Bộ VHTTDL đang đề nghị sửa đổi các quy định về chế độ đãi ngộ đối với vận động viên

TÙNG QUANG; ảnh: XUÂN TRẦN, Q.H

VHO - Đầu giờ chiều 21.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực VHTTDL, NN&PTNT, Công thương.

Bộ VHTTDL đang đề nghị sửa đổi các quy định về chế độ đãi ngộ đối với vận động viên - ảnh 1
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tại phiên chất vấn chiều 21.8, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.

Theo đó, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số để giới thiệu di sản, quảng bá văn hóa và sản phẩm du lịch của Việt Nam. Tuy nhiên đại biểu cho rằng, thực trạng cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, việc chuyển đổi số, ứng dụng thông tin chưa đạt được hiệu quả.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho biết nguyên nhân chính của hạn chế nêu trên là gì trong ứng dụng công nghệ thông tin để giới thiệu di sản, quảng bá văn hóa, sản phẩm du lịch? Đồng thời đề nghị Bộ trưởng làm rõ giải pháp và lộ trình cụ thể để phát huy hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào giới thiệu di sản, quảng bá văn hóa, sản phẩm du lịch?

Chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTTDL, đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang khẳng định: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lĩnh vực Văn hóa và thể thao của nước nhà. Tuy nhiên, qua thực tiễn, việc đầu tư cho công tác đào tạo, chính sách đãi ngộ, chế độ tiền lương cho các vận động viên thể thao cũng như là các diễn viên còn rất thấp nên chưa thu hút được những tài năng văn hóa và thể thao. Riêng về thể thao thành tích cao thì thời gian qua tuổi đời rất là thấp. Như vậy, thời gian còn lại của vận động viên có thành tích cao sẽ được hưởng chính sách tiền lương ra sao?

Bộ VHTTDL đang đề nghị sửa đổi các quy định về chế độ đãi ngộ đối với vận động viên - ảnh 2
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời thấu đáo và thuyết phục các vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho rằng, phát triển du lịch xanh hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững là xu thế và cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với Việt Nam. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho biết, cần tập trung thực hiện những giải pháp trọng tâm nào để thúc đẩy phát triển du lịch xanh của Việt Nam trong thời gian tới?

Trả lời chất vấn đại biểu liên quan đến số hóa trong lĩnh vực di sản, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, chúng ta trong quá trình triển khai kinh tế số và lĩnh vực di sản cũng trong quá trình đó. Bộ đã triển khá nhiều hoạt động số hóa hoạt động thư viện, bảo tàng và bước đầu mang lại hiệu quả cao, góp phần quảng bá, thúc đẩy du lịch, nhất là phát huy yếu tố di sản. Đặc biệt, lĩnh vực này đã có sự tham gia của các thành phần khác nhau, không chỉ có đầu tư công. Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang trình Quốc hội cho ý kiến cũng có các điều quy định về số hóa trong lĩnh vực di sản.

Bộ VHTTDL đang đề nghị sửa đổi các quy định về chế độ đãi ngộ đối với vận động viên - ảnh 3
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến phát triển du lịch xanh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong Chiến lược phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đã ưu tiên lựa chọn sản phẩn du lịch xanh. Trong đó có 4 dòng sản phẩm chính đã toát lên toàn bộ nội hàm bên trong là phát triển du lịch xanh và bền vững. Chính phủ đã có Nghị quyết số 82, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 08 để tập trung vào nội dung này.

Trong đó, có điểm cần lưu ý là phát triển du lịch bền vững, không phải theo mùa vụ, mà phải dựa trên nền tảng văn hóa, sản phẩm có tính chất nổi trội để xây dựng các hệ thống nổi trội để kết nối tour tuyến, phát triển du lịch vùng. Cùng với đó, xác định quan điểm phát triển du lịch không phải bằng mọi giá, mà phải chú đến môi trường sinh thái.

Bộ VHTTDL đang đề nghị sửa đổi các quy định về chế độ đãi ngộ đối với vận động viên - ảnh 4
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang

Về các chính sách phát triển thể thao, Bộ trưởng cho biết, hiện nay Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến lực lượng vận động viên và đội ngũ văn nghệ sĩ. Ngoài các chế độ Trung ương ban hành, cũng có các chính sách của các địa phương để khen thưởng vận động viên đạt thành tích cao. Bộ trưởng cho rằng, nhìn ra thể thao các quốc gia khác, muốn phát triển cần có thêm các chính sách đãi ngộ. Do đó, Bộ VHTTDL đang đề nghị Chính phủ sửa đổi các nghị định về chế độ đãi ngộ đối với vận động viên…

Phát biểu kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với 3 lĩnh vực: VHTTDL, NN&PTNT, Công thương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đã có 30 đại biểu chất vấn, 6 đại biểu tranh luận, 11 đại biểu đăng ký nhưng do hết thời gian, đề nghị đại biểu gửi chất vấn bằng văn bản.

Bộ VHTTDL đang đề nghị sửa đổi các quy định về chế độ đãi ngộ đối với vận động viên - ảnh 5
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình

Nhìn chung, phiên chất vẫn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng; các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội đã bám sát các nội dung chất vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã chuẩn bị tốt nội dung, tập trung trả lời vào các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm; giải trình khá đầy đủ về các vấn đề còn tồn tại, hạn chế. Đồng thời, ghi nhận nỗ lực của các Bộ trưởng trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề xuất các giải pháp khắc phục những bất cập trong phạm vi phụ trách.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các nội dung lĩnh vực chất vấn sẽ được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận vào sáng mai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ ban hành nghị quyết về các nội dung chất vấn của Chính phủ và các cơ quan có liên quan để tổ chức thực hiện.