Việc sửa đổi Luật, ban hành Nghị quyết nhằm đảm bảo cho bộ máy hoạt động thông suốt, hiệu quả
VHO - Góp ý cho dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi), Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước trong phiên họp tổ vào sáng 13.2, đa số các đại biểu tán thành với nội dung các cơ quan soạn thảo trình Quốc hội và cho rằng việc sửa đổi Luật hay ban hành Nghị quyết nhằm làm cho bộ máy hoạt động thông suốt, hiệu quả.

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn ĐBQH Kon Tum), nhấn mạnh, với phương châm vừa chạy vừa xếp hàng, nhiều đơn vị đã chuẩn bị các văn bản liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy trên địa bàn.
Để đảm bảo cho bộ máy hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt, đại biểu đề nghị dự thảo Nghị quyết cần có hiệu lực ngay, không làm gián đoạn việc thực hiện điều ước, thỏa thuận quốc tế, ảnh hưởng đến người dân.
Góp ý cụ thể, đại biểu cho rằng, theo dự thảo, Nghị quyết này được thực hiện đến hết ngày 28.2.2027. Từ nay tới đó, các cơ quan nhà nước phải ban hành đầy đủ hệ thống văn bản pháp luật phục vụ sắp xếp, tổ chức bộ máy Nhà nước.
Do đó thời gian gấp gáp, sẽ đặt ra áp lực lớn, nhất là với Chính phủ, với Trung ương vì số lượng văn bản phải sửa đổi rất lớn. Lãnh đạo Bộ Tư pháp thông tin trên 150 luật và trên 200 nghị định phải sửa đổi, ban hành. Vì vậy, nên kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết lên 3 năm, hoặc tới năm 2029.

Góp ý cho Nghị quyết này, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nhấn mạnh, chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, chúng ta sẽ không thể sửa hết một lúc được hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật liên quan, vì thế sẽ phát sinh nhiều vấn đề và không tránh khỏi "khoảng trống" pháp lý.
Do đó theo đại biểu, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội là cần thiết để lấp "khoảng trống" pháp lý. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy; bảo đảm xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh; không ảnh hưởng đến hoạt động của bộ máy nhà nước sau sắp xếp và không làm gián đoạn việc thực hiện điều ước, thỏa thuận quốc tế.
Góp ý cho dự thảo Luật Chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định vào điều 18, quy định về quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Điều này có quy định: Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm và quyết định điều động, đình chỉ công tác, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng là thành viên UBND trong quy định này.

Đồng ý với ý kiến của các đại biểu đã phát biểu trước về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Đoàn Cần Thơ), góp ý vào điều 7 Luật Chính quyền địa phương (sửa đổi), quy định về quan hệ công tác giữa chính quyền địa phương với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương. Theo đại biểu, dự thảo Luật đã có quy định nhưng các quy định còn chung chung, chưa rõ.
Đại biểu đề nghị bổ sung thêm các quy định để xác định được rõ vai trò, vị trí mới trong mối quan hệ với Mặt trận tổ quốc, phát huy được vai trò của Mặt trận tổ quốc là nơi địa diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân với chính quyền.