Tổng Bí thư Tô Lâm:

Đây là thời điểm vàng để sắp xếp, tinh gọn bộ máy

THU SÂM

VHO - Phát biểu tại buổi thảo luận ở Tổ của kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV vào sáng 13.2 góp ý cho dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi), Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đây là thời điểm vàng để sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Đây là thời điểm vàng để sắp xếp, tinh gọn bộ máy - ảnh 1
Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi với các đại biểu bên hành lang Quốc hội. Ảnh: TR. HUẤN

 Theo Tổng Bí thư, từ nhiều năm qua, Nghị quyết Trung ương các khóa đã đánh giá bộ máy nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết 18 của Trung ương khóa XII tiếp tục khẳng định điều này.

Do vậy, đến khóa XIII chúng ta tổng kết Nghị quyết 18 và nhận thấy còn nhiều nhiệm vụ chưa hoàn thành. Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là vấn đề cấp bách, không thể chờ đợi và là thời điểm vàng để sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Không thể chậm trễ

Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, trong quá trình thực hiện, chúng ta đã nghiên cứu kỹ lưỡng và tham khảo kinh nghiệm các nước. Chủ trương này đã được nhân dân, các cơ quan và Quốc hội đồng tình, ủng hộ; tổ chức triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả. Điều này cho thấy đây là chủ trương đúng, đáp ứng mong đợi của người dân.

Mục tiêu của việc tinh gọn bộ máy không chỉ là tiết kiệm cho ngân sách nhà nước mà quan trọng hơn là đẩy mạnh hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước để đưa đất nước phát triển. Cũng theo Tổng Bí thư Tô Lâm, trong nhiều nhiệm vụ, có hai nhiệm vụ quan trọng là tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Đây là những mục tiêu xuyên suốt mà Đảng ta đặt ra. Vì vậy, cần xác định tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả, xác định đúng chức năng, nhiệm vụ.

 Cần tính đến các cơ chế hành pháp, tính công bằng pháp quyền, mức độ liêm chính của Chính phủ, của Nhà nước. Chúng ta tăng cường phòng, chống tham nhũng để chứng minh được bộ máy hành chính liêm chính… Đây chính là những tiêu chí để đánh giá hiệu năng, hiệu lực của bộ máy nhà nước, của chính quyền.

(Tổng Bí thư TÔ LÂM)

Để làm được điều này, Tổng Bí thư cho rằng, điều đầu tiên cần làm là tổ chức mô hình bộ máy và có hệ thống pháp luật để toàn xã hội đồng lòng thực hiện; cùng với đó là bố trí đội ngũ cán bộ đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật và hành chính để toàn dân thực hiện. Bố trí bộ máy không chỉ để bộ máy hoạt động mà phải phù hợp với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cùng với đó phải tính đến khả năng phối hợp, năng lực dữ liệu, năng lực thực thi chính sách, chất lượng bộ máy, khả năng quản lý ngân sách.

Chúng ta cũng cần kiểm điểm, đánh giá hằng năm, định kỳ về hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Tổng Bí thư cũng đề cập đến mục tiêu phát triển con người, động lực phát triển của đất nước, cần tính đến lợi ích của người dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

“Cần tính đến các cơ chế hành pháp, tính công bằng pháp quyền, mức độ liêm chính của Chính phủ, của Nhà nước. Chúng ta tăng cường phòng, chống tham nhũng để chứng minh được bộ máy hành chính liêm chính… Đây chính là những tiêu chí để đánh giá hiệu năng, hiệu lực của bộ máy nhà nước, của chính quyền”, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, đạt được mục tiêu tăng trưởng thì mới có đủ tiềm lực để bảo vệ Tổ quốc, đủ điều kiện thực thi các chính sách của Đảng và Nhà nước. Theo Tổng Bí thư, có nhiều giải pháp đạt được mục tiêu tăng trưởng, nhưng bộ máy tổ chức hoạt động hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu quan trọng.

Tổ chức bộ máy nhà nước phải động viên được nhân dân tham gia đóng góp vào sự phát triển của đất nước; Cần xác định điểm nghẽn cản trở mục tiêu phát triển hai con số trong khi tiềm năng của chúng ta rất lớn; Cần nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân; thúc đẩy sự tham gia của xã hội vào quá trình nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính và củng cố nền dân chủ…

Nghị quyết đã tạo được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân

Cũng phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết, Nghị quyết 18 được đề ra từ năm 2017, toàn bộ các mục tiêu, nội dung, lộ trình rất rõ nhưng thực tiễn thực hiện chưa đạt.

Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn hai tháng vừa qua, việc triển khai Nghị quyết đã tạo được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên nền tảng tiếp nối, kế thừa những kết quả trước đó. Chúng ta đã thực hiện với những cách làm rất mới, phương pháp triển khai được sự thống nhất rất cao từ Trung ương đến địa phương nên đạt được kết quả như hiện nay.

Từ những bước đi như vậy đã khẳng định quyết định của Trung ương là rất chính xác, rất đúng và dựa trên những căn cứ khoa học, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn rất đầy đủ.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng nhấn mạnh, việc Quốc hội tổ chức kỳ họp này là để tiếp tục triển khai các nội dung hoàn thiện hệ thống pháp luật theo kết luận của Trung ương.

Sau khi thống nhất cơ cấu tổ chức bộ máy mới của hệ thống chính trị, chúng ta phải ban hành đầy đủ các văn bản, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật để tổ chức thực hiện, để bộ máy mới đi vào hoạt động, bảo đảm tính liên tục, hiệu quả hơn, chất lượng hơn và không gián đoạn công việc.

Sau khi bộ máy mới đi vào hoạt động, chúng ta sẽ tiến hành tổng rà soát, đánh giá với những chức năng, nhiệm vụ mà pháp luật mới quy định thì vận hành thông suốt chưa, hiệu quả không; tổng rà soát biên chế sau khi sắp xếp từ Trung ương xuống địa phương gắn với chức năng, nhiệm vụ mới của các cơ quan, tổ chức, gắn với cấp ủy, người đứng đầu đơn vị và đánh giá năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, gắn với vị trí việc làm để từ đó tiếp tục có những quyết định mới về biên chế.

Hay Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương phải lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu tổ chức bộ máy trong các hội, đoàn rồi các cơ quan báo chí ở Trung ương, địa phương. Vừa qua, nhiều địa phương có cách làm rất hay là sáp nhập các cơ quan báo, đài và chúng ta vẫn phải tiếp tục làm nhiều việc khác.

Tới đây chấm dứt hoạt động của Công an huyện thì hoạt động của Tòa án, Viện Kiểm sát như thế nào sẽ phải báo cáo với cấp có thẩm quyền để tổ chức lại hoạt động của các cơ quan này. Trung ương cũng yêu cầu rà soát bổ sung một loạt các quy định về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, đãi ngộ cán bộ cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng cho biết, sau Đại hội Đảng, chúng ta sẽ tiếp tục tiến hành các bước khác, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại, tổ chức lại các đơn vị hành chính, sáp nhập các xã; nghiên cứu tổ chức lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng nhấn mạnh, việc sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn thì phải đáp ứng được yêu cầu về hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động của tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị. Vì vậy, nằm trong tổng thể của cuộc cách mạng về việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, việc xây dựng 2 dự án Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Chính quyền địa phương (sửa đổi) là thực sự cần thiết và cần phải khẩn trương làm ngay.

Cho biết, hai dự án Luật sửa đổi có rất nhiều điểm mới, nhưng điểm mới lớn nhất chính là điểm mới trong tư duy xây dựng dự án luật, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hai dự án Luật được xây dựng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội đó là luật chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc chung, vấn đề cơ bản.

Từ đó, tạo điều kiện cho việc đảm bảo được sự ổn định và giá trị sức sống bền vững của dự án luật. Cùng với đó, đảm bảo được trong điều hành thực tiễn của hệ thống hành chính Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng khẳng định, việc xây dựng dự án Luật nhằm kịp thời đảm bảo được yêu cầu đó là nền hành chính của chúng ta hoạt động thông suốt, liên tục, hiệu quả và hiệu lực. Đồng thời, đáp ứng được yêu cầu cho cải cách nền hành chính, nhất là trong cuộc cách mạng chúng ta đang hướng tới để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.