Chương trình mục tiêu quốc gia về Văn hoá giai đoạn 2025-2035:

Đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn

THU SÂM; ảnh: XUÂN TRẦN

VHO - Sáng 27.9, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục đã tiến hành phiên họp toàn thể xem xét các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia về Văn hoá giai đoạn 2025-2035.

Đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn - ảnh 1
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh  tham dự phiên họp. Cùng dự có các Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục: Phan Viết Lượng, Tạ Văn Hạ, Nguyễn Thị Mai Hoa, Triệu Thế Hùng; các uỷ viên của Uỷ ban.

Về đơn vị soạn thảo - Bộ VHTTDL tham gia phiên họp là Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cùng đại diện các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ. Tham gia phiên họp còn có đại diện các Bộ, ngành.

Trình bày báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho biết, Chương trình gồm 7 mục tiêu tổng quát và 9 mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2035. Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần gồm: Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả; Nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa.

Đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn - ảnh 2
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chương trình sẽ phân cấp triệt để, phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm của các địa phương

Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; Thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật; Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; Phát triển nguồn nhân lực văn hóa; Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới; Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình, truyền thông, tuyên truyền về Chương trình.

Về thời gian thực hiện Chương trình, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép Chương trình thực hiện trong giai đoạn 2025-2035. Trong đó năm 2025 chỉ tập trung thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình, chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác;

Đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn - ảnh 3
Toàn cảnh phiên họp

Giai đoạn thứ 1 theo kỳ trung hạn 2026-2030 sẽ tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; Giai đoạn thứ 2 theo kỳ trung hạn 2031-2035, tiếp tục phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế Việt Nam.

Đối với năm 2025, để phù hợp với Luật đầu tư công và thời điểm xây dựng kế hoạch 5 năm, Chính phủ dự kiến chỉ đề xuất nguồn ngân sách sự nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ năm 2025. Trường hợp Quốc hội thông qua thời gian thực hiện Chương trình từ năm 2025, các Bộ, ngành, địa phương mới có căn cứ để xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí để triển khai nhiệm vụ này.

Trình bày báo cáo thẩm tra Chương trình, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng cho biết, Thường trực Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình và cho rằng việc xây dựng Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn.

Việc triển khai thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn - ảnh 4
Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ trình bày báo cáo về Chương trình

"Về hồ sơ Chương trình, Thường trực Ủy ban nhận thấy Hồ sơ đã được chỉnh lý trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Thông báo Kết luận số 3652/TBKL); ý kiến thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục (Báo cáo thẩm tra số 2457/BC-UBVHGD15 ngày 23.5.2024); ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ và Hội trường (Báo cáo của Tổng thư ký Quốc hội số 4509/BC-TTK). Một số nội dung quan trọng của Chương trình đã được tiếp thu, chỉnh lý như: mục tiêu, cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện Chương trình… Hồ sơ đã cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8", Phó Chủ nhiệm Phan Viết Lượng nhấn mạnh.

Đồng thời cho biết, về mục tiêu thực hiện Chương trình, Thường trực Ủy ban nhận thấy, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, rà soát, chỉnh sửa các mục tiêu theo hướng tránh trùng lặp với các chương trình, dự án đã được phê duyệt hoặc đang triển khai; bảo đảm tính khái quát hơn tại mục tiêu tổng quát; rà soát sự phù hợp, mối quan hệ logic giữa mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể; bổ sung một số nội dung để bảo đảm tính đồng bộ giữa xây dựng, vận hành hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở; bổ sung số liệu cụ thể về di tích; chỉnh sửa một số mục tiêu bảo đảm tính sát thực, khả thi. Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với những nội dung chỉnh lý về mục tiêu trong dự thảo Nghị quyết.

Về phạm vi, quy mô của Chương trình, theo dự thảo Nghị quyết, Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động học tập. Thường trực Ủy ban nhất trí với phạm vi của Chương trình.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp trên tinh thần cầu thị, nghiêm túc. Bộ trưởng cũng đã giải đáp cụ thể trước ý kiến của các đại biểu. Theo lộ trình, sau khi được Quốc hội thông qua, năm 2025 Chương trình sẽ tập trung vào việc xây dựng khung pháp lý để đến năm 2026 có thể triển khai ngay được.

"Tinh thần là Chương trình sẽ không nằm ở Bộ VHTTDL mà phân cấp triệt để cho các địa phương. Chính phủ không làm thay các địa phương. Các địa phương cần phát huy vai trò chủ động và tinh thần trách nhiệm thực hiện Chương trình theo phân cấp", Bộ trưởng nhấn mạnh.

"Về việc đầu tư, xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, Thường trực Ủy ban nhất trí và cho rằng đây là việc làm cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 băn khoăn về nội dung này đã được giải trình cụ thể trong Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ VHTTDL. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Chính phủ đã bổ sung Phụ lục số 10 về hoạt động của các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài hiện nay (tại Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư) để làm rõ cơ cấu tổ chức, đánh giá hiệu quả hoạt động của các trung tâm. Thường trực Ủy ban thống nhất quy định nội dung này trong dự thảo Nghị quyết (là một trong những cơ chế đặc thù thực hiện khác quy định của Luật Đầu tư công)", nội dung báo cáo thẩm tra do Phó Chủ nhiệm Phan Viết Lượng trình bày nêu rõ.

Đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn - ảnh 5
Các đại biểu tham dự phiên họp

Báo cáo cũng cho biết, có ý kiến đề nghị Chính phủ cần xác định nguồn lực, lộ trình thực hiện cụ thể, bảo đảm việc triển khai việc đầu tư, xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài được khả thi, phù hợp với nguồn lực hiện có. Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài trong phạm vi áp dụng Chương trình, có thể thực hiện như một dự án đầu tư công độc lập.

Về thời gian thực hiện Chương trình, Thường trực Ủy ban thống nhất với đề xuất của Chính phủ về thời gian thực hiện Chương trình, từ năm 2025 đến hết năm 2035; trong đó, năm 2025 tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng khung pháp lý, cơ chế chỉ đạo, điều phối, vận hành, tiêu chí, phương pháp quản lý, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện cũng như chuẩn bị các nguồn lực đầu tư.

Giai đoạn 2026-2030, tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; giai đoạn 2031-2035: tiếp tục phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.