Vì sao không thể tặng tiền mặt cho người hiến máu?

VHO - Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương vừa tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày phát động phong trào hiến máu tình nguyện (ngày 24.1.1994). Cách đây 30 năm, giai đoạn trước năm 1994, nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị thiếu nghiêm trọng, không có người cho máu dẫn đến công tác an toàn truyền máu không được đảm bảo. Lượng máu toàn quốc tiếp nhận được phần lớn dựa vào số người bán máu chuyên nghiệp.

Vì sao không thể tặng tiền mặt cho người hiến máu? - Anh 1

 Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và các đại biểu tặng quà tri ân người hiến máu tình nguyện Ảnh: GIA THẮNG

 Trong giai đoạn này, nhận thức của người dân về cho máu, an toàn truyền máu còn rất thấp, thậm chí còn kỳ thị với người đi cho máu, gia đình ngăn cản…

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, trước thực tế này, được sự chỉ đạo của Bộ Y tế, sự ủng hộ, hỗ trợ của Ban Khoa giáo Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), Viện Huyết học - Truyền máu thuộc Bệnh viện Bạch Mai (nay là Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương) đã tổ chức lễ phát động ngày hiến máu nhân đạo tại Thủ đô Hà Nội. Chương trình cũng nhận được sự tham gia hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, y bác sĩ, sinh viên Trường Đại học Y Hà nội thời bấy giờ. Đây được coi là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự phát động phong trào hiến máu nhân đạo nay là hiến máu tình nguyện tại Việt Nam.

Trong năm đầu tiên phát động phong trào, lượng máu tiếp nhận được của cả nước đã tăng hơn nhiều so với những năm trước đó với 138.000 đơn vị máu, tỉ lệ hiến máu tình nguyện đạt 14,5%. Sau 20 năm, từ năm 2014 trở lại đây, mỗi năm Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đều tiếp nhận được trên 1 triệu đơn vị máu. Lượng máu tiếp nhận được năm 2023 đã cao gấp hơn 11 lần so với năm 1994, tỉ lệ hiến máu tình nguyện đến nay đã đạt 99%..., từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Mặc dù sau 30 năm xây dựng và phát triển, phong trào hiến máu đã tăng cao, nhận thức của người dân có nhiều thay đổi, từ kỳ thị, trở thành niềm tự hào của người hiến máu tình nguyện, nhưng lượng người hiến máu và lượng máu tiếp nhận được vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. TS.BS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm máu quốc gia cho biết, hiện nay trung bình mỗi ngày cần 5.500 người hiến máu tình nguyện trên toàn quốc để đáp ứng nhu cầu máu tối thiểu cho việc điều trị, nhưng hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 80%. So sánh với Thái Lan với dân số 70 triệu người, nhưng số người hiến máu đạt 4%, trong đó 80% là hiến 450ml máu; và đang phấn đấu nâng tỉ lệ người hiến máu tình nguyện lên 5%. Trong khi đó, Việt Nam có tỉ lệ dân số hiến máu tình nguyện là 1,5%, chủ yếu hiến 350ml máu.

Do đó, ngành y tế, các cơ sở lấy máu lúc nào cũng cần tiếp nhận máu để đảm bảo cung cấp cho các bệnh viện, cho cấp cứu và điều trị… Hiện nay vẫn xảy ra tình trạng thiếu máu trong dịp hè, dịp Tết hoặc ở vùng sâu, vùng xa, vẫn còn hiện tượng yêu cầu người nhà hiến máu cho bệnh nhân. Chẳng hạn, báo cáo ở Thanh Hóa cho thấy, 33% là người nhà phải hiến máu cho bệnh nhân. Cũng theo ông Trần Ngọc Quế, năm nay, trong khi lượng máu dự trữ trong kho còn rất thấp, nhưng ước tính của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cần khoảng 120.000 đơn vị máu cho cấp cứu, điều trị và điều phối cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ vẫn chưa giải quyết được tình trạng thiếu máu (mỗi tuần cung cấp 1.000 đơn vị máu từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương). Do đó, Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch và kêu gọi người hiến máu, đặc biệt là người có nhóm máu O, nhóm máu A, hoặc hiến tiểu cầu đến các điểm lấy máu để hiến máu tình nguyện.

Liên quan đến một số ý kiến cho rằng, để khuyến khích người đến hiến máu tình nguyện, thay vì tặng hiện vật như hiện nay thì tặng tiền mặt cho người hiến máu tình nguyện, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia khẳng định, như vậy là đi ngược với xu thế. “Có thể nói, vấn đề cho máu không nhận tiền bồi dưỡng là vấn đề chúng ta đã mất rất nhiều năm để thay đổi ý thức của người dân. Tổ chức Y tế thế giới hoặc tất cả các hội truyền máu quốc tế cũng phản đối chuyện cho máu lấy tiền. Bởi vì máu là không thể mua bán được mà phải xuất phát từ vấn đề nhân đạo, vấn đề cứu trợ người bệnh. Trải qua 30 năm phát triển phong trào hiến máu tình nguyện, chúng ta đã có đến 99% lượng người dân hiến máu không nhận tiền bồi dưỡng, chỉ nhận quà là hiện vật hoặc là gói chăm sóc sức khỏe. Nếu bây giờ chúng ta quay trở lại hiến máu nhận tiền thì chắc chắn là không thể, đi ngược với xu hướng của thế giới”, bác sĩ Trần Ngọc Quế giải thích.

Ông Quế cũng cho rằng, dần dần hiến máu tình nguyện sẽ không chỉ dừng lại ở phong trào mà trở thành hoạt động thường xuyên, hoạt động liên quan đến chăm sóc cho người bệnh và người dân. Hiến máu không vì mục đích nào đó thì lúc đấy mới đảm bảo máu an toàn được. Như Tổ chức Y tế thế giới đưa ra thông điệp, muốn có máu an toàn phải dựa trên người hiến máu tình nguyện, người hiến máu nhắc lại và người hiến máu thường xuyên. Còn đối tượng cho máu lấy tiền hay người nhà cho máu đều rất không an toàn và không đáp ứng được nhu cầu cho cấp cứu, điều trị thường xuyên. 

 Trải qua 30 năm phát triển phong trào hiến máu tình nguyện, chúng ta đã có đến 99% lượng người dân hiến máu không nhận tiền bồi dưỡng, chỉ nhận quà là hiện vật hoặc là gói chăm sóc sức khỏe. Nếu bây giờ chúng ta quay trở lại hiến máu nhận tiền thì chắc chắn là không thể, đi ngược với xu hướng của thế giới.

(TS.BS TRẦN NGỌC QUẾ, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia)

VIỆT THANH

Ý kiến bạn đọc