Thuốc lá thế hệ mới “nhắm” vào giới trẻ như thế nào?

VHO - Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (thuốc lá thế hệ mới) được quảng cáo bắt mắt trên mạng xã hội, được thiết kế nhỏ gọn, đóng gói như sữa, kẹo, đồ chơi, USB, thỏi son... nhằm thu hút giới trẻ.

 

Thuốc lá thế hệ mới “nhắm” vào giới trẻ như thế nào? - Anh 1

Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT cho biết rất nhiều loại thuốc lá điện tử giá rẻ, thu hút giới trẻ

Tại hội thảo cung cấp thông tin báo chí về các giải pháp phòng ngừa bệnh không lây nhiễm do Bộ TT&TT phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức mới đây, Ths.Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Phó trưởng ban Kiểm soát quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, nếu như thuốc lá điếu, thuốc lá truyền thống “nhắm” đến người trung tuổi thì với thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới, ngành công nghiệp thuốc lá đang “nhắm” tới giới trẻ.

Chứng minh về điều này, bà Trang cho rằng, nắm được đặc tính của giới trẻ là thích thể hiện, thích cái mới nên các chiến lược sản xuất, quảng cáo sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đều được tính toán để thu hút đối tượng này từ thiết kế, kiểu dáng, màu sắc, hương vị… Cụ thể, loại thuốc lá này được thiết kế nhỏ gọn, nhiều kiểu dáng theo “trend” của giới trẻ như cái bật lửa, dây đeo chìa khoá, hình dáng giống nhân vật hoạt hình, hay hộp sữa, kẹo, đồ chơi, USB, thỏi son. Có tới 18.000 hương vị được đưa vào dung dịch thuốc lá điện tử, và từ đây, mỗi năm hàng trăm ngàn hương vị mới được pha trộn vào nhau để đưa ra thị trường.

Bên cạnh đó, giá thành các loại thuốc được nhập lậu này khá rẻ, chỉ cần chi vài chục nghìn giới trẻ cũng có thể sở hữu được 1 sản phẩm thuốc lá điện tử. Ngoài ra, lượng tin bài quảng cáo, review trên các mạng xã hội khá lớn, và công khai. Ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho hay, các công ty thuốc lá điện tử sẵn sàng chi mạnh tay để quảng bá sản phẩm của họ trên các phương tiện truyền thông xã hội hướng đến giới trẻ. JUUL Labs Inc, một nhà sản xuất thuốc lá điện tử lớn có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã trả tiền cho các chiến dịch trên Twitter, Instagram và YouTube để quảng bá hình ảnh. Các cuộc khảo sát cho thấy tin, bài quảng cáo trên mạng xã hội Facebook là lớn nhất với hơn 65.000 nội dung; kênh Tiktok ghi nhận lượng truy cập cao thứ 2 với 31.761 video...

Thuốc lá thế hệ mới “nhắm” vào giới trẻ như thế nào? - Anh 2

Thuốc lá điện tử được sản xuất dưới hình thức đồ chơi, hộp sữa

"Không những thế, để tiếp cận gần hơn với giới trẻ, ngành công nghiệp thuốc lá còn cung cấp học bổng cho sinh viên liên quan đến việc yêu cầu sinh viên nhận học bổng viết bài luận về các chủ đề như liệu việc sử dụng thuốc lá điện tử có thể mang lại lợi ích tiềm năng hay không. Các công ty thuốc lá điện tử  này cũng thường xuyên tài trợ cho các lễ hội và sự kiện âm nhạc - nơi tập trung đông đảo giới trẻ", ông Lâm cho biết thêm. 

Tại Việt Nam, mặc dù thuốc lá điện tử chưa được cấp phép lưu hành nhưng đã được giới trẻ biết đến, sử dụng và mua bán. Chính vì sự dễ dàng này lại càng làm số lượng thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá tăng lên. Thậm chí, có học sinh cho biết mình không sử dụng thuốc lá điện tử nhưng thỉnh thoảng cũng mua trên mạng vì hình thù đẹp, in hình nhân vật hoạt hình hoặc thần tượng mình thích; thỉnh thoảng dùng tặng cho bạn bè.

Ths.Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết, theo nghiên cứu về Sức khỏe thanh thiếu niên ở nhóm tuổi 13 - 17 tuổi của Tổ chức Y tế thế giới, tỉ lệ hút thuốc lá điện tử chiếm 2,6% năm 2019. Còn Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên 13- 15 tuổi năm 2022 thì tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm học sinh là 3,5%. Có thể thấy chỉ sau 3 năm, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng một cách đáng kể. Điều này cho thấy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ.

Đặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi với tỉ lệ là 7,3% so với các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%) (theo nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh năm 2020).

“Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không phải là sản phẩm ít hại hơn thuốc lá điếu thông thường như ngành công nghiệp thuốc lá vẫn quảng cáo. Mà thuốc lá điện tử có chứa nicotin là một chất gây nghiện cao, là một nguyên nhân gây ra các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, và có khả năng thúc đẩy, hình thành các khối u. Ngoài nicotin, dung dịch thuốc lá điện tử còn có propylene glycol, có thể tạo thành pro pylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi... Vì vậy, không nên thí điểm, cấp phép cho một loại sản phẩm gây hại cho sức khoẻ, đặc biệt ảnh hưởng tới giới trẻ”, bà Nguyễn Thị Thu Hương nhấn mạnh.

NGUYÊN KHANG

Ý kiến bạn đọc