Bộ VHTTDL đề nghị giám sát, tăng cường phối hợp quản lý nhà nước trong việc tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu

VHO - "Bộ VHTTDL rất mong trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương trong việc theo dõi, giám sát, phối hợp tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về việc quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn, tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu".

Bộ VHTTDL đề nghị giám sát, tăng cường phối hợp quản lý nhà nước  trong việc tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu - Anh 1

Như Văn Hóa đã có loạt bài phản ánh, trong thời gian vừa qua, Bộ VHTTDL đã quyết liệt trong việc kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh các biểu hiện lệch lạc trong việc tổ chức một số cuộc thi người đẹp, người mẫu tại các địa phương

Bộ VHTTDL đã nỗ lực, quyết liệt triển khai hiệu quả các giải pháp quản lý nhà nước

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng vừa ký văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác quản lý nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, thi người đẹp, người mẫu.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong thời gian qua, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã từng bước đi vào nền nếp, không chỉ làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, mà còn hỗ trợ thiết thực, hiệu quả trong việc phục hồi kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, tổ chức một số hoạt động (thi người đẹp, người mẫu) vẫn còn những hạn chế, bất cập và được đại biểu Quốc hội quan tâm, đề cập. Mặc dù theo quy định của pháp luật đã phân cấp cho các địa phương quyết định nhưng với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, Bộ VHTTDL báo cáo một số nội dung đến Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Bộ trưởng, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã tổ chức, triển khai nhiều giải pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn nói chung, hoạt động tổ chức thi người đẹp, người mẫu nói riêng và đã đạt được một số kết quả cụ thể.

Cụ thể, về công tác ban hành văn bản, chỉ đạo, tổ chức triển khai, xác định việc đẩy mạnh thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về văn hóa là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, hàng đầu, thời gian qua, Bộ VHTTDL đã tập trung tham mưu, trình Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về nghệ thuật biểu diễn.

Cụ thể là: Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo; Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo.

Cùng với đó là Nghị định số 128/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo.

"Những văn bản quy phạm pháp luật nêu trên được xây dựng theo hướng đẩy mạnh phân cấp từ trung ương về địa phương; cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; điều chỉnh chế tài xử lý vi phạm thích hợp, góp phần tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thúc đẩy sáng tạo và tổ chức hoạt động nghệ thuật biểu diễn, bảo đảm quyền tiếp cận và cơ hội để công chúng thưởng thức nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu thực tiễn", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trách nhiệm của địa phương

Bộ VHTTDL đề nghị giám sát, tăng cường phối hợp quản lý nhà nước  trong việc tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu - Anh 2

Trong công tác quản lý nhà nước tại địa phương, theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:

 Thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên địa bàn. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn về văn hóa, các cơ quan trực thuộc và Ủy ban nhân dân các cấp theo phân cấp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, chương trình, đề án về hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên địa bàn.

Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, phổ biến, giáo dục và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm luật về hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên địa bàn.

Chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ, khen thưởng, hợp tác quốc tế về hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên địa bàn.

Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên địa bàn.

Bộ trưởng khẳng định, nhằm tăng cường công tác phối hợp với các địa phương thực hiện quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn, đồng thời với tổ chức các Hội nghị quán triệt, triển khai các quy định pháp luật về nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTTDL ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, các địa phương thực hiện nhiệm vụ được phân cấp theo quy định của pháp luật trong chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi người đẹp, người mẫu để giải quyết các bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.

Cụ thể là Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL ngày 13 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật; Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL ngày 23 tháng 9 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, phục hồi và phát triển du lịch; Công văn số 2019/BVHTTDL-NTBD ngày 10 tháng 6 năm 2022 về việc chấn chỉnh công tác thi hành pháp luật về hoạt động văn hoá, nghệ thuật.

Trong đó, tập trung vào các giải pháp: Tổ chức thực thi nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý chuyên ngành tại địa phương; tăng cường công tác phối hợp trong quản lý đối với cuộc thi người đẹp, người mẫu có quy mô lớn, có yếu tố nước ngoài, liên quan đến công tác dân tộc, bình đẳng giới, trẻ em, được tổ chức nhiều vòng ở nhiều địa phương; thẩm định chặt chẽ hồ sơ trước khi tham mưu chấp thuận hoặc không chấp thuận tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu.

Đề nghị tổ chức hoạt động giám sát, thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn tại các địa phương

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức các Đoàn kiểm tra, theo dõi việc tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu diễn ra nhiều vòng ở nhiều địa phương và ở những địa phương có nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời (triển khai giải pháp nghiệp vụ, kỹ thuật để gỡ bỏ, ngăn chặn…) đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi người đẹp, người mẫu trên không gian mạng có vi phạm.

Đồng thời, Bộ VHTTDL cũng yêu cầu Sở VHTTDL, Sở Văn hóa và Thể thao, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi tình hình thực thi pháp luật trong tổ chức các hoạt động, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; đặc biệt, tăng cường kiểm tra, theo dõi sau khi cấp văn bản chấp thuận, kiên quyết dừng cuộc thi người đẹp, người mẫu, chỉ đạo việc thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi trong trường hợp có vi phạm pháp luật.

Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt, phân định rõ trách nghiệm của các Bộ, ngành ở trung ương và chính quyền địa phương, Bộ VHTTDL trân trọng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố tổ chức hoạt động giám sát định kỳ hoặc chuyên đề đối với việc quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn tại các địa phương.

Đề nghị Bộ TT&TT phối hợp với Bộ VHTTDL quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật được truyền tải trên hệ thống phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử và môi trường mạng; chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thông tin báo chí và hệ thống thông tin cơ sở trong công tác tổ chức, thực hiện hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Bộ Công an chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn, an ninh, phòng chống cháy, nổ, trật tự xã hội cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật; phối hợp quản lý về an ninh, xuất, nhập cảnh với tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam và tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở nước ngoài; phối hợp với Bộ VHTTDL  thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức các hoạt động nghệ thuật biểu diễn phục vụ công tác đối ngoại chính trị và các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác quốc tế; chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài quản lý, hỗ trợ tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở nước ngoài.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ VHTTDL đảm bảo thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, tổ chức thi người đẹp, người mẫu trên địa bàn theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ về thực hiện quản lý nhà nước đối với các hoạt động nghệ thuật biểu diễn (thi người đẹp, người mẫu) tại địa phương theo phân cấp. Rà soát toàn diện các cuộc thi người đẹp, người mẫu trên địa bàn đã được cấp văn bản chấp thuận, kiểm tra các điều kiện bảo đảm, cương quyết dừng, đình chỉ các cuộc thi không đáp ứng được yêu cầu; kiểm tra rà soát mục đích, mục tiêu, yêu cầu trong các cuộc thi để tìm ra biểu tượng sắc đẹp thực sự, đại diện cho vẻ đẹp trí tuệ, tâm hồn của người Phụ nữ Việt nam mà quyết định số lượng cuộc thi bảo đảm chất lượng, đúng quy định.

"Bộ VHTTDL rất mong trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương trong việc theo dõi, giám sát, phối hợp tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về việc quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn, tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

TÙNG QUANG

Ý kiến bạn đọc