Sẽ giới hạn đối tượng được phép ra đường sau 18h
VHO- Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, Thành ủy TP.HCM chỉ đạo tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ đến hết ngày 1.8, và có thể sẽ thực hiện kéo dài trong 2 tuần, nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát.
Áp dụng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” ở khu phong tỏa
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định như vậy tại cuộc họp thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức ngày 25.7.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, ghi nhận thực tế thời gian qua vẫn có tình trạng người dân trong các khu phong tỏa chưa nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc về cách ly, dẫn đến số ca F0 ở trong khu phong tỏa phát hiện ngày càng nhiều, có ngày chiếm đến 70% tổng số F0 trong một ngày. Trước tình hình hết sức cấp bách, UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn số 2468 chỉ đạo tăng cường các biện pháp mạnh, nghiêm hơn trong thời gian tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến hết ngày 1.8. Có biện pháp siết chặt cụ thể theo nguyên tắc đảm bảo thật nghiêm giãn cách nhà với nhà, người với người, trong khu phong tỏa áp dụng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, trừ trường hợp cấp cứu y tế. Chính quyền sẽ tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà hoặc đi chợ thay để giảm tối đa việc tiếp xúc trong cộng đồng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin, từ ngày 31.5 đến nay thành phố đã bước qua 55 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo nhiều mức độ khác nhau, từ Chỉ thị 15 của Chính phủ, Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM, rồi đến Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, rất khó dự đoán chính xác điều gì xảy ra. Nên Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến hết ngày 1.8 với các biện pháp tăng cường mạnh mẽ hơn, và nếu dịch bệnh vẫn còn phức tạp thì có thể phải kéo dài thực hiện Chỉ thị 16 trong 2 tuần tới để kiểm soát tình hình. Đến lúc đó, thành phố mới xem xét kết thúc hay điều chỉnh thực hiện giãn cách.
Theo đó, ông Mãi yêu cầu từng địa bàn phải kiểm soát nghiêm, thắt chặt điều kiện di chuyển. Chậm nhất trong hôm nay 26.7, thành phố phải có văn bản quy định đối tượng, nhiệm vụ, thời gian di chuyển ra đường. Có thể phải hạn chế một số một số đối tượng, nhiệm vụ không được ra đường sau 18h, trừ trường hợp cấp bách. Ông Mãi cũng cảnh báo, nếu làm không nghiêm trong những ngày tới, dịch bệnh sẽ tiếp diễn và tình hình có thể xấu hơn.
Về công tác điều trị, ông Mãi khẳng định đây là nhiệm vụ chính trong chiến lược phòng, chống dịch hiện nay của thành phố. Ngành y tế đã điều chỉnh kế hoạch thu dung và điều trị theo hệ thống 5 tầng, thay vì 4 tầng như trước nhằm tổ chức điều trị hiệu quả hơn với mục tiêu là giảm tử vong ở F0. Theo điều chỉnh của Sở Y tế TP.HCM, tầng 1 nhận nhiệm vụ chăm sóc và theo dõi sức khoẻ các trường hợp F0 tại địa bàn quận-huyện và TP Thủ Đức. Các cơ sở này được bổ sung trang thiết bị y tế, dụng cụ cấp cứu và cơ số thuốc điều trị cơ bản để sử dụng kịp thời trước khi chuyển viện các trường hợp có nguy cơ chuyển nặng. Dự kiến thu dung khoảng 50% trong tổng số trường hợp F0 trên địa bàn.
Các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 (tầng 2) tiếp nhận chăm sóc, theo dõi F0 mới được phát hiện do các cơ sở tầng 1 sàng lọc và chuyển đến. Đồng thời điều trị các trường hợp F0 có triệu chứng và các bệnh lý nền kèm theo. Xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện. Dự kiến thu dung khoảng 27% trong tổng số trường hợp F0. Bệnh viện điều trị Covid-19 (tầng 3) chuyên tiếp nhận điều trị các trường hợp có triệu chứng ở mức độ trung bình và nặng sẽ thu dung khoảng 10% tổng số trường hợp F0.
Bệnh viện điều trị Covid-19 có bệnh lý đi kèm nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa (tầng 4) sẽ thu dung khoảng 8% trong tổng số trường hợp F0, điều trị người bệnh có triệu chứng nặng theo phác đồ của Bộ Y tế. Bệnh viện hồi sức Covid-19 (tầng 5) có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu cho các trường hợp Covid-19 nguy kịch với tỉ lệ thu dung khoảng 5% trong tổng số trường hợp F0.
Lập riêng bệnh viện điều trị cho người bệnh tâm thần mắc Covid-19 Ngày 25.7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, thành phố hiện đã có hơn 58.200 trường hợp mắc Covid-19, số người mắc mới tiếp tục tăng. Đáng chú ý trong số đó có nhiều trường hợp là người bệnh tâm thần, quá trình điều trị gặp không ít trở ngại. Do đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đã quyết định chuyển đổi công năng Bệnh viện Tâm thần cơ sở2 (huyện Bình Chánh), tách thành hai khu vực riêng biệt. Một khu vực chuyển thành Bệnh viện điều trị Covid-19 Lê Minh Xuân để tiếp nhận và điều trị người bệnh tâm thần mắc Covid-19 với quy mô 100 giường, trong đó 10 giường hồi sức cấp cứu. Khu vực còn lại vẫn hoạt động bình thường, điều trịbệnh nhân tâm thần không mắc Covid-19. Ban Chỉ đạo cũng quyết định chuyển đổi sang mô hình tháp 5 tầng trong thu dung điều trị các trường hợp F0. Sở Y tế TP.HCM cho biết, tương ứng với trường hợp F0 tiếp tục tăng cao, số ca nặng, nguy kịch tiếp tục tăng do đó phải điều chỉnh kế hoạch thu dung và điều trị theo hệ thống 5 tầng, thay vì 4 tầng như trước. H.Q |
HOÀNG QUÂN