Hồi âm bái viết trên Văn Hóa:
Loạt kiốt xâm phạm di tích ở Thanh Hóa đã được tháo dỡ
VHO - Một loạt ki-ốt và hàng quán trái phép đã xâm phạm khu vực Di tích lịch sử - văn hóa đền Cô Bơ (xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, Thanh Hóa), gây ảnh hưởng đến mỹ quan, sự tôn nghiêm của nơi thờ tự và vệ sinh môi trường. Sau khi Báo Văn Hóa có bài phản ánh, chính quyền địa phương đã tháo dỡ và xử lý theo quy định.

Liên quan đến việc xâm phạm di tích đền Cô Bơ, cách đây gần một năm, sau khi Văn Hóa đăng tải bài viết Thanh Hóa: Hàng loạt hàng quán, ki-ốt xâm phạm di tích đền Cô Bơ (Văn Hóa điện tử, ngày 4.3.2024), tình trạng này đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Mặc dù đền Cô Bơ đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa, nhưng từ nhiều năm qua, không gian của đền bị xâm lấn bởi hàng loạt ki-ốt, hàng quán trái phép, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến di tích.
Điều đáng chú ý là UBND xã Hà Sơn đã cho các hộ dân thuê ki-ốt để kinh doanh, điều này đã khiến dư luận xã hội và du khách không khỏi bức xúc.
Cụ thể, hai bên đường dẫn vào đền Cô Bơ có 31 ki-ốt, trong đó có 13 ki-ốt nằm bên phải đường và 18 ki-ốt nằm bên trái (7 ki-ốt thuê 20 năm, từ 2007-2027, còn lại cho thuê theo hợp đồng 1 năm), chủ yếu kinh doanh đồ mã và các vật phẩm phục vụ cho việc thờ cúng tại đền, nhưng lại nằm trên đất tín ngưỡng, chưa được giao cho đền quản lý.
Các ki-ốt đều được xây dựng tạm bợ, mái lợp tôn. Trong quá trình kinh doanh, nhiều hộ dân đã lấn chiếm lòng đường để bày bán hàng hóa, căng bạt, đặt ô để che mưa nắng, khiến khu vực này trở nên lộn xộn, nhếch nhác và gần như che khuất mặt tiền của đền. Đặc biệt, hàng hóa kinh doanh là những vật phẩm dễ gây cháy nổ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Chưa đầy hai ngày sau, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa đã ký Quyết định thành lập Đoàn thanh tra để làm rõ theo nội dung Báo Văn Hóa phản ánh, đồng thời kiến nghị các biện pháp khắc phục sai phạm, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Sau khi tiến hành thanh tra thực tế tại di tích đền Cô Bơ, Sở VHTTDL Thanh Hóa đã phát hành Thông báo số 949, trong đó khẳng định nội dung phản ánh của Văn Hóa là đúng sự thật.
Chính quyền địa phương cho biết, trong thời gian tới, sẽ di dời 13 ki-ốt hiện đang kinh doanh bên phía tay phải đường vào đền (sát tường bao quanh di tích) sang khu vực phía bãi đỗ xe cũ. Việc di dời này sẽ hoàn tất trước tháng 8.2024.
Các ki-ốt còn lại nằm bên phía tay trái đường vào đền sẽ hết hợp đồng cho thuê vào năm 2027, khi đó, địa phương sẽ di chuyển tất cả các hộ dân đang kinh doanh tại đây đến vị trí khác, phù hợp với quy hoạch của địa phương và không gian di tích. Hiện tại, do chưa có quỹ đất phù hợp, việc bố trí đất mới chưa thể thực hiện ngay.
Ngoài ra, chính quyền cũng cam kết sẽ chấn chỉnh các tồn tại mà Báo Văn Hóa đã phản ánh ngay sau khi Sở VHTTDL thực hiện kiểm tra.
Tuy nhiên, sự việc chỉ thực sự được giải quyết khi đến ngày 14.8.2024, Văn Hóa tiếp tục đăng bài Vụ hàng loạt ki-ốt xâm phạm di tích đền Cô Bơ (Thanh Hóa): Sở VHTTDL chỉ rõ sai phạm, chính quyền vẫn không xử lý. Ngay sau đó, UBND huyện Hà Trung đã có văn bản đôn đốc UBND xã Hà Sơn thực hiện đúng kết luận kiểm tra của Sở VHTTDL Thanh Hóa, từ đó sai phạm mới được xử lý theo quy định.
Tính đến thời điểm hiện tại, phóng viên Văn Hóa ghi nhận, 13 ki-ốt nằm bên tay phải đường vào đền đã được tháo dỡ. Tình trạng hàng hóa lấn chiếm lòng đường, căng bạt, đặt ô gây mất mỹ quan… cũng đã được chính quyền địa phương xử lý theo quy định.
Theo lãnh đạo huyện Hà Trung, đền Cô Bơ thuộc cụm di tích - thắng cảnh Hà Sơn, được xây dựng hơn 500 năm trước và đã được UBND tỉnh Thanh Hóa xếp hạng là Di tích cấp tỉnh vào năm 1992. Thời gian qua, di tích này đã được đầu tư tu bổ và tôn tạo, ngày càng trở nên khang trang, sạch đẹp, đồng thời trở thành điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn.
Lãnh đạo huyện cũng khẳng định, từ năm 2022 đến nay, Báo Văn Hóa luôn đồng hành và cung cấp thông tin phản ánh chính xác, giúp huyện có những chỉ đạo kịp thời trong việc xử lý các sai phạm tại di tích này.