“Dấu ấn Phan Huỳnh Điểu” trong nền âm nhạc Việt Nam
VHO - Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm “Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu”.
Tọa đàm đã nhận được nhiều tham luận, ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, các nhạc sĩ, nghệ sĩ như: PGS.TS, nhạc sĩ Thế Bảo với tham luận “Phan Huỳnh Điểu - Nhạc sĩ bậc thầy phổ thơ và các ca khúc hay”, nhạc sĩ Ngô Hương Thủy với tham luận “Phan Huỳnh Điểu - Cùng tình yêu ở lại”.
Nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh với tham luận “Quảng Nam yêu thương, bản tình ca đất Quảng”; nhạc sĩ Đinh Gia Hòa với tham luận “Những ánh sao đêm của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu”; nhạc sĩ Văn Thu Bích với tham luận “Những kỷ niệm về nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu”….
Các tham luận tập trung đánh giá, phân tích sâu sắc vai trò các tác phẩm của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được công chúng qua thế hệ yêu mến.
Ngoài các tham luận khoa học, tọa đàm cũng là dịp để các nghệ sĩ, nhạc sĩ và khán giả yêu âm nhạc cùng trao đổi, chia sẻ những kỷ niệm của các nhạc sĩ, nghệ sĩ, cùng những người đã có cơ hội làm việc và tiếp xúc với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu như: nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm, nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, Nhà thơ Bùi Công Minh...
Thay mặt gia đình, nhạc sĩ Phan Hồng Hà (con trai nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu) xúc động bày tỏ lòng biết ơn khi nhận được tình cảm quý mến của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và Hội Nhạc sĩ Việt Nam:
“Ba chúng tôi vẫn hiển hiện đâu đó khi chúng tôi và mọi người nhớ đến các tác phẩm của ông để lại, những lời ca, giai điệu sẽ vang mãi trong tâm khảm của khán giả dành cho ông và của ông dành cho tất cả mọi người”, nhạc sĩ Phan Hồng Hà nói.
Nói về nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Thiếu tướng, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đánh giá: Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là cây đại thụ của nền âm nhạc cách mạng, một hồn thơ âm nhạc đã in dấu sâu đậm vào tâm khảm người Việt.
Các tác phẩm của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu như những bức tranh âm thanh đa màu sắc, vẽ nên một bức chân dung sinh động về đất nước, con người Việt Nam qua những thăng trầm lịch sử.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã để lại kho tàng âm nhạc đồ sộ cho đất nước, trong hơn 100 ca khúc dạt dào cảm xúc của nhạc sĩ, có nhiều ca khúc “nằm lòng” người dân Việt yêu ca hát. Đặc biệt với ca khúc phổ thơ để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.
Tháng 8.1971, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã phổ “Bóng cây Kơ-nia”, Măng Thị Hội hát thành công rực rỡ. Cũng năm 1971, ông phổ “Bài thơ tình yêu” của Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc) thành ca khúc “Cuộc đời vẫn đẹp sao” rất hay, và sau đó là phổ Ngày và đêm của Bùi Công Minh thành một hành khúc trữ tình.
Năm 1973, Phan Huỳnh Điểu phổ Nhớ của Nông Quốc Chấn, đặc biệt “Sợi nhớ sợi thương” của Thúy Bắc. Năm 1978, ông phổ thành công bài thơ “Anh ở đầu sông em cuối sông của Hoài Vũ, năm 1983 phổ Ở hai đầu nỗi nhớ Trần Hoài Thu.
Đặc biệt, không thể nào không nhắc đến “Thuyền và biển” và “Thư tình mùa thu” của Xuân Quỳnh, mà nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu từng có lần tâm sự ông ở số nhà 96 phố Huế (Hà Nội) cùng nhiều văn nghệ sĩ, trong đó có Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ.
Còn theo nhạc sĩ Ngô Hương Thủy (Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh): “Thông qua các tác phẩm âm nhạc của mình, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã phổ biến vốn văn học dân gian cho lớp trẻ, cho thế hệ mai sau.
Nhạc sĩ đã đóng góp không nhỏ trong việc giữ gìn, nuôi dưỡng di sản văn học nước nhà, đồng thời đóng góp quan trọng trong việc giáo dục thẩm mỹ trong âm nhạc”.
Với mảnh đất anh hùng Quảng Nam - Đà Nẵng, trong cuộc đời sáng tác của mình, nhạc sĩ đã dành nhiều ưu ái với những ca khúc cho quê hương như: “Đà Nẵng ơi chúng con đã về”, “Đà Nẵng là nỗi nhớ”, “Về với sông Hàn”, “Hội An ai mà không nhớ”; “Lãng đãng chiều Phú Ninh”, “Hát trên sông Vu Gia”, “Có ai về Quảng Nam”...
Nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam xúc động: "Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sẽ vui vì biết rằng con cháu, công chúng vẫn luôn nhớ ông.
Tình yêu của ông sẽ mãi ở lại. Bài hát của ông sẽ thay ông sống mãi với cuộc đời này và sẽ khích lệ chúng ta sống tốt hơn, yêu đời, yêu người hơn. Sự nghiệp của ông cũng sẽ khích lệ các nhạc sĩ nối tiếp con đường âm nhạc mà thế hệ của ông đã gây dựng nên".
*Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ 11.11 (1924 -2024), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp UBND TP Đà Nẵng tổ chức chuỗi hoạt động về ông, gồm: Lễ đặt tên đường Phan Huỳnh Điểu; Tọa đàm khoa học về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu; Triển lãm Phan Huỳnh Điểu với tiêu đề “Cánh chim bay về” và đặc biệt là Chương trình nghệ thuật “Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - Cùng tình yêu ở lại”.