Sự trở lại của đĩa than: “Nghề chơi cũng lắm công phu”
VHO- Đĩa than kén người nghe, “chất” và hoài cổ, dành cho những người muốn thưởng thức âm nhạc ở tầm cao, nhưng cũng không thể phủ nhận “cuộc chơi” đó tốn kém và cũng đầy trắc trở.
Diva Hồng Nhung với 1.000 đĩa than độc bản “Bống là ai?” được thực hiện tại Paris
Ra đời từ năm 1889, đĩa than đáp ứng gu thưởng thức âm nhạc tinh tế khi nhấn mạnh vào tần số âm thanh, sự mộc mạc bình dị không qua chỉnh sửa của kỹ thuật phòng thu. Những năm gần đây, nhu cầu tiêu dùng đĩa than của người nghe nhạc trên toàn cầu gia tăng đáng kể. Ở Việt Nam, thị trường đĩa than cũng sôi động gấp nhiều lần so với 5 - 7 năm trước, hàng loạt sản phẩm đĩa than của các nghệ sĩ nổi tiếng đã được trình làng…
Thị trường đĩa than khởi sắc
Gần nhất phải kể đến Diva Hồng Nhung với 1.000 đĩa than độc bản Bống là ai? được thực hiện tại Paris, gồm 8 ca khúc bất hủ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được hát bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Điều đặc biệt ở đĩa than này chính là sự đầu tư công phu về mặt chất lượng mà có lẽ chưa nghệ sĩ nào của Việt Nam từng thực hiện. Ê kíp sản xuất được Diva Hồng Nhung lựa chọn đều là những tên tuổi lớn của âm nhạc thế giới, như nghệ sĩ piano và trumpet Jean- Sébastien Simonovier, nghệ sĩ bass Dominique Di Pizza (Italia), nghệ sĩ guitar Nguyên Lê, nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc. Đặc biệt, 2 trong số 8 ca khúc là Bống bồng ơi và Như cánh vạc bay được chuyển thể sang tiếng Pháp và thể hiện bởi nữ ca sĩ Pháp Clara Simonovier.
Hồi cuối năm 2022, ca sĩ Vũ Thắng Lợi cũng gây chú ý với đĩa than Hà Nội riêng tôi - một sản phẩm âm nhạc nhiều tâm huyết, công phu về Thủ đô. Anh chọn những ca khúc “mình thấy có cảm xúc nhất và bày tỏ tình yêu của mình với Hà Nội”. Trước đó, nam ca sĩ được đón nhận nồng nhiệt với đĩa than Quê hợp tác cùng nhạc sĩ Đức Trí, gồm 9 ca khúc có chủ đề về quê hương. Cùng dịp đó, Vũ Thắng Lợi tái bản đĩa Tình ca, album đầu tay của anh chủ yếu gồm các ca khúc “nhạc đỏ”, dưới định dạng đĩa than.
Trước đó, đĩa than Mỹ Linh Acoustic - Một ngày của ca sĩ Mỹ Linh ra mắt năm 2011 vẫn được coi là sản phẩm đánh dấu sự hồi sinh của đĩa than Việt Nam từ sau 1975. Sau đó, một số nhà sản xuất chương trình âm nhạc và ca sĩ trong nước bắt đầu quan tâm thực hiện và ra mắt thị trường hàng loạt các đĩa than, có thể kể đến: Nơi tình yêu bắt đầu (Thanh Lam); Trăng (NSƯT Tố Nga), Thương một người (Quang Dũng), Này em có nhớ (Đồng Lan); Requiem (Đức Tuấn); Khúc tình xưa (Lệ Quyên); Giai điệu thời gian, Tâm 9 (Mỹ Tâm); Đường em đi (Phạm Thu Hà); Một thời đã xa (Thùy Chi); Chuyện hẹn hò (Hương Lan - Thái Châu); Tình vẫn còn xanh (Thanh Hà); Nguyễn Ánh 9 - Lặng lẽ tiếng dương cầm… Dễ nhận thấy, thị trường đĩa than ngày càng phong phú, “trẻ” hơn từ nội dung sản phẩm cho đến ca sĩ thể hiện và đối tượng thưởng thức. Các nghệ sĩ không tiếc thời gian, tâm huyết và tiền bạc để đầu tư thực hiện sản phẩm đĩa than mang ý nghĩa “để đời”.
Cuộc chơi nhiều… trắc trở
Theo thời gian, nghệ sĩ luôn muốn mình có những sản phẩm chất lượng, đẳng cấp để gửi tới khán giả, vì thế đĩa than của các nghệ sĩ ngày càng nhiều. Dù vậy, giá một chiếc đĩa than tại Việt Nam khoảng 750.000 - 1 triệu đồng, việc nghe nhạc từ đĩa than cần máy móc cầu kỳ và không gian cố định. Có thể nói, đĩa than vẫn là cuộc chơi tốn kém và có phần xa xỉ ở Việt Nam.
Cùng với đó, quá trình thực hiện đĩa than cũng có nhiều khó khăn. Nếu làm album thông thường mất khoảng 6 tháng đến 1 năm thì thời gian cho chiếc đĩa than gấp 2, 3 lần. “Làm đĩa than khá tốn kém, dù không có nhiều điều kiện, nhưng tôi vẫn muốn những sản phẩm của mình đều được đầu tư chỉn chu, trau chuốt”, ca sĩ Vũ Thắng Lợi khẳng định. Anh xác định làm với tinh thần cống hiến bởi “đĩa than giống như một di sản để đời, khi cầm đĩa than lúc nào người ta cũng có sự nâng niu, trân trọng nhất định”.
Với dự án Live studio session, nữ ca sĩ Phạm Thu Hà là người tiên phong thực hiện sản phẩm âm nhạc với công nghệ thu âm đĩa than trực tiếp tại Việt Nam với toàn bộ ê kíp là người Việt. Trong đó, cùng lúc 4 bộ phận âm thanh, hình ảnh, dàn nhạc và ca sĩ thực hiện thu âm trực tiếp. Nữ ca sĩ đã mời ê kíp sáng tạo gồm những nghệ sĩ đã từng cộng tác với mình trong nhiều chương trình, như đạo diễn âm nhạc Nguyễn Tuấn Nam, đạo diễn âm thanh Nguyễn Duy Nghĩa, đạo diễn hình ảnh Đỗ Hồng Sơn, dàn nhạc Namjazznight Chamber Orchestra.
Đồng thời với ê kíp toàn người Việt, quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn. Theo đạo diễn Tuấn Nam, dàn nhạc tại Live studio session như một dàn nhạc giao hưởng thu nhỏ. “Khác với những dự án thông thường chỉ tôn vinh ca sĩ, Phạm Thu Hà mong muốn cho công chúng thấy vẻ đẹp của dòng nhạc giao hưởng, sự lao động nghệ thuật của những nhạc công tham dự chương trình. Vì thế, chúng tôi không thực hiện một chương trình biểu diễn xong rồi sẽ trôi vào quên lãng, mà được ghi âm, quay hình và lưu giữ lại bằng đĩa than. Bởi thế, khi thực hiện, cả dàn nhạc, nhà quay phim, kỹ sư âm thanh, kỹ sư hình ảnh đều phải tập trung rất cao độ vào công việc”, đạo diễn Tuấn Nam nói.
Đạo diễn âm thanh Nguyễn Duy Nghĩa cho biết: “Ở dự án này, việc 4 bộ phận cùng kết hợp trong cùng khoảnh khắc đòi hỏi sự tập trung tuyệt đối của gần 100 con người, bởi chỉ cần máy quay di chuyển hơi mạnh, hay khán giả cựa quậy một chút, nghệ sĩ đã phải thu lại. Và vì thế, việc thu hơn 20 bài trong 1 giờ đồng hồ, kèm với ghi hình với riêng tôi là chưa từng có, bởi trước đó tôi chưa từng làm việc với hiệu quả cao như vậy”, đạo diễn âm thanh Nguyễn Duy Nghĩa chia sẻ.
Cuộc chơi đĩa than vẫn biết có nhiều thách thức, khó khăn nhưng không ít ca sĩ vẫn nỗ lực thực hiện sản phẩm vì muốn chứng tỏ đẳng cấp trong sự nghiệp của mình. Và hầu hết các sản phẩm chất lượng, giới hạn số lượng này đều được người nghe yêu thích ủng hộ.
QUANG ANH