Cần có cơ chế đặc biệt cho các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài
VHO - Đã có 12 ý kiến phát biểu được Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá là sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm trong phiên thảo luận của Quốc hội sáng 1.11, về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tham gia giải trình tại phiên chất vấn. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã chuẩn bị hồ sơ công phu, kỹ lưỡng; đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ các cơ quan liên quan, nhà khoa học, nhà quản lý... để hoàn thiện dự án luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, các ý kiến có sự đồng thuận, thống nhất cao về sự cần thiết, cần có chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Đây là Chương trình quan trọng, có nội dung rộng liên quan đến nhiều lĩnh vực, các đại biểu kỳ vọng, khi được Quốc hội thông qua và đi vào thực tiễn, Chương trình sẽ có tính đột phá, nhằm cụ thể hóa các quan điểm, chỉ đạo của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng văn hóa thành nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước.
Cần có cơ chế đặc biệt cho các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài
Góp ý cho Chương trình, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho biết, bà nhận thấy, dự thảo đã được chỉnh sửa, tiếp thu một cách khoa học những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội trong thảo luận tại kỳ họp thứ 7 nên đã hoàn thiện hơn rất nhiều.
Đại biểu Nga cũng góp ý vào nhiều nội dung cụ thể của Chương trình như việc đề nghị ban soạn thảo cân nhắc về các con số của mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 95% di tích Quốc gia đặc biệt (tương tương khoảng 127 di tích) và 70% di tích Quốc gia (tương đương khoảng 2542 di tích) được tu bổ tôn tạo và đến năm 2035 có 100% di tích Quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia.
Nêu dẫn chứng, phân tích cụ thể, đại biểu tỉnh Hải Dương cho rằng, hiện nay không phải tất các di tích Quốc gia và di tích Quốc gia đặc biệt đều cần trùng tu, tôn tạo cho nên nếu đặt mục tiêu đến năm 2035 có 100% di tích Quốc gia đặc biệt và 80% di tích Quốc gia được tu bổ, tôn tạo thì dễ dẫn đến 2 lo ngại là việc tu bổ, tôn tạo triệt để như vậy sẽ có thể dẫn đến việc di tích không cần tu bổ cũng tu bổ và “lợi bất cập hại” ở chỗ có khi lại biến việc tu bổ, tôn tạo thành “làm mới” di tích như đã từng xảy ra.
"Việc phân bổ nguồn nhân lực như vậy rất dàn trải, không trọng tâm, trọng điểm. Cho nên tôi đề nghị chỉ đưa ra con số 100% và 80% di tích Quốc gia, các di tích Quốc gia đặc biệt đã xuống cấp, cần tu bổ, tôn tạo sẽ được tu bổ, tôn tạo. Các địa phương có trách nhiệm rà soát các di tích Quốc gia, di tích Quốc gia đặc biệt, báo cáo thực trạng và đề xuất phương án trùng tu, tôn tạo", đại biểu Nga đề nghị.
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã ghi nhận, đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong việc tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội thông qua tại phiên họp này.
Bộ trưởng đã giải trình, làm rõ thêm các nhóm vấn đề mà đại biểu quan tâm. Bộ trưởng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Chương trình. Về các mục tiêu của Chương trình, như ý kiến của đại biểu Nguyễn Việt Nga, Bộ trưởng cho biết, việc tính toán các con số để đưa ra mục tiêu phấn đấu là dựa trên phương pháp tịnh tiến.
"Có nghĩa là chúng ta đã xem xét các Di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia đã được đầu tư các giai đoạn trước đây cùng với Chương trình này để đến khi kết thúc vào năm 2030 chúng ta có được 95%. Những người làm chương trình viết và hiểu như vậy, nhưng nếu đọc qua, lấy 133 di tích quốc gia đặc biệt hiện nay quốc gia đang có nhân lên 95% sẽ ra tổng số gần 100 di tích phải được nâng cấp, điều đó không phải.
Để tránh sự nhầm lẫn, chúng tôi rất đồng ý với đại biểu Nga, đó là chúng ta viết thẳng vào là "những di tích xuống cấp" để chúng ta phấn đấu làm, không phải đưa chỉ tiêu 95% theo cách tính tịnh tiến. Cách tiếp cận thế này dẫn đến sự hiểu lầm và cứ nhân lên, cuối cùng ra một bài toán hàng nghìn di tích được nâng cấp. Điều đó chúng tôi xin được tiếp thu ngay và theo tinh thần là đã nâng cấp, đã phân cấp thì chúng tôi đã phân cấp triệt để.
Con số này cũng được tính toán, như giai đoạn trước đây chỉ được bố trí 245 tỉ đồng, chúng ta đã chia số này theo hướng cấp bách, xuống cấp nghiêm trọng thì chúng ta được nâng cấp, có 400 di tích. Gần đây nhất trong nhiệm kỳ này, khi Chính phủ quyết định cấp 1.428 tỉ đồng để nâng cấp 17 di tích và Bộ VHTTDL phân cấp triệt để cho địa phương, địa phương làm chủ đầu tư và địa phương thực hiện nâng cấp 17 công trình này. Tương tự theo cách làm này để chúng ta chuyển hướng về di tích và chỉ tiêu, chúng tôi nghĩ như thế", Bộ trưởng nêu rõ.
Về việc đầu tư xây dựng các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, Bộ trưởng cho biết, việc này nhằm thực hiện chiến lược văn hóa đối ngoại của Nhà nước và như các đại biểu nói là sự hiện diện của văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Thông qua đó để chúng ta quảng bá, bảo tồn, giới thiệu văn hóa của Việt Nam và đó thực sự là ngôi nhà chung văn hóa của kiều bào ta ở nước ngoài. Vì vậy, hướng tới chúng ta sẽ lựa chọn từ 3 đến 5 trung tâm cần thiết phải được ưu tiên theo thứ tự, Chính phủ sẽ trình và Chính phủ sẽ quyết nghị theo nguyên tắc đối đẳng.
Dẫn thông tin từ Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hàn Quốc cho biết, phía bạn được Chính phủ giao xây dựng 80 Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại nước ngoài, Bộ trưởng nhấn mạnh, chúng ta không thể sử dụng Hàn Quốc để nói về Việt Nam, nguồn lực của chúng ta đến đâu, kiều bào của chúng ta sinh sống ở địa bàn nào, nhu cầu ở đó ra sao, khả năng phát triển thế nào, chúng ta trình Chính phủ để làm, các đại biểu cũng có thể yên tâm.
Đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) cho biết, ông nhận thấy cơ quan soạn thảo đã điều chỉnh nhiều vấn đề, góp ý tại kỳ họp thứ 7 và bổ sung nhiều nội dung cụ thể nhằm hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội tại kỳ họp lần này. Trong đó, có việc không chuyển dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2025-2030 vào chương trình.
"Về đề xuất đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, tôi thống nhất bởi vấn đề này nằm ngoài quy định của Luật Đầu tư công. Việc xây dựng các trung tâm văn hóa ở nước ngoài sẽ giúp chúng ta giới thiệu và lan tỏa hình ảnh văn hóa đất nước, con người Việt Nam với quốc tế nên cần có cơ chế đặc biệt để thực hiện. Ở nội dung này, tôi thấy Hàn Quốc vẫn có trung tâm văn hóa ở Việt Nam để họ giới thiệu, lan tỏa và quảng bá văn hóa của họ tại đất nước mình, tại sao chúng ta lại không làm như thế này ở nước ngoài", đại biểu Trình Lam Sơn nói.
Phấn đấu đến năm 2030 100% học sinh, học viên, sinh viên được tiếp cận, tham gia các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa
Đồng tình với báo cáo thẩm tra và Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Chương trình, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) đánh giá: "Hồ sơ dự án Luật đã bao gồm các thông tin chi tiết về mục tiêu, nội dung, dự án cụ thể, địa điểm triển khai, ngân sách và các hoạt động dự kiến với 11 phụ lục thiết thực. Đánh giá rõ nguồn lực cần thiết, bao gồm tài chính, nhân lực, cơ sở hạ tầng và thiết bị, để thực hiện chương trình. Đồng thời đưa ra lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn triển khai và các mốc thời gian cần thiết để đánh giá tiến độ".
Góp ý vào nhiều nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị tiếp tục cân nhắc về tính khả thi của mục tiêu số 6 (đến năm 2030, 100% học sinh, học viên, trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa).
Đại biểu phân tích: Vì ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, nhiều học sinh đang phải học ở các điểm trường, khả năng tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa như mục tiêu đặt ra là khó khả thi.
Phát biểu giải trình, làm rõ thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, ở mục tiêu số 6 mà báo cáo thẩm tra và ý kiến của các đại biểu Quốc hội băn khoăn về tính khả thi. Đây là mục tiêu do Bộ GD&ĐT đặt ra với mong muốn là phát triển con người một cách toàn diện và các nội dung giáo dục về nghệ thuật, về di sản văn hóa thực chất cũng đã có trong chương trình giáo dục phổ thông, trong đó đã có các môn học về mỹ thuật, về nghệ thuật mà các nhà trường cũng đã triển khai.
Đây là một nội dung được đưa ra với mục tiêu rất tốt đẹp, nhưng trong thực tế một số nơi, nhất là những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện có phần khó khăn. Tuy nhiên, cũng đã có nhiều giải pháp được đưa ra và được triển khai, nhiều địa phương đã dạy cho các em học sinh chính những nội dung nghệ thuật của dân tộc mình, của địa phương mình, như các em có thể học sáo, khèn, các điệu múa của dân tộc, nhạc cụ dân tộc... Trong đó môn giáo dục địa phương đã bao gồm rất nhiều nội dung về lịch sử địa phương, di tích lịch sử, văn hóa.
Tuy nhiên sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ dự kiến sửa đổi mục tiêu này, bỏ chữ "hiệu quả, thường xuyên" và thêm từ "phấn đấu": Phấn đấu đến năm 2030 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa".
Ông cũng đề nghị giữ nguyên con số 100% bởi chúng ta không thể để một bộ phận học sinh không được tiếp cận với việc này và cũng phù hợp với chương trình đã thành một nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông.