Một nửa số người nhiễm mới HIV ở lứa tuổi thanh thiếu niên

VHO- Từ đầu năm đến nay, cả nước phát hiện hơn 10.219 người nhiễm HIV mới, trong đó hơn 60% người nhiễm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và TP.HCM; 50% ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Đặc biệt, số nhiễm mới được ghi nhận tăng ở những địa bàn không trọng điểm như: Bạc Liêu, Bến Tre, Hậu Giang, Phú Yên, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Vĩnh Long…

Một nửa số người nhiễm mới HIV ở lứa tuổi thanh thiếu niên - Anh 1

 Nhân viên y tế chuẩn bị thuốc ARV để cấp, phát cho người bệnh có HIV Ảnh: ĐÔNG HƯNG

Đánh giá về tình dịch HIV thời gian qua, theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đang trong giai đoạn dịch tập trung ở các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao (nghiện chích ma túy, MSM, phụ nữ bán dâm). Đặc biệt, hành vi của các nhóm nguy cơ cao ngày càng phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng chemsex (chất gây nghiện khi quan hệ tình dục), quan hệ tình dục tập thể...

Với chủ đề Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay sẽ diễn ra từ ngày 10.11 - 10.12 tại nhiều tỉnh, thành phố như Hải Phòng, TP.HCM, Cần Thơ, Đồng Nai, Thanh Hóa, Nghệ An... Các hoạt động đa dạng, phong phú như mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS, hội thảo tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, ra mắt nhạc kịch về Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS; tọa đàm nâng cao năng lực cho phụ nữ HIV và phụ nữ thuộc nhóm nguy cơ cao; hội thảo sáng kiến cộng đồng trong dự phòng HIV thanh thiếu niên...

Trên thực tế, ở Việt Nam nhiều người có HIV có thể chưa đi xét nghiệm vì còn e ngại; một số người có thể đã biết tình trạng HIV của mình nhưng chưa tiếp cận điều trị, làm thế nào để họ kết nối vào điều trị một cách nhanh và thuận tiện nhất. “Hiện thuốc điều trị ARV đã được Quỹ BHYT Việt Nam chi trả, thuốc rất tốt. Thậm chí đã có nhiều loại thuốc mới như thuốc tiêm tác dụng kéo dài, mang đến nhiều lựa chọn hơn cho người có HIV. Do vậy điều quan trọng là làm thế nào để người có HIV biết tình trạng của mình, và kết nối họ vào điều trị”, Giám đốc Quốc gia CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, Giáo sư Eric Dzuiban cho biết.

Cũng theo GS Eric Dzuiban, một việc nữa là dự phòng trước phơi nhiễm PrEP để hạn chế lây nhiễm HIV. Việt Nam đang là nước có kết quả triển khai chương trình PrEP khá tốt, là một trong những nước dẫn đầu trong khu vực. Trong thời gian tới Việt Nam nên tiếp tục triển khai các chương trình bao gồm tạo cầu, đa dạng mô hình cung cấp dịch vụ, huy động tham gia của cộng đồng giúp dự phòng hiệu quả cho những người có nguy cơ nhiễm HIV.

N.KHANG

Ý kiến bạn đọc