Phụ nữ có thể không còn phải chung sống với bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới
VHO- Từ trước đến nay, người mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới (hơn 70% là phụ nữ) thường phải sống chung với bệnh. Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật với keo sinh học đã mở ra hy vọng mới cho những người mắc bệnh này.
ThS.BS Nguyễn Tuấn Hải – Trưởng khoa C6, Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện E) cho biết, suy tĩnh mạch là một bệnh lý rất thường gặp với tỉ lệ mắc bệnh khá cao ở Việt Nam nhưng lại chưa thực sự được bệnh nhân chú ý. Đáng lo ngại hơn là 75% người bệnh chỉ đến khám khi tình trạng bệnh đã tiến triển nặng phức tạp vì chủ quan là bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng chỉ làm mất thẩm mỹ và đau nhức khó chịu. Bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chủ yếu gặp ở nữ giới, chiếm gần 73%. Theo các bác sĩ, nguyên nhân là do nữ giới thường bị nhiều ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, thai nghén lên thành tĩnh mạch, phải đứng lâu trong một số ngành nghề như bán hàng, điều dưỡng… và do khối lượng cơ thấp hoặc dùng giày không thích hợp, cộng thêm yếu tố về cân nặng, tính chất gia đình.
Phụ nữ mắc bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới có thể hồi phục nhờ can thiệp bằng keo sinh học
Vì vậy việc điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới thường rất khó khăn, và phải sống chung với căn bệnh. Tuy nhiên hy vọng mới cho bệnh nhân được mở ra khi các bác sĩ Trung tâm tim mạch Bệnh viện E đã điều trị thành công suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới bằng keo sinh học. Đây là phương pháp mới, ít xâm lấm, thời gian thực hiện từ 15 – 20 phút và hồi phục nhanh. Hai trường hợp phụ nữ đầu tiên được điều trị thành công mở ra hi vọng mới cho những người mắc căn bệnh này.
ThS.BS Nguyễn Tuấn Hải cho biết: Phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng keo sinh học có tỉ lệ thành công lên đến 95%, thời gian thực hiện thủ thuật chỉ dao động trong khoảng từ 15-30 phút, đặc biệt phương pháp giảm thiểu tối đa đau đớn cho người bệnh, khả năng phục hồi nhanh. Ngay sau khi thực hiện xong, bệnh nhân có thể đi lại nhẹ nhàng và sinh hoạt gần như bình thường.
Nói về ưu, nhược điểm của phương pháp này, ThS.BS Trịnh Thị Đông – Phó trưởng khoa khám bệnh và cấp cứu tim mạch thì đầu- Trung tâm tim mạch cho hay: Hiện nay, chi phí điều trị can thiệp này tương đối cao (khoảng 40 triệu đồng) nhưng chưa được BHYT đồng chi trả để người bệnh có cơ hội tiếp cận được với kỹ thuật mới, nhất là bệnh nhân nghèo. Tuy nhiên, bù lại bệnh nhân giảm chi phí cơ hội khác do bệnh nhân có thể xuất viện sau vài giờ làm thủ thuật, nhanh chóng hồi phục vận động và lao động trở lại, đặc biệt do bơm thuốc qua kim nên không thấy dấu vết của sẹo...
“Để phòng tránh bệnh giãn tĩnh mạch chân nên tránh đứng lâu tại một chỗ, không để tăng cân hoặc đã tăng cân thì cần giảm béo. Nên tạo thói quen tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn. Khi đi ngủ hay nghỉ ngơi, nên đặt chân cao hơn tim (cơ thể ở vị trí thăng bằng). Nên xoa bóp nhẹ nhàng hai chân đặc biệt là trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy để làm cho máu lưu thông một cách dễ dàng. Cần ăn các loại thức ăn có nhiều sinh tố, nhất là các loại quả, rau để có đủ một số vi chất cần thiết làm tăng tính bền vững của thành mạch. Nếu suy tĩnh mạch không được điều trị kịp thời sẽ gây giãn các tĩnh mạch nông, phù chân, loét chân khó lành, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và làm tăng chi phí điều trị”, bác sĩ Đông chia sẻ.
LÊ DUY