Làm gì để bảo vệ sức khỏe cho người di cư?
VHO- Theo Tổng điều tra dân số tiến hành mới nhất với dân số toàn quốc là 96 triệu người, có 6,4 triệu người di cư nội địa trong 5 năm (từ 2015 - 2019) và hàng triệu người di cư ra nước ngoài theo con đường xuất khẩu lao động, du học, định cư, lấy chồng nước ngoài…
Người lao động di cư trong nước hay nước ngoài đều có những khó khăn tương tự nhau
Điều này cho thấy vấn đề di cư ở Việt Nam rất đa dạng, có quy mô lớn và xu hướng ngày càng tăng, càng xa, cùng với đó là sức khỏe người di cư chịu nhiều rủi ro hơn người không di cư, nhất là trong môi trường dịch Covid-19 do họ khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế, tài chính…
“Tôi đã gặp khó khăn khi đi khám thai vì tôi không biết ngôn ngữ”, một cô gái 22 tuổi, trở về từ Đài Loan (Trung Quốc) chia sẻ. “Trước khi tôi xuất khẩu lao động, công ty nói rằng tôi được kiểm tra sức khỏe 6 tháng 1 lần, 2 lần mỗi năm. Tuy nhiên đã hơn 2 năm kể từ ngày tôi đến làm việc, tôi không được đi khám sức khỏe. Khi mới đến, công đoàn cho tôi đi khám sức khỏe. Tuy nhiên, sau đó, tôi vào làm việc tại công ty, không được đi khám sức khỏe thêm một lần nào nữa”, một thực tập sinh nữ trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất tại Nhật đã trở về Việt Nam cho hay.
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) nhấn mạnh di cư là một sự tất yếu và là động lực của phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, di cư cũng tạo ra những khó khăn, thách thức cho cả nơi đi và nơi đến. Người di cư là một trong những nhóm dân số dễ bị tổn thương, nhất là trong đại dịch Covid-19 hiện nay. “Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 65,4 triệu người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi), chiếm 68% tổng dân số. Số lượng dân số trong độ tuổi lao động lớn, mang đến nhiều lợi thế cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nhưng cũng chắc chắn là một thách thức tác động lớn đến các dòng di cư tại Việt Nam,” Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số nhấn mạnh.
Không chỉ di cư ra nước ngoài mà hằng năm số người di cư trong nước cũng có số lượng lớn và ngày càng tăng. Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019, cả nước có 6,4 triệu người từ 5 tuổi trở lên là người di cư, chiếm hơn 7,3% tổng dân số; phần lớn người di cư thuộc nhóm trẻ tuổi từ 20- 39%. Về điều kiện chăm sóc sức khỏe và cuộc sống phụ nữ di cư có mức sinh thấp hơn phụ nữ không di cư, chất lượng nhà ở, việc làm cũng không bằng người không di cư. GS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Dân số gia đình và trẻ em cho rằng, dù di cư trong nước hay ra nước ngoài đều có những khó khăn như nhau, đó là thường có nhiều rủi ro, thiếu thông tin về môi trường mình đến như phong tục, tập quán, khí hậu; khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tài chính. Tại Việt Nam, giai đoạn 1999 - 2019, mỗi năm dân số tăng 1,2 lần nhưng người di cư tăng 1,5 lần cho thấy tốc độ tăng của người di cư nhanh hơn tốc độ tăng của dân số. Việt Nam sau bùng nổ dân số là tới bùng nổ người dân di cư, và ngày càng đa dạng theo hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Xu hướng di cư chủ yếu từ nông thôn ra thành thị, nơi mật độ dân số cao nên nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm như Covid-19 cao hơn. Chẳng hạn, theo ước tính, số người lao động di cư tại Bình Dương cao gấp 10 lần mức độ nhiễm bệnh của cả nước. “Bên cạnh đó, có thể do hoàn cảnh nhớ nhà, nhớ quê hương... nên hành vi của người di cư có nhiều bất lợi cho sức khỏe như uống rượu, hút thuốc đều cao hơn người không di cư. Người di cư có sức khỏe tốt hơn người không di cư nhưng rủi ro của người di cư lại lớn hơn hay nói cách khác là lực người di cư thì khỏe nhưng thế lại yếu”, GS Nguyễn Đình Cử nói.
Để tháo gỡ vấn đề này, GS Cử cho rằng, theo nghiên cứu, ở đô thị, người không có hộ khẩu đi khám bệnh ít hơn người có hộ khẩu, có thể nguyên nhân là các quy định hộ khẩu liên quan đến khám chữa bệnh BHYT; ngoài ra, theo điều tra năm 2015, chỉ có 2/3 người di cư có thẻ BHYT. Do đó, cần phải xóa bỏ rào cản hộ khẩu đối với người di cư. Giải quyết các vấn đề sức khỏe của ngươi di cư và gia đình của họ là vấn đề đang được Việt Nam quan tâm. Tháng 5 vừa qua, Bộ Y tế đã thành lập nhóm kỹ thuật sức khỏe người di cư bao gồm đại diện các Bộ, ban, ngành các cơ quan Liên Hợp Quốc và các cơ quan trong lĩnh vực sức khỏe người di cư. Dựa trên các khuyến nghị, Bộ Y tế, IOM và Tổ chức Y tế thế giới đang xây dựng hành động về sức khỏe người di cư Việt Nam. Việc thực hiện kế hoạch sẽ góp phần thúc đẩy khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người di cư Việt Nam bằng cách đưa ra các chính sách và tạo ra các dịch vụ y tế đáp ứng được nhu cầu của người di cư.
“Trong bối cảnh dịch bệnh, toàn dân khó khăn nhưng với người di cư thì còn khó khăn gấp bội. Đại dịch Covid-19 xảy ra nhanh chưa có tiền lệ nên chúng ta chưa có bài học, do đó Nhà nước hỗ trợ an sinh xã hội cho người di cư, nhưng vẫn cần sự chung tay của cả nước, người dân, doanh nghiệp vì người di cư luôn là người yếu thế trong hoàn cảnh kinh tế, xa nhà... Bộ Y tế và các bên liên quan hình thành nhóm kỹ thuật hỗ trợ xây dựng chương trình sức khỏe cho người di cư, đây là điều đáng mừng. Nhưng nhân tố quyết định phải là y tế dự phòng và truyền thông tốt, không chỉ cho người di cư hiểu, người dân hiểu mà cả các cấp, các ngành, địa phương hiểu”, GS Nguyễn Đình Cử nhận định.
QUỲNH HOA