Kịp thời thanh, kiểm tra các điểm điểm nóng, chấn chỉnh những hiện tượng phản cảm tại lễ hội

TÙNG QUANG

VHO - Đối với một số lễ hội còn để xảy ra hiện tượng phản cảm, chen lấn, xô đẩy, tranh cướp, bạo lực và duy trì những tập tục không phù hợp với xu hướng của xã hội, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội, Bộ VHTTDL đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo, chấn chỉnh và có giải pháp khắc phục...

Kịp thời thanh, kiểm tra  các điểm  điểm nóng, chấn chỉnh những hiện tượng phản cảm tại lễ hội - ảnh 1
Kịp thời thanh, kiểm tra các điểm điểm nóng, chấn chỉnh những hiện tượng phản cảm tại lễ hội. Ảnh: Trần Huấn

Bộ VHTTDL  nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 499/BDN ngày 14.6.2024, nội dung kiến nghị như sau:

Thời gian qua, trong một số lễ hội tại các địa phương xảy ra hiện tượng mê tín dị đoan, biến tướng lễ hội dưới nhiều hình thức, mang tính thương mại, các hình ảnh phản cảm như ném tiền vào kiệu ấn, cướp lộc, đốt vàng mã, thậm chí có nơi còn thực hiện thêm nhiều nghi thức không có trong lễ hội  truyền thống như chém lợn, nhúng tiền vào máu lợn trong lễ hội Chém lợn, biến tướng cá độ, đặt cược trong lễ hội Chọi Gà, hình thức cướp lộc tại lễ hội đền Sóc, nghi thức rước sinh thực khí nam tại lễ hội Xuân Ná Nhèm….  Kiến nghị Bộ VHTTDL có giải pháp dần loại bỏ một số lễ hội còn duy trì các tập tục, hình ảnh mang tính chất phản cảm, bạo lực, mê tín dị đoan, không còn phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa Việt.

Tại Công văn số 3442/BVHTTDL-VP ngày 13.8.2024 về việc trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho biết:

Nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về công tác quản lý lễ hội, Bộ VHTTDL đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29.8.2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Theo đó, lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa. Nghi lễ của lễ hội phải trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.

Đối với một số lễ hội còn để xảy ra hiện tượng phản cảm, chen lấn, xô đẩy, tranh cướp, bạo lực và duy trì những tập tục không phù hợp với xu hướng của xã hội, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội, Bộ VHTTDL đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo, chấn chỉnh và có giải pháp khắc phục; đồng thời cử các đơn vị chuyên môn trực tiếp trao đổi với địa phương để đưa ra các giải pháp, phương án thay đổi hình thức tổ chức lễ hội phù hợp, đảm bảo các hoạt động lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tham gia lễ hội của nhân dân và du khách.

Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL và các địa phương trong cả nước đều thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội hằng năm, đảm bảo các lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh đúng theo quy định của pháp luật; giám sát, nhắc nhở và yêu cầu Ban Tổ chức lễ hội chấn chỉnh các biểu hiện phản cảm, vi phạm nếp sống văn minh trong lễ hội, góp phần đưa các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội thực sự đi vào cuộc sống của người dân, tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng con người có lối sống, nếp sống văn minh trong lễ hội.

Qua theo dõi và kiểm tra, hầu hết các lễ hội do địa phương quản lý, tổ chức nghiêm túc, đúng quy định. Các hình ảnh phản cảm, hiện tượng mê tín dị đoan, biến tướng trong lễ hội dần được đẩy lùi, từ đó, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ngày một nền nếp, các lễ hội được tổ chức đúng mục đích, nội dung, giá trị văn hoá, lịch sử.

Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương  thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên để hoạt động lễ hội trên địa bàn cả nước được tổ chức an toàn, vui tươi, văn minh, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao trong đời sống của Nhân dân.