Bộ VHTTDL quán triệt cuốn sách về xây dựng và phát triển văn hóa của Tổng Bí thư:
Cẩm nang của người làm công tác văn hóa
VHO - Chiều 15.7 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị.
Cùng dự Hội nghị có các Thứ trưởng: Trịnh Thị Thuỷ, Tạ Quang Đông, Hoàng Đạo Cương, Hồ An Phong; đại diện các Ban, ngành Trung ương; đại diện các Cục, Vụ, đơn vị chức năng, doanh nghiệp thuộc Bộ VHTTDL…
Nói về văn hóa dân tộc bằng cả tình yêu
Hội nghị nhằm lan toả những nội dung cốt lõi của cuốn sách tới đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành văn hoá. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của văn hoá đối với sự phát triển bền vững của đất nước; ý thức trách nhiệm của những người làm công tác văn hoá trong triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tại Hội nghị, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập NXB Chính trị Quốc gia sự thật Phạm Thị Thinh đã giới thiệu quá trình biên tập cuốn sách. Theo bà Phạm Thị Thinh, việc tổ chức biên tập, xuất bản cuốn sách của Tổng Bí thư là nhiệm vụ quan trọng, trách nhiệm lớn lao, đồng thời là niềm vinh dự của các cơ quan được giao nhiệm vụ, trong đó có NXB Chính trị Quốc gia Sự thật. Mỗi cuốn sách của Tổng Bí thư đều đặt yêu cầu rất cao về tính chính xác, khoa học và chính trị.
Cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc gồm 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.
Trong đó, bài viết sớm nhất được viết năm 1968. Nội dung cuốn sách cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Tổng Bí thư đối với việc xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Việc sưu tầm, tuyển chọn tư liệu, xây dựng đề cương, sắp xếp các bài viết được tiến hành song song với công tác biên tập để bảo đảm tiến độ xuất bản sách. Bản thảo được biên tập kỹ lưỡng, qua nhiều lần trình xin ý kiến Văn phòng Tổng Bí thư và Tổng Bí thư.
Giới thiệu một số nội dung cơ bản của cuốn sách, GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương kiêm Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết, cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có giá trị lý luận và thực tiễn quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói riêng; với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung.
Đồng thời, là minh chứng cho thấy bước trưởng thành, phát triển về tư duy lý luận và năng lực lãnh đạo thực tiễn của Đảng ta đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về văn hóa không bằng lý luận khô khan mà bằng những tình cảm chân thật, bằng tất cả tình yêu với văn hóa dân tộc.
Cuốn cẩm nang của người làm công tác văn hóa
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, vào ngày 21.6 vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL và NXB Chính trị Quốc gia Sự thật đã phối hợp tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại buổi Lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã giao Bộ VHTTDL tổ chức các hoạt động nhằm lan tỏa những giá trị cốt lõi của cuốn sách. Trên tinh thần đó, Bộ VHTTDL nhận thấy cần tổ chức hội nghị nhằm nghiên cứu, quán triệt nội dung cuốn sách của Tổng Bí thư. Hội nghị là buổi sinh hoạt chung về tư tưởng, mang tính khoa học trong tiếp cận cuốn sách.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, tiếp cận cuốn sách của Tổng Bí thư không chỉ đơn thuần hiểu đây là kho tàng tri thức của nhân loại, mà còn là cuốn cẩm nang cho những người công tác trong lĩnh vực văn hóa. Vượt ra khỏi khuôn khổ của những luận điểm cơ bản, đó còn là những vấn đề mà Tổng Bí thư gửi gắm trong cuốn sách.
Thông qua cuốn sách, đội ngũ những người công tác trong lĩnh vực văn hóa được nâng cao nhận thức một cách sâu sắc những chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa; nắm được những vấn đề về lý luận từ tổng kết thực tiễn mà Tổng Bí thư đã nêu trong cuốn sách.
Cùng với đó sau khi cuốn sách được ra mắt, Bộ trưởng nêu rõ những người công tác trong lĩnh vực văn hóa thấy được trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng, giữ gìn, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Phần 2 của cuốn sách đã đi sâu, luận giải nhiều lĩnh vực, vấn đề của văn hóa. Độc giả cũng có thể thấy được những giải pháp, nhiệm vụ, phương hướng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi gắm trong cuốn sách, với tư cách là một người am tường về văn hóa. Cuốn sách cũng thể hiện sự tin yêu, mong muốn của Tổng Bí thư đối với ngành văn hóa.
“Với vai trò tham mưu của Bộ VHTTDL, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị đã quyết định tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã giới thiệu những điển hình, kết quả bước đầu sau 3 năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị. Đây là những “điểm sáng” để chúng ta nhân rộng, phát triển; giúp ngành văn hóa đáp ứng được những kỳ vọng của Tổng Bí thư. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Sử dụng sức mạnh mềm của văn hóa để khẳng định vị thế quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị Công đoàn, Đoàn Thanh niên Bộ phát động những phong trào giúp cán bộ toàn ngành yêu sách, quý trọng sách; để đọc sách là nhu cầu tự thân của mỗi người, nhất là với những cuốn sách có tính chất chuyên ngành về văn hóa. Đặc biệt, không được thỏa mãn với những kiến thức mình đang có mà phải học tập suốt đời thông qua việc đọc sách, tích lũy kiến thức, hiểu văn hóa dưới nhiều góc độ khác nhau.
Cùng với đó trong bối cảnh công nghệ số phát triển như hiện nay, Bộ trưởng yêu cầu thông qua việc số hóa, ứng dụng công nghệ, các thư viện cần có những giải pháp giúp bạn đọc ở nhiều nơi tiếp cận được với cuốn sách; chủ động hướng dẫn bạn đọc nghiên cứu cuốn sách theo hướng dễ hiểu, dễ đọc, dễ tiếp cận, để bạn đọc nắm được những luận điểm cơ bản mà Tổng Bí thư nêu trong cuốn sách.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu cán bộ toàn ngành phải tăng cường công tác nghiên cứu, triển khai, tổng kết từ thực tiễn. Đây là việc phải khẩn trương, chủ động. Thực tế nhờ tính chủ động trong triển khai thực hiện, nhiều địa phương đã phát triển được thêm những đặc tính quan trọng, cơ bản trong văn hóa vùng miền của địa phương đó; cùng những phẩm chất tốt đẹp của con người địa phương. Nhờ vậy, nhân lên, kết hợp với sức mạnh chung trong phát triển văn hóa, xã hội.
Tại Hội nghị, các đại biểu, chuyên gia cũng cho rằng, cuốn sách không chỉ là sản phẩm trí tuệ, tâm huyết của riêng Tổng Bí thư, mà quan trọng hơn là một công trình khoa học có tính chất hệ thống, tập hợp những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Đảng về vai trò, sứ mệnh của văn hóa như nguồn lực nội sinh cho phát triển - sự gắn kết của văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội. Cuốn sách như “kim chỉ nam” về giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống và cách mạng, về phát triển văn hóa trong thời kỳ mới.
Hơn nữa, cuốn sách thể hiện rõ tư tưởng đề cao ý nghĩa trung tâm của con người là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng trong phát triển văn hóa; gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam. Qua đó, góp phần quan trọng làm giàu thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.