năm 2022, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 4,04% đối với GDP.

Để tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trong tình hình hiện nay, Bộ VHTTDL đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, lần đầu tiên, Thủ tướng chủ trì Hội nghị phát triển các ngành công nghiệp văn hóa toàn quốc. Hội nghị nhằm tập trung đánh giá lại hiệu quả thực hiện, xác định các trọng tâm, nhiệm vụ, giải pháp, ban hành chỉ thị kết hợp với Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới.

Về khuôn khổ pháp lý, Bộ sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội hoàn thiện các chính sách, luật có liên quan như vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Bản quyền và sắp tới là Luật Quảng cáo.

Trong quá trình phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, chúng ta luôn phải xác định đề cao vai trò chủ thể của 3 "nhà". Đó là Nhà nước trong việc tổ chức, kiến tạo doanh nghiệp; Nhà doanh nghiệp trong vai trò thực hiện và nhà sáng tạo là đội ngũ các văn nghệ sĩ. 3 "nhà" đó phải vừa làm, vừa tập trung triển khai diện rộng, đồng thời áp dụng vào các thị trường trọng điểm, tiềm năng.

Vừa qua, các Nghị quyết của Quốc hội, của Bộ Chính trị đã cho phép 2 "đầu tầu" Hà Nội, TP.HCM triển khai, có chiến lược, đề án riêng cho việc phát triển lĩnh vực công nghiệp văn hóa. "Tỉ lệ đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa cũng rất tích cực, có tác động lan tỏa, vừa phát huy được sức mạnh mềm, kiến tạo sự phát triển bền vững", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá.

Để người dân coi nghệ thuật truyền thống là hồn cốt cần phải lưu giữ, trao truyền - ảnh 3
Đại biểu Nguyễn Quang Huân tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 21.8

Theo Luật Di sản văn hoá, di tích tại địa phương nào sẽ thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương đó

Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) về việc di tích cột cờ Hà Nội để hàng quán lấn chiếm, nhếch nhác, Bộ trưởng cho biết, di tích cột cờ nằm trong khuôn viên của di tích Hoàng Thành Thăng Long đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá thế giới. Theo quy định tại Luật Di sản văn hoá, di tích nằm ở đâu sẽ thuộc trách nhiệm của UBND ở đó. UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước về di sản văn hoá ở địa phương theo phân cấp.

Để người dân coi nghệ thuật truyền thống là hồn cốt cần phải lưu giữ, trao truyền - ảnh 4
Toàn cảnh phiên chất vấn

Bộ trưởng cho biết, di tích cột cờ Hà Nội có yếu tố lịch sử hiện đang có sự giao thoa vì nằm ngay ở Bảo tàng Quân sự. Hiện Hà Nội cũng đã có phương án tiếp tục đầu tư, nâng cấp, tôn tạo di tích này. Trong phạm vi, quyền hạn của mình, Bộ VHTTDL cũng đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị giải toả lều quán, dọn dẹp cảnh quan xung quanh di tích. Bộ trưởng cũng tin rằng với nguồn lực và cách làm của Hà Nội và Bộ Quốc phòng, di tích cột cờ Hà Nội sẽ không còn nhếch nhác, như phản ánh của đại biểu.  

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) về việc làm sao huy động được các nguồn lực để giữ gìn, tôn tạo, phát huy giá trị của các di tích, di sản, Bộ trưởng cho biết, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này và đã có nhiều chủ trương, đường lối để bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị của di sản, di tích.

Chính phủ cũng bố trí phân bổ dự toán ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên do số lượng di tích, di sản quá lớn nên nguồn lực này vẫn chưa thể đảm bảo được. Bộ VHTTDL cũng đã đề xuất bên cạnh nguồn đầu tư công cần tiếp tục huy động nguồn lực xã hội. Bộ cũng đã đề nghị sửa đổi những bất cập trong các Luật liên quan đến việc huy động nguồn lực cho việc này. Bộ trưởng cũng hy vọng sau khi sửa đổi được những bất cập trong một số luật như Luật Đầu tư, Luật hợp tác công - tư... sẽ khơi thông nguồn lực cho việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của các di tích, di sản.

Bộ trưởng cũng cho biết, trong kỳ họp tới, Quốc hội sẽ thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá trong đó sẽ có dự án thành phần về việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá dân tộc; đến nhiệm kỳ sau, Chương trình sẽ được thực hiện.

Quốc hội cũng sẽ thông qua dự án Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) trong kỳ họp tới trong đó có nội dung về quỹ bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Bộ trưởng tin rằng cùng với việc Quốc hội thông qua các nội dung này và nhiều luật có liên quan khác như Luật thủ đô, các nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho nhiều địa phương... sẽ khơi thông được nguồn lực cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích, di sản.