Chuyển đổi số thiết chế bảo tàng, di tích: Xu thế tất yếu và lâu dài
VHO- Sáng qua 14.10, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã chủ trì Hội nghị lãnh đạo Bộ làm việc với các Bảo tàng, Khu di tích trực thuộc Bộ VHTTDL.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương kiểm tra công tác trưng bày hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam Ảnh: VŨ MỪNG
Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo Cục Di sản văn hóa, Vụ Kế hoạch Tài chính, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Chuẩn bị cho cuộc hồi sinh
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại cuộc làm việc với các Bảo tàng, Khu di tích trực thuộc Bộ VHTTDL hồi tháng 6.2021, Hội nghị nhằm đánh giá, rà soát lại các hoạt động của khối Bảo tàng, Di tích thuộc Bộ trong thời gian qua; những nỗ lực vượt khó do đại dịch Covid-19 cũng như sự chủ động trong công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động triển lãm, trưng bày và công tác chuyên môn khác của Bảo tàng. “Đây là cuộc làm việc có ý nghĩa trong bối cảnh các Bảo tàng, Khu di tích đang rục rịch mở cửa trở lại sau một thời gian dài giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19. Sau Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ngày mai (15.10), Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng sẽ chính thức mở cửa...”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, sau diễn đàn Tác động của đại dịch Covid-19 - Hành động quyết liệt của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh nhiều nội dung liên quan đến hoạt động của các bảo tàng, đó là việc xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động Bảo tàng. Với các Bảo tàng thuộc Bộ, 3 vấn đề chính cần quan tâm gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa; Nghiên cứu cách thức ứng dụng công nghệ số của một số bảo tàng để xây dựng ứng dụng giới thiệu nội dung trưng bày chuyên đề bằng hình thức trực tuyến; Đẩy mạnh hoạt động truyền thông trực tuyến, tổ chức các chương trình quảng bá, giới thiệu nội dung, xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các hoạt động của Bảo tàng trên không gian số.
“Chuyển đổi số là một trong những chuyển động cần thiết mà các Bảo tàng, Di tích cần chú trọng đẩy mạnh. Mỗi Bảo tàng, Di tích cũng cần xác định sự thích ứng cần thiết trong điều kiện mới. Ngoài hình thức tham quan trực tiếp, còn có nhiều con đường khác để thu hút du khách mà tham quan trực tuyến sẽ trở thành một xu thế tất yếu, lâu dài. Vì vậy, các Bảo tàng, Di tích cần chú trọng đặt lên hàng đầu yếu tố công nghệ, nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa...”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu.
Đại diện các Bảo tàng, Khu di tích đã báo cáo một số kết quả hoạt động trong thời gian qua; đặc biệt là những nỗ lực khắc phục khó khăn do tác động của đại dịch. Theo đó, một trong những tác động lớn nhất và gần như khiến hầu hết các Bảo tàng, Di tích bị tê liệt trong giai đoạn đầu khi Covid-19 ập đến là sự sụt giảm nghiêm trọng về số lượng khách tham quan - yếu tố sống còn của mỗi thiết chế Bảo tàng, Di tích.
Chuyển đổi số: Cần sự dài hơi
Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam Nguyễn Thị Ngân cho biết, trong bối cảnh khó khăn đó, Bảo tàng buộc phải tìm ra hướng đi phù hợp với tình hình mới, bằng việc áp dụng công nghệ số trong trưng bày, đưa tư liệu, hiện vật đến gần với người xem, giúp công chúng tiếp cận dễ dàng hơn với những tài liệu, hiện vật quý thông qua mạng trực tuyến mà không cần trực tiếp đến Bảo tàng.
TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam chia sẻ, trong cái khó ló cái khôn, Bảo tàng đã bắt nhịp với xu thế tất yếu của giai đoạn hiện nay và chủ động triển khai chuyển đổi số theo chiều sâu, nối dài các hoạt động ứng dụng công nghệ đã được triển khai trước đây. Trong đó, trưng bày 3D chuyên đề Bảo vật quốc gia là một trong những thành công, tạo hiệu ứng tốt và thu hút đông đảo du khách đến để chiêm ngưỡng. “Chúng tôi xác định việc quan trọng nhất là chuyển tải gì trên không gian số. Bảo tàng Lịch sử quốc gia quản lý khối tài sản quý giá là những hiện vật, di sản văn hóa, cần phát huy đưa đến công chúng bằng nhiều hình thức, trong đó, số hóa là con đường hữu hiệu”, theo ông Nguyễn Văn Đoàn.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một địa chỉ “sáng” về sự chủ động và thành công trong ứng dụng công nghệ chuyển đổi số. Giám đốc Nguyễn Anh Minh cho biết, Bảo tàng đã ra mắt ứng dụng công nghệ thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA sau 2 năm phối hợp triển khai với hình thức xã hội hóa và đã nhận được phản hồi tốt từ khách tham quan trong, ngoài nước. Đây là ứng dụng thu tiền trên nền tảng trực tuyến của Bảo tàng, với quyết tâm xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu chứ không là tình thế. Nối tiếp thành công, Bảo tàng ra mắt ứng dụng 3D tour tham quan trực tuyến và tiếp tục đẩy mạnh công nghệ thực tế ảo, 3D cùng nhiều ứng dụng khác nhằm phục vụ tốt nhất cho du khách.
Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn chồng chất, sự chủ động chuyển đổi hướng đi, đặc biệt về chuyển đổi số đã giúp các Bảo tàng khắc phục khó khăn, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và đến gần hơn với du khách. Những tác động từ đại dịch cũng khiến các Bảo tàng chuyển hướng sang các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm và kiểm kê bảo quản, số hóa… đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cục trưởng đề nghị, các Bảo tàng cần tiếp tục đẩy mạnh hướng đi thiết thực này. Đặc biệt trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn một cách tổng thể, theo nội dung Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt.
Ghi nhận những nỗ lực của các Bảo tàng, Di tích trong thời gian qua, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, đây là thời gian các thiết chế quan trọng này sẽ vận hành trở lại với nhiều hoạt động sôi nổi. Trong đó, cần đẩy mạnh và có chiến lược dài hơi đối với công tác chuyển đổi số. Theo Thứ trưởng, các triển lãm online đã được thực hiện rất hiệu quả, tuy nhiên từ những chương trình riêng của mỗi Bảo tàng, cần xây dựng một chương trình chung của Bộ, do Cục Di sản văn hóa chủ trì. Phải xác định đây là một hướng đi xuyên suốt, đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Về các đề án số hóa, Thứ trưởng nhấn mạnh, xu thế tất yếu này đã được các Bảo tàng nắm bắt và chủ động thực hiện ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải chú ý tính đồng bộ, có chiến lược phù hợp giữa nội dung và hạ tầng công nghệ. Đơn cử, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cần có kế hoạch dài hơi, tính toán giải pháp phù hợp bởi số lượng hiện vật tại đây lưu giữ rất nhiều. Trong năm 2021, cố gắng xây dựng lộ trình số hóa, định lượng hiện vật và đưa ra các giải pháp. Theo Thứ trưởng, việc chuyển đổi số cũng cần được các Bảo tàng, Di tích còn lại chú trọng đẩy mạnh trong thời gian tới.
Thứ trưởng cũng lưu ý một số nội dung quan trọng liên quan đến hoạt động của các Bảo tàng, Di tích như lượng khách tham quan; tiếp cận và đổi mới trưng bày để hấp dẫn công chúng; chú trọng xây dựng các sản phẩm đặc thù phục vụ khách tham quan; đẩy mạnh hợp tác quốc tế...
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động Bảo tàng Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương vừa ký công văn số 3809/BVHTTDL-DSVH gửi các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; các Bảo tàng trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng chương trình phối hợp với Ngành GD&ĐT trong hoạt động Bảo tàng. Theo đó, Bộ VHTTDL đề nghị các Sở, các bảo tàng triển khai xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động Bảo tàng. Đối với các Bảo tàng: Xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa phù hợp với đối tượng, phạm vi hoạt động và điều kiện thực tế của bảo tàng để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, trưng bày, giáo dục và giới thiệu về di sản văn hóa trong không gian số. Nghiên cứu cách thức ứng dụng công nghệ số của một số bảo tàng đã bước đầu thành công để xây dựng các ứng dụng giới thiệu nội dung trưng bày chuyên đề, hoạt động giáo dục di sản văn hóa thông qua hình thức trực tuyến… Bộ VHTTDL yêu cầu các Sở chủ trì xây dựng ký kết chương trình phối hợp với các Sở GD&ĐT về việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy và học để chỉ đạo các bảo tàng và các trường trên địa bàn phối hợp triển khai. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức trực tiếp tham gia hoạt động giáo dục của bảo tàng… HOÀNG NGÂN |
BẢO NGÂN