Đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Tổ về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi):

Chuẩn bị công phu, cần thiết phải ban hành

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Chiều qua 18.6, ngay sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Góp ý cho Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), nhiều đại biểu đều thống nhất với sự cần thiết phải ban hành luật như Tờ trình của Chính phủ.

Chuẩn bị công phu, cần thiết phải ban hành - ảnh 1

 Các đại biểu thảo luận ở Tổ về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

 Góp ý cho dự thảo luật, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho biết, ông đồng ý với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Di sản văn hóa như Tờ trình của Chính phủ nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc do luật hiện hành quy định.

Đại biểu Trần Văn Tiến cũng góp ý nhiều nội dung của dự thảo luật, trong đó lưu ý chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa quy định tại Điều 7 của dự thảo luật, đại biểu cho biết, các chính sách nhà nước về di sản văn hóa thì rất nhiều, nhưng chính sách nhà nước về di sản văn hóa vật thể lại còn hạn chế. Dự thảo luật đề cập chính sách đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích xuống cấp nghiêm trọng; bảo vật quốc gia, đối với di tích lịch sử, văn hóa quốc gia, danh lam thắng cảnh; di vật, cổ vật được quy định tại khoản 2 Điều 3 thì Nhà nước lại thiếu chính sách nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Từ đó, đại biểu Tiến đề nghị Nhà nước cần có chính sách để bảo tồn, phát huy đối với những loại hình di sản này.

Góp ý cho dự thảo luật, đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) đề cập đến việc đầu tư, khai thác phát huy giá trị của di tích. Đại biểu Sùng A Lềnh nêu thực tế, hiện nay nhiều di tích đã được Nhà nước xếp hạng trong khi đó nhiều địa phương lại không đủ nguồn lực để đầu tư tu bổ, tôn tạo, khai thác đón khách du lịch, vả lại ngân sách dành cho tu bổ của Trung ương cũng còn rất hạn chế, dẫn đến nhiều di tích loại hình danh lam thắng cảnh bị xuống cấp, thậm chí bị lãng quên, ít được quan tâm như loại hình danh thắng hang động, núi, thác nước… Do đó cần nghiên cứu bổ sung thêm điều khoản về cơ chế đầu tư để nhà nước và doanh nghiệp, cá nhân cùng góp nguồn lực tu bổ và khai thác hiệu quả di tích. Cũng có thể nghiên cứu, xem xét một số di tích giao cho doanh nghiệp có đủ năng lực đầu tư quản lý và khai thác theo quy định của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và các luật khác như Luật Đầu tư…, nhằm khai thác hiệu quả hơn đối với di tích sau khi xếp hạng. “Do đó, tôi tiếp tục đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổsung thêm điều khoản quy định về đầu tư, khai thác phát huy giá trị của di tích”, đại biểu Sùng A Lềnh nêu. 

 Tập trung vào 3 nhóm chính sách

Chuẩn bị công phu, cần thiết phải ban hành - ảnh 2

Trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại phiên họp của Quốc hội vào chiều 18.6, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo luật gồm 9 Chương, 102 Điều, tăng 2 Chương, 29 Điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành. Về nội dung cơ bản và những điểm mới của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Bộ trưởng thông tin, trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ và Quốc hội thông qua tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật.

Trong đó hoàn thiện các quy định chính sách của Nhà nước về bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa, vấn đề về sở hữu và quyền sở hữu, quyền liên quan đối với di sản văn hóa, quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể gồm di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, bảo tàng, về trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương. “Về bảo đảm tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật, xác định đây là bộ luật có phạm vi tác động lớn, liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực, Bộ VHTTDL đã chủ động rà soát, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, làm rõ và khắc phục những chồng chéo giữa văn bản pháp luật về di sản văn hóa với các luật khác”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với những lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cho rằng: “Qua nghiên cứu tôi thấy hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được chuẩn bị công  phu; các quy định của dự thảo luật cơ bản thống nhất với 3 nhóm chính sách được Chính phủ trình Quốc hội thông qua”. Góp ý vào nhiều nội dung trong đó về chính sách đối với nghệ nhân được nêu tại điểm d khoản 1 Điều 13 (quy định nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được hưởng trợ cấp hằng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng khi chết), đại biểu Huy cho biết, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung đánh giá tác động, điều kiện bảo đảm về nguồn lực tài chính khi thực hiện quy định này.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, có nhiều bất cập trong quy định về chính sách công nhận, hỗ trợ đối với nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa. Hiện nay, việc xét tặng danh hiệu, hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể quy định tại 2 nghị định của Chính phủ và giao 2 Bộ phụ trách là Bộ VHTTDL và Bộ Công thương. Tuy nhiên, quy định về đối tượng, tiêu chí xét tặng, quy trình, thủ tục xét tặng tại 2 nghị định chưa phân định rõ ràng.

Từ đó đại biểu này cho rằng, việc xây dựng 2 nghị định và giao cho 2 Bộ phụ trách để cùng xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú cho các đối tượng thuộc cùng lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể là chưa hợp lý, tạo ra những bất cập. Ông đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét để quy định thống nhất trong luật về đầu mối quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể; khắc phục bất cập, bảo đảm thống nhất, công bằng trong công nhận, hỗ trợ đối với nghệ nhân để phát huy được tài năng và cống hiến của nghệ nhân.

 Các quy định của dự thảo luật cơ bản thống nhất với các nhóm chính sách

Chuẩn bị công phu, cần thiết phải ban hành - ảnh 3

 Trình bày báo cáo thẩm tra của Quốc hội về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 18.6, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh: “Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với những lý do được nêu tại Tờ trình số 119/TTr-CP của Chính phủ. Việc sửa đổi luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Về hồ sơ dự án luật, Ủy ban nhận thấy, hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến. Các quy định của dự thảo luật cơ bản thống nhất với 3 nhóm chính sách được Chính phủ trình Quốc hội thông qua”.

Đại biểu Đỗ Văn Yên (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, ông thống nhất với sự cần thiết phải ban hành dự thảo Luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về văn hóa và di sản văn hóa phù hợp với tình hình mới và khắc phục một số hạn chế phát sinh trong thực tiễn. Góp ý cho quy định về dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích tại Điều 34, đại biểu cho biết, qua nghiên cứu thực tế ông nhận thấy hầu hết các địa phương đã ban hành Quy chế phân cấp cho cấp huyện quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn theo các địa phương. Cho nên có trường hợp cấp quyết định đầu tư là UBND cấp huyện theo thẩm quyền được giao thì UBND cấp tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư và ủy quyền. Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích, thực hiện sau khi có ý kiến thẩm định của Sở VHTTDL đối với di tích cấp tỉnh. “Do đó tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc cần bổ sung luật hóa vấn đề đang triển khai trong thực tiễn nói trên vào nội dung khoản 3 Điều 34 cho phù hợp”, đại biểu Yên nói.

Theo chương trình làm việc, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào ngày 26.6 tới.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc