Hà Nội quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết

VHO - Hiện nay, tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn Hà Nội đang diễn biến phức tạp. Tính từ đầu năm đến nay, đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc và tử vong cao hơn so với cùng kì năm 2021. Trước tình hình này, các địa phương đang tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.

Các ca mắc SXH gia tăng

Trong 2 tuần gần đây, số lượng mắc SXH trên địa bàn thành phố có xu hướng gia tăng, trên 1.200 ca/tuần. Theo báo cáo tình hình dịch bệnh truyền nhiễm tuần 44 năm 2022 đến ngày 4/11, trong tuần ghi nhận 1.312 mắc sốt xuất huyết, số mắc tăng 8,9% so với tuần trước (1.205 ca). Bệnh nhân sốt xuất huyết ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, một số đơn vị có số mắc cao như: Hà Đông, Thanh Oai, Phú Xuyên, Đống Đa. Cộng dồn 2022 ghi nhận 10.716 mắc sốt xuất huyết, 12 tử vong; số mắc tăng gấp 3,5 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021.

Hà Nội quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết - Anh 1

Phun hóa chất diệt muỗi trên địa bàn quận Đống Đa

Ổ dịch trong tuần ghi nhận thêm 58 ổ dịch mới tại: Hoàng Mai (16), Thanh Oai (6), Bắc Từ Liêm (5), Hà Đông (5), Thanh Trì (5), Hai Bà Trưng (5), Chương Mỹ (3), Đống Đa (3), Phú Xuyên (2), Long Biên (2), Hoài Đức (2), Gia Lâm (1), Đan Phượng (1), Phúc Thọ (1), Tây Hồ (1). Cộng dồn 2022 đã ghi nhận 871 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện. Hiện tại còn 143 ổ dịch đang hoạt động, tại 24 quận, huyện, trong đó một số ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân: thôn Bùng-Phùng Xá-Thạch Thất (200), Phượng Trì-TT Phùng-Đan Phượng (73), Ngọc Đình-Hồng Dương-Thanh Oai (53).

Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn TP của UBND TP Hà Nội, ngành Y tế Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để giảm sự gia tăng của dịch.

Riêng quận Đống Đa, tính đến ngày 10.11 đã ghi nhận 774 trường hợp mắc SXH Dengue tại 21/21 phường, số ca mắc tăng 1,26 lần so với cùng kỳ năm 2021. Quận Đống Đa đã chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống SXH nhằm kiểm soát tình hình trên địa bàn, không để dịch bùng phát, lan rộng.  Trong đó, tập trung xây dựng kế hoạch tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hoá chất diệt muỗi truyền bệnh phòng chống SXH đợt VI năm 2022 trong tháng 11.2021; đồng thời duy trì hoạt động vệ sinh môi trường diệt bọ gậy một cách thường xuyên, liên tục theo hướng dẫn của Trung tâm Y tế quận. Huy động lực lượng của các ban, ngành, đoàn thể tham gia công tác phòng chống dịch; đôn đốc mạng lưới cộng tác viên SXH tăng cường kiểm tra các hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị và các khu vực công cộng để phát hiện, loại trừ các ổ bọ gậy của muỗi truyền bệnh, tuyên truyền cho người dân về các biện pháp về các biện pháp phòng, chống dịch SXH. Khi phát hiện người nghi mắc SXH báo ngay cho Trạm Y tế Phường để kịp thời điều tra, xử lý không để dịch bùng phát và lan rộng; vận động và yêu cầu các hộ gia đình hợp tác với lực lượng chức năng trong công tác phòng chống dịch, cương quyết xử lý các trường hợp không hợp tác.

Hiện, quận Đống Đa vẫn đang tiếp tục triển khai 12 chiến dịch vệ sinh môi trường trong tháng 11.2022 và tổ chức phun hóa chất diện rộng tại 4 phường hiện ghi nhận số bệnh nhân gia tăng nhanh, phát sinh nhiều ổ dịch là Phương Liên, Trung Liệt, Trung Tự và Phương Mai nhằm nỗ lực kiểm soát được tình hình dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.

Đồng loạt các biện pháp trên toàn TP

Tại huyện Mỹ Đức, từ ngày 1.11, TT Y tế huyện Mỹ Đức triển khai chiến dịch phun hóa chất diện rộng diệt muỗi phòng chống SXH trên địa bàn các xã, thị trấn. Để công tác phòng chống sốt xuất huyết thực hiện có hiệu quả, trung tâm còn phối hợp với Phòng Y tế tham mưu Ban chỉ đạo huyện triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy trên phạm vi toàn huyện; tổ chức các đợt giám sát hỗ trợ cho tuyến xã, thị trấn.

Hà Nội quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết - Anh 2

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân diệt bọ gậy 

Bên cạnh đó, trung tâm đã cử cán bộ xuống địa bàn các xã, thị trấn trực tiếp giám sát và tổ chức các biện pháp để phòng chống dịch bệnh, kết hợp các nhân viên trạm y tế xuống tận nhà dân để truyền thông phòng chống dịch bệnh, vận động người dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, trọng tâm là vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, thu gom phế liệu, phế thải và lật úp, loại bỏ nước ở các dụng cụ chứa nước không cần thiết gắn với việc sử dụng các biện pháp như: thả cá, phun hóa chất… để diệt bọ gậy, diệt muỗi, ngủ màn để phòng tránh muỗi đốt. Đồng thời, trung tâm còn phối hợp với trạm y tế các xã thị trấn tham mưu cho UBND xã  xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn 22 xã, thị trấn.

Cùng thời điểm, các phường, quận khác cũng tiến hành các nhiều biện pháp một cách đồng bộ. Bà  Nguyễn Minh Huệ, Trạm trưởng trạm Y tế phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) cho biết, để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết phường chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Tuyên truyền tại các hội nghị của phường, địa bàn dân cư, tổ dân phố; tuyên truyền qua zalo nhóm của hệ thống chính trị từ phường tới các tổ dân phố nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng, chủ động phòng chống sốt xuất huyết; khuyến cáo của Bộ Y tế để người dân chủ động phòng ngừa, khuyến cáo người dân khi có biểu hiện nghi ngờ cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám phát hiện và điều trị kịp thời. “Chúng tôi đã duy trì tổ chức 5 hội nghị ra quân chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phòng chống SXH tại các tổ dân phô; 2 đợt phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành tại các cơ sở giáo dục, công trường xây dựng, bãi đất trống, khu vực nguy cơ cao và các khu vực trọng điểm. Phối hợp với các tổ trưởng dân phố tuyên truyên phát tờ rơi, kiểm tra, giám sát thực tế của các tổ dân phổ, kiểm tra vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh. Các cộng tác viên, tổ giám sát phối hợp y tế phường thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công”, Trạm Trưởng Trạm trưởng trạm Y tế phường Đồng Tâm chia sẻ.

Còn bà Nguyễn Thị Bắc, Trạm Trưởng Trạm Y tế phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) cho biết, là phường trọng điểm mắc sốt xuất huyết từ trước đến nay. Do đó, công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác luôn được duy trì và thường xuyên tuyên truyền đến cộng đồng dân cư. Đặc biệt, với công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, trên địa bàn phường có tổ xung kích diệt bọ gậy, hiện tại có 347 cộng tác viên và các tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, thường xuyên cập nhật dịch bệnh sốt xuất huyết và lồng ghép với các hoạt động khu dân cư, tổ dân phố tuyên truyền người dân chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Các tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố và cộng tác viên trên địa bàn phường đã được Trung tâm y tế quận Thanh Xuân, phòng truyền thông, khoa Kiểm soát bệnh tật phối hợp với UBND phường và trạm y tế phường tổ chức tập huấn được 4 lớp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Trạm y tế tham mưu với UBND phường tổ chức 3 chiến dịch tổng vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên toàn phường. Tất cả các khu trọng điểm có nguy cơ cao đều được quan tâm để trú trọng phòng chống sốt xuất huyết.

VIỆT THANH

Ý kiến bạn đọc