Tăng ngân sách địa phương mua thẻ BHYT cho bệnh nhân lao
VHO- Việc cấp thuốc điều trị bệnh lao bằng nguồn quỹ BHYT đã giảm gánh nặng tài chính đối với bệnh nhân. Với những bệnh nhân lao chưa có thẻ BHYT thì ngân sách địa phương dùng để chi phí cho nguồn thuốc chống lao trước đây cần được chuyển đổi sang hỗ trợ mua thẻ BHYT cho họ.
Theo thống kê, Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới, với hơn 172.000 người mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình phải đối mặt với những “chi phí thảm họa”- nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh vượt quá 20% thu nhập hằng năm của cả hộ gia đình.
Thẻ BHYT trở thành "phao cứu sinh" của nhiều bệnh nhân lao
Anh Kpă Chức (dân tộc Gia Rai ở buôn Tân Túc, xã IaMlah, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) sức khoẻ đã ổn định sau đợt điều trị lao tấn công ở Trung tâm y tế huyện. Hồi đầu năm, anh có biểu hiện ho kéo dài, thậm chí có ngày ho ra máu, thế nhưng vì điều kiện khó khăn, gia đình vừa ra khỏi hộ nghèo nên ông không được phát thẻ BHYT và cương quyết không đi khám bệnh. Tại buổi khám sàng lọc bệnh lao miễn phí do Trung tâm Hỗ trợ phát triển cộng đồng phối hợp với Bệnh viện lao và Bệnh phổi tỉnh Gia Lai tổ chức, ông đã được chẩn đoán mắc lao và chuyển đi điều trị tại Trung tâm Y tế huyện và xã. Ông cũng được tặng thẻ BHYT để được điều trị bệnh lao cũng như các bệnh khác miễn phí.
Từ tháng 7.2022, thuốc chống lao từ nguồn quỹ BHYT được cấp cho bệnh nhân lao trên toàn quốc đã đánh dấu cột mốc quan trọng, nhằm bảo đảm tài chính cho chương trình điều trị lao tại Việt Nam. Sau 4 tháng triển khai, việc cấp thuốc lao bằng nguồn quỹ BHYT thể hiện sự nhân văn của chính sách và nâng cao giá trị của tấm thẻ BHYT. Như vậy, trước đây bệnh nhân lao chỉ được chữa bệnh lao miễn phí thì hiện nay bệnh nhân có thể sử dụng thẻ BHYT để vừa đi khám chữa nhiều bệnh khác, vừa sử dụng thuốc điều trị lao mà các quyền lợi vẫn được bảo đảm như trước.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, người bệnh lao đa số thuộc diện nghèo, không thể tự trang trải chi phí điều trị nên nếu không có thẻ BHYT, có nguy cơ nhiều bệnh nhân bỏ điều trị, ảnh hưởng đến chương trình phòng, chống lao quốc gia. “Hiện nay, các nhà tài trợ đang chuyển hướng từ hỗ trợ trực tiếp cho người bệnh mua thuốc lao thành hỗ trợ mua thẻ BHYT, trong một số năm đầu người bệnh chưa có thẻ BHYT sẽ được hỗ trợ từ các nguồn tài trợ, viện trợ hoặc từ ngân sách địa phương để mua thẻ BHYT. Như vậy, việc này sẽ xóa tan đi nỗi lo gánh nặng bệnh lao bấy lâu nay”, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nói.
Các chính sách BHYT đã đỡ gánh nặng chi phí y tế cho người dân nghèo
Hiện nay, các chi phí điều trị bệnh lao đã được quỹ BHYT chi trả, trong khi đó các nghiên cứu gần đây cho thấy, nếu tuân thủ phác đồ điều trị, bệnh lao có thể hoàn toàn chữa khỏi. Do vậy, cần có những chính sách hỗ trợ đảm bảo 100% bệnh nhân lao có thẻ BHYT. Thực tế cho thấy, Covid-19 khiến người dân không tiếp cận y tế thường xuyên, nên tỷ lệ điều trị khỏi lao và tái phát mới chỉ đạt 77%, thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu của WHO (85%) và của Chương trình Chống lao quốc gia (90%). Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ chế mua sắm, thanh toán thuốc chống lao từ ngân sách nhà nước sang BHYT đã bắt đầu được triển khai, nhưng nhiều địa phương gặp khó khăn và vướng mắc cần được hỗ trợ tháo gỡ.
Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, về thủ tục hành chính cũng như dòng kinh phí thanh toán đối với thuốc chống lao sẽ không có vấn đề gì phát sinh, bởi tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đều đã liên thông dữ liệu, việc thay thế hay bổ sung các gói thuốc chỉ là thêm một thao tác bổ sung vào danh mục và chỉ định cho người bệnh. Cơ sở khám chữa bệnh từ trước đến nay vẫn phải lập báo cáo để tổng hợp quyết toán nên sẽ không phát sinh chứng từ, thủ tục. Người bệnh thậm chí còn thuận lợi hơn, vì trước đây có thể họ phải đi lĩnh thuốc từ 2 nguồn (thuốc BHYT ở một quầy và thuốc ngân sách ở một quầy), thì nay chỉ cần đến một quầy thuốc.
Hiện nay, nhiều địa phương đã ban hành các chủ trương, chính sách tăng hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nghèo bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước. Như tỉnh Ninh Bình, người cận nghèo được ngân sách Trung ương hỗ trợ 70%, ngân sách tỉnh hỗ trợ 25%, ngân sách huyện hỗ trợ 5% mức đóng; người cao tuổi từ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi được ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% mức đóng; HSSV đang theo học tại các trường công lập trên địa bàn tỉnh được ngân sách tỉnh hỗ trợ 20%, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng; Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh được ngân sách tỉnh hỗ trợ 20%, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng. Tại tỉnh Lâm Đồng, mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng tham gia BHYT do ngân sách địa phương đảm bảo gồm: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo được hỗ trợ thêm mức đóng BHYT là 30%. Người Kinh thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình là 40%. Người dân tộc thiểu số thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình là 50% và Học sinh, sinh viên là người đồng bào dân tộc thiểu số không sống trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ thêm là 70%...
Nhiều địa phương tăng ngân sách để hỗ trợ thẻ BHYT cho người dân khó khăn
Các chuyên gia cho rằng, công tác phòng, chống bệnh lao vẫn còn gặp nhiều khó khăn do hiểu biết của người dân còn hạn chế, bệnh lao không phải là bệnh cấp tính để cần điều trị ngay nên người dân chưa thực sự lo ngại để chủ động khám và điều trị. Theo một số nghiên cứu, bệnh nhân lao phổ biến trong nhóm người 25-54 tuổi (đối tượng chiếm 70% lao động chính trong xã hội), trong đó, 26% phải ngừng làm việc hơn 6 tháng do lao, 5% phải bán tài sản, 17% phải đi vay nợ, thu nhập trung bình giảm 25%, 12% thu nhập của hộ gia đình hàng tháng chi cho chăm sóc y tế. Có tới 63% hộ gia đình của bệnh nhân lao phải gánh chịu chi phí do bệnh lao gây ra (chiếm trên 20% thu nhập của hộ gia đình) và đẩy những gia đình này vào nguy cơ mắc bệnh lao cao hơn. Do đó, việc tăng cường ngân sách địa phương hỗ trợ mua BHYT cho người nghèo nói chung, bệnh nhân lao nói chung là cần thiết. Thực tế khẳng định, BHYT là một chính sách an sinh xã hội hữu hiệu nhất đối với người dân, nhất là với những người có thu nhập thấp. Có thẻ BHYT, người dân sẽ được quỹ BHYT chi trả khi không may ốm đau, bệnh tật, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đối với bệnh nhân lao thì việc khám, điều trị bệnh kéo dài 6 tháng, thậm chí vài năm trời thì thẻ BHYT đã giúp san sẻ gánh nặng chi phí điều trị cho họ.
QUỲNH HOA