“Bạo lực bằng hình”

MINH TUỆ

VHO - Truyền thông trong thời đại ngày nay thật tiện ích và nhanh chóng, tích tắc thôi là sự việc xảy ra bất kỳ nơi đâu mọi người đều có thể thấy.

Chỉ cách nay độ hai ba mươi năm trở về trước, sự tiện ích và nhanh chóng như vậy ngay cả trong mơ cũng không thấy. Thế nhưng sự tiện ích và nhanh chóng đôi khi sử dụng không đúng cách lại có thể ngầm chứa những nguy cơ mà trước kia không có. Trên báo chí hay mạng xã hội đăng tải chuyện chém giết, bạo lực, thú thật nhiều khi người viết không dám đọc.

 Nhiều người cũng như vậy, mới thấy cái tít đề thôi đã khiếp vía. Vậy mà mới đây lại thấy chuyện con đốt mẹ, chồng quật ngã vợ, không chỉ mô tả bằng lời mà còn bằng… hình ảnh minh họa việc thật, người thật. Thật quá sợ.

Còn những hình ảnh đánh ghen lột quần áo, quay phim chụp hình rồi đưa lên mạng xã hội để “răn đe” tình địch thì nhiều. Người ta mượn mạng xã hội với những hình ảnh “sống động” để hạ nhục người khác, thỏa mãn sự căm ghét của mình.

Lại cũng có người “ăn óc khỉ” với con khỉ còn sống và “livestream” để nhiều người được thấy, sau bị cơ quan chức năng mời đến làm việc. Những sự việc đau lòng như trên chắc hẳn trước kia cũng có, nhưng không có phương tiện ghi hình và mạng như ngày nay, nên ta không thể thấy.

Nhưng chính mạng xã hội với phương tiện ghi hình dễ dàng như ngày nay đã “để lộ” những khoảng trống văn hóa “chết người”, nếu người ta hành xử thiếu văn hóa.

Người viết giật mình nghĩ đến những điều cấm kỵ xưa nay. Không ai phủ nhận những chuyện như kể trên là không thật, nó có thể thật một trăm phần trăm, nhưng vấn đề là có nên đưa lên báo chí hay mạng xã hội không.

Tâm lý của mọi người là muốn biết những chuyện gì đã xảy ra quanh mình hay rộng hơn là cả thế giới, đó là điều bình thường. Tuy nhiên điều bất thường là cái tính hiếu kỳ, muốn biết cả những chuyện lạ lùng, kể cả những chuyện “giật gân”.

Tại sao đưa những hình ảnh về chuyện dâm đãng, bạo lực lại bị cấm kỵ? Với dâm đãng, nó trái với thuần phong mỹ tục, có sức tàn phá lớn đối với văn hóa. Với bạo lực, nó trái với tinh thần nhân văn.

Người ta có thể biện minh rằng “tôi đưa các hình ảnh ấy lên chỉ để phê phán (không phải đồng tình)”, nhưng kết quả có thể như ta nghĩ hay không, lại là chuyện khác.

Hình ảnh xấu như dâm đãng hay bạo lực nếu người ta tiếp xúc nhiều ắt sẽ quen, quen ắt sẽ thấy nó… bình thường, thấy nó bình thường thì lúc nào đó người ta sẽ làm theo. Đó là quy luật của tâm lý.

Cho nên trong các luật liên quan đều có điều khoản cấm sử dụng các hình ảnh bạo lực, trái với thuần phong mỹ tục. Không chỉ riêng ở nước ta, phần nhiều các nước văn minh trên thế giới cũng có những cấm kỵ tương tự.

Người ta quy định như vậy không nhằm mục đích gì khác hơn là giúp cho xã hội cùng hướng lành lánh dữ, tạo cho quan hệ xã hội được hài hòa, tốt đẹp hơn. Nếu nói về truyền thống thì đó là những tập quán ấy có tự thuở nào, nếu nói về luật thì những quy định như vậy đã có từ rất lâu. Đó là những hành xử bắt buộc để tạo lập một xã hội văn minh.

Thế nên người viết mới ngạc nhiên khi thấy trên mạng xã hội có khá nhiều hình ảnh bạo lực mà lẽ ra không nên đăng. Người ta không biết, “vô tư” đăng, hay người ta biết quy định của luật mà bất chấp, để thu hút người xem?

Những hiện tượng đưa hình ảnh bạo lực lên mạng xã hội có thể gọi là “bạo lực bằng hình”(illustrated violence), nó được “minh họa” bằng hình thật. Quả thực, khi mô tả chi ly bằng lời đã là sự không nên, lại thêm cả hình ảnh vào nữa thì thật là rùng rợn, đáng sợ.

Thiển nghĩ, trước khi đăng lên báo hay trên mạng xã hội, người đăng cần phải tự hỏi rằng cái này có nên đăng hay không. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc