Trước sự gia tăng đột biến số ca mắc mới Covid-19: Cảnh giác trước những tin đồn
VHO- Hôm qua 13.4, số ca mắc mới Covid-19 “bỗng dưng” tăng đột biến, trong khi đó tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 có một số ca trở nặng. Điều này khiến người dân hoang mang về sự bùng phát trở lại của dịch bệnh?
Bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn tăng gấp 3 lần so với tháng trước Ảnh: NGUYỄN THẾ
Theo thông báo của Bộ Y tế, ngày 13.4, số ca mắc mới Covid-19 là 497 người, tăng hơn 236 ca so với ngày trước (261 ca), và là ngày thứ 4 tăng liên tiếp kể từ ngày 9.4 với 44 ca. Sự gia tăng bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 4 với ca mắc mới tăng dần đều từ 15 ca đến 40, 51, 82 ca…, trong khi tháng 3, số ca mắc mới trong ngày cao nhất chỉ là 30.
Tăng nhanh trong những ngày đầu tháng 4
Cụ thể, tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Phó đơn nguyên Truyền nhiễm cho biết, trong những ngày gần đây bệnh nhân mắc Covid-19 tăng mạnh. Trong thời gian tháng 3 bệnh viện ghi nhận 25 bệnh nhân, tuy nhiên trong 10 ngày đầu tháng 4 đã tăng gấp 3 lần tức là 75 bệnh nhân.
“Hiện tại số bệnh nhân nội trú tăng lên, tháng trước chúng tôi chỉ ghi nhận lác đác 1-2 bệnh nhân phải nhập viện nội trú, nhưng hiện tại có khoảng 10 bệnh nhân. Số lượng bệnh nhân tăng lên đa phần phải thở oxy, tập trung ở người cao tuổi có bệnh nền, trong đó có cụ bà 102 tuổi”, bác sĩ Hưng cho cho hay. Tương tự, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số ca Covid-19 nhập viện cũng tăng lên so với tháng 3. Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Khoa Hồi sức tích cực, cho biết tại đây đang điều trị cho khoảng hơn 10 bệnh nhân nặng, trong đó có 5 ca thở máy, một số ca phải thở oxy. Các trường hợp còn lại là những người có bệnh lý nền nặng cần chăm sóc đặc biệt nhưng phải can thiệp oxy. Còn tại khoa Virus Ký sinh trùng của bệnh viện này cũng đang theo dõi, điều trị 78 ca mắc Covid-19.
Trước sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19, ngay trong ngày 12.4, bên cạnh những thông tin về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống Covid-19 như sử dụng khẩu trang, tránh những nơi đông người… thì bắt đầu xuất hiện những tin đồn thất thiệt. Chẳng hạn, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về việc xuất hiện biến thể “COVID-Omicron mới”, biến thể này không gây triệu chứng ho, chảy mũi…, nhưng gây suy hô hấp nhanh, test nhanh gây âm tính giả. Hay tin đồn về việc Sở GD&ĐT Hà Nội thông báo sẵn sàng học trực tuyến khi số ca mắc Covid-19 gia tăng... khiến lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội phải lên tiếng. “Việc học trực tuyến hay trực tiếp khi số ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố tăng cao không do Sở GD&ĐT Hà Nội quyết định, các cấp cao hơn mới đủ thẩm quyền quyết việc này”, lãnh đạo Sở này nói.
Bộ Y tế khuyến cáo gì?
Vậy sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 có đáng ngại, và người dân cần phải làm gì để tự bảo vệ mình? Theo một chuyên gia về y tế dự phòng, Việt Nam đã trải qua 2 đợt thử thách lớn để bùng phát dịch Covid-19, đó là sự kiện SEA Games 31 được tổ chức tại 12 tỉnh, thành phố vào tháng 5.2022 và sau đó là Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc diễn ra vào tháng 12.2022 tại 11 tỉnh, thành phố.
Cả 2 sự kiện này đều ghi nhận số ca mắc chỉ rải rác, không tăng số ca nặng, không bùng phát ổ dịch. Đặc biệt là sự kiện SEA Games 31 có lượng VĐV, thành viên đoàn đến từ 11 quốc gia với số lượng lên tới cả nghìn người nhưng không ghi nhận ca tăng nặng nào. Việt Nam không bùng phát dịch, đồng thời, sau 2 tuần trở về sau SEA Games 31, các quốc gia đến Việt Nam cũng không bị lây nhiễm, bùng phát dịch ở quốc gia họ. “Điều này cho thấy, người Việt có sự miễn dịch để đáp ứng với virus SARS-CoV-2 và những biến thể của virus ở Việt Nam cũng không gây nên những nguy cơ như ở các nước khác. Chẳng hạn biến thể Omicron, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mạnh mẽ, nhưng số ca mắc ở Việt Nam lại không nặng như các bệnh nhân khác trên thế giới”, vị chuyên gia này cho hay.
Cũng theo chuyên gia này, không chỉ SARS-CoV-2 mà một số loại virus khác như H5N1 khi vào Việt Nam trải qua các vòng thì đã giảm sự tác động. Chính vì thế với sự gia tăng số ca mắc mới hiện nay chưa cần thiết phải tiêm vắc xin mũi 4, chỉ những ai chưa tiêm đủ thì cần bổ sung. Sự gia tăng này cũng theo quy luật hình sin, một thời gian xuống, sau đó lại lên. Bên cạnh đó, thời tiết 2 tuần trở lại đây mưa nhiều, thời tiết nóng ẩm, là điều kiện phát triển của nhiều loại virus, vi khuẩn. Tuy nhiên, nói như vậy không phải để chủ quan với dịch bệnh mà các nhà dịch tễ chuyên môn cần theo dõi sát sao và phân tích diễn biến để có những ứng phó kịp thời. Đồng thời, người dân không nên hoang mang trước những tin đồn mà cần nghe khuyến cáo của cơ quan chức năng, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch để bảo vệ bản thân.
Trước diễn biến dịch Covid-19 có xu hướng gia tăng, ngày 12.4, Bộ Y tế đã có công văn 2116/BYT-DP gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo công văn 2116/BYT-DP, thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay. Trong 7 ngày vừa qua (từ 5.4 đến 11.4), cả nước đã ghi nhận 639 ca mắc mới, trung bình có 90 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 3,8 lần so với 7 ngày trước đó. Hiện Tổ chức Y tế Thế giới vẫn đánh giá dịch Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế trong bối cảnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch, sự biến đổi, xuất hiện của các chủng vi rút, các biến thể mới trong tương lai.
Để tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, kiểm soát tình hình dịch, không để dịch bùng phát trở lại, góp phần tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế xã hội, Bộ Y tế đề nghị UBND các địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác; Thúc đẩy tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ. Chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ, ứng phó với tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục, giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan. Chỉ đạo tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trịhiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong…
QUỲNH HOA