Quảng Nam: Tổ chức điều trị Covid-19 tại địa phương theo nguyên tắc “4 tại chỗ”

VHO- Ngày 8.11, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Công văn 7901 về triển khai công tác điều trị Covid-19 nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Quảng Nam: Tổ chức điều trị Covid-19 tại địa phương theo nguyên tắc “4 tại chỗ” - Anh 1

Diễn tập điều trị bệnh nhân Covid-19 tại BVĐK Trung ương Quảng Nam- Ảnh: BVCC

Trong đó, thống nhất phân công các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong điều trị Covid-19.
Cụ thể như sau: Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Trung ương Quảng Nam hỗ trợ huyện Núi Thành. 
BVĐK tỉnh Quảng Nam hỗ trợ các huyện, thành phố: Tam Kỳ, Phú Ninh, Thăng Bình, Tiên Phước, Nam Trà My, Bắc Trà My. Đồng thời, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, trang thiết bị, nhân lực cho Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Y học cổ truyền. 
BVĐK khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam hỗ trợ các huyện: Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Đại Lộc, Nông Sơn, vùng Tây Duy Xuyên. Đồng thời, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, trang thiết bị, nhân lực cho Phòng khám Đa khoa khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. 
BVĐK khu vực Quảng Nam hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố: Điện Bàn, Hội An, Quế Sơn, Phước Sơn, Hiệp Đức, vùng Trung và Đông Duy Xuyên.
UBND các địa phương phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Y tế khẩn trương khảo sát, thành lập ngay khu cách ly tập trung làm cơ sở điều trị Covid-19 để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân F0 thể nhẹ, không triệu chứng tại địa phương. Phê duyệt kế hoạch cung cấp ô xy y tế tại các trạm y tế xã để đáp ứng khi có dịch xảy ra; kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng.
UBND tỉnh yêu cầu tổ chức điều trị Covid-19 tại địa phương theo nguyên tắc “4 tại chỗ”, gồm lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Riêng việc chăm sóc y tế cho các F0 do cơ quan y tế chịu trách nhiệm.
Để chủ động phát hiện sớm, điều trị kịp thời F0 tại địa phương, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế, Tiểu ban Điều trị Covid-19 đánh giá tình hình thực tế, nhận định diễn biến dịch Covid-19 trong thời gian đến; khẩn trương xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo công tác khám chữa bệnh ở từng cấp độ dịch.
Tiếp tục tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực điều trị Covid-19 cho đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng trên toàn tỉnh bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến, chú trọng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, hồi sức cấp cứu cơ bản, hướng dẫn thiết lập và vận hành cơ sở điều trị Covid-19...
Sớm ban hành phác đồ điều trị Covid-19 theo phân tầng cụ thể để các cơ sở điều trị áp dụng thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh. Chỉ đạo thành lập khoa covid trong các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và bệnh viện tư nhân. Mở rộng hoạt động khám chữa bệnh từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh.

Quảng Nam: Tổ chức điều trị Covid-19 tại địa phương theo nguyên tắc “4 tại chỗ” - Anh 2

Tỉnh Quảng Nam tập trung triển khai công tác tiêm vắc xin

 Trước đó, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam tổ chức họp trực tuyến với các huyện, thị, thành phố trong tỉnh để sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, định hướng và quán triệt một số nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch trong thời gian đến để đảm bảo thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh. Phát biểu kết luận tại cuộc họp, ông  Phan Việt Cường ,  Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị các địa phương đang có ổ dịch khẩn trương phong tỏa theo quy mô hẹp nhất có thể, tổ chức truy vết, xét nghiệm, điều trị theo quy định và kiểm soát chặt người ra vào khu vực.
 UBND/BCĐ cấp huyện phối hợp với Công an tỉnh chỉ đạo rà soát, quản lý chặt người về từ các vùng dịch (vùng màu cam, màu đỏ); đặc biệt là từ các tỉnh có số ca mắc cao trong thời gian gần đây (như: Tp. Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu...). Tăng cường quản lý người đang thực hiện cách ly tại nhà (kể cả người đang sống cùng gia đình), nếu nhà không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì chuyển đi cách ly tập trung.
Các địa phương cần xây dựng Kế hoạch xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho những nhóm nguy cơ: Người về từ vùng dịch, chợ đầu mối, cơ sở sản xuất - kinh doanh... nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời các ổ dịch phát sinh trong cộng đồng. Sở Công Thương, BQL các Khu/Cụm công nghiệp... tăng cường giám sát, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh; chủ các cơ sở sản xuất - kinh doanh phải chịu trách nhiệm toàn diện nếu để xảy ra ca bệnh tại cơ sở của mình.
Các địa phương chủ động xây dựng phương án cách ly tập trung, điều trị tập trung những ca bệnh không triệu chứng; cách ly tại nhà những F1... để đối phó với những tình huống xấu nhất khi các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly tập trung bị quá tải.
Đồng thời đề nghị các địa phương rà soát lại khâu tổ chức tiêm chủng; tập trung triển khai đồng bộ, rộng khắp đến tận xã/phường để đẩy nhanh tiến độ tiêm. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về việc này. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lựa chọn vắc xin, làm tốt công tác tuyên truyền “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”.

THU HOÀI

Ý kiến bạn đọc