Phục hồi hoạt động khám, chữa bệnh sau đại dịch Covid-19

VHO - Ngày 9.1 tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2024, ngành Y tế cho biết, đại dịch Covid - 19 được kiểm soát. Từ ngày 20.10.2023 bệnh Covid-19 đã được điều chỉnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang nhóm B. Các dịch bệnh truyền nhiễm khác được kiểm soát; hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đã phục hồi so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19...

Từ đó, toàn ngành Y tế đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo và duy trì tỷ lệ tiêm chủng mở rộng. Năm 2023, không ghi nhận các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A như H5N1, H7N9, Mer-CoV, Ebola…

Trước những thành tựu của ngành Y tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, năm 2023 ngành Y tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng vẫn đạt nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, đã đạt và vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao và 7/9 chỉ tiêu cụ thể về y tế...

Phục hồi hoạt động khám, chữa bệnh sau đại dịch Covid-19 - Anh 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tặng Cờ Thi đua của Chính phủ cho các đơn vị xuất sắc

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 và thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đặt ra cho ngành Y tế 10 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nhấn mạnh về công tác đổi mới cơ chế tài chính, thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế; đáp ứng đầy đủ, kịp thời vắc xin; Tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; Trong năm 2024 Bộ Y tế phải xử lý triệt để các vướng mắc, tồn tại và đưa vào sử dụng 2 bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam; nghiên cứu, đề xuất chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế trong tổng thể cải cách tiền lương...

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá, sau đại dịch Covid-19, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường phục hồi mạnh; số lượng người bệnh đến thăm khám tại các cơ sở y tế tăng cao. Các dịch vụ y tế ngày một đa dạng, chất lượng được nâng lên rõ rệt, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh được đầu tư xây dựng hiện đại và đồng bộ.

 Kỹ thuật y học tiên tiến được chuyển giao xuống tuyến dưới, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên; công tác quản lý chất lượng bệnh viện có nhiều bước phát triển. Thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế tiếp tục có bước chuyển biến tích cực. Cùng với đó, khám, chữa bệnh từ xa, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ngày càng được đẩy mạnh ở các tuyến, cơ sở y tế...

Theo số liệu của Sở Y tế TP HCM, các hoạt động chăm sóc sức khoẻ người dân gần như phục hồi như giai đoạn trước dịch. Số lượt khám, chữa bệnh ngoại trú tăng 11% so với năm 2022 và tăng 6% so với năm 2020, trong đó số lượt khám, chữa bệnh BHYT ngoại trú tăng 17% so năm 2022 và tăng 7% so với 2020. Đồng thời, số lượt điều trị nội trú cũng tăng 4,1% và số lượt nội trú có thẻ BHYT tăng 9.1% so với năm 2022.

Phục hồi hoạt động khám, chữa bệnh sau đại dịch Covid-19 - Anh 2

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị 

Trong khi đó, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cũng cho hay, năm 2023, số bệnh nhân đến khám bệnh, điều trị tại 3 cơ sở của Bệnh viện tăng so với năm 2022 và năm 2019 (thời điểm trước đại dịch Covid-19). Trong đó, số lần khám gần 700.000 lượt, số bệnh nhân điều trị nội trú 180.000 lượt, tổng số phẫu thuật khoảng 50.000 ca, ghép tạng và tế bào gốc hơn 200 ca, số phẫu thuật tim mạch gần 1.800 ca, can thiệp tim mạch và can thiệp mạch não gần 7.000 ca...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Đó là tình trạng tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế vẫn còn diễn ra cục bộ tại một số địa phương, cơ sở y tế; việc bảo đảm các mục tiêu về tỷ lệ tiêm chủng mở rộng gặp nhiều thách thức. Trong khi đó, nhân lực và năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra...

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp cho định hướng phát triển năm 2024. Theo đại diện Uỷ ban Xã hội của Quốc hội, năm 2024 là thời điểm để tiếp tục tăng tốc và về đích trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội được giao giai đoạn 2021-2025, đòi hỏi ngành phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến lĩnh vực y tế.

Đặc biệt, Bộ Y tế cần tập trung nguồn lực cho việc xây dựng và trình 2 dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; bảo đảm chất lượng để Quốc hội có thể xem xét, thông qua trong năm 2024.

“Đề nghị Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách thuế, về công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế.  Hiện nay có tỉnh, ngành thuế vẫn truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp của nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại các bệnh viện công lập.

Bên cạnh đó, cục bộ vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh BHYT tại một số bệnh viện công lập. Nhiều bệnh viện công khi được giao nhiệm vụ đấu thầu tập trung thuốc, vật tư y tế cho toàn tỉnh đã phải trì hoãn nhiệm vụ chuyên môn để tập trung cho việc đấu thầu do thủ tục nhiều và phức tạp...” đại diện Uỷ ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh.

Về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đại diện các bệnh viện, địa phương cũng thừa nhận điều này gây ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khoẻ nhân, cũng như chất lượng khám, điều trị cho người bệnh. Nhưng so với các loại hàng hoá khác, công tác mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc và hóa chất có nhiều đặc điểm riêng và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, sự đáp ứng của thị trường và quy trình mua sắm của từng cơ sở khám chữa bệnh cụ thể.

 Do đó, đề nghị Bộ Y tế tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá thuốc và vật tư y tế, tăng cường đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá... Hiện nay, một số bệnh viện đã bắt đầu  phát hành hồ sơ mời thầu các gói thầu mua sắm ngay từ tháng 1.2024 nhằm đảm bảo kịp thời thuốc, vật tư y tế, hàng hóa phục vụ bệnh nhân.

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc