Đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi sinh con thứ hai

VHO- Ngày 10.11 tại Hà Nội, Hội Phụ sản Việt Nam (VAGO) chủ trì, phối hợp cùng Cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo “Mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”.

Đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi sinh con thứ hai - Anh 1

Toàn cảnh Hội ​​​thảo

Tại Việt Nam, nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hoá Gia đình, đã đạt mức sinh thay thế với trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ 15-49 tuổi có 2,1 con từ năm 2006 và duy trì cho đến nay. Tuy nhiên, mức sinh lại chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, tỉnh, thành phố, đặc biệt là xuất hiện xu hướng mức sinh thấp. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, mức sinh của khu vực thành thị, toàn bộ các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ (trừ Bình Phước) và vùng đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thực tế đều dưới mức sinh thay thế. Trong đó một số tỉnh, thành phố có mức sinh rất thấp tới 1,48 con.

Ths.Bs Mai Trung Sơn (Cục Dân số) cho biết, để khắc phục tình trạng này cần rà soát bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con. Từng bước ban hành, thực hiện các chính sách khuyến khích sinh đủ hai con áp dụng cho các gia đình, cộng đồng. Thí điểm mở một thực hiện các chính sách hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh con, nuôi dạy con, đồng thời có chính sách không khuyến khích kết hôn muộn, sinh con muộn và sinh ít con. “Trong dự thảo Luật Dân số đã đề ra một số biện pháp nhằm khuyến khích sinh đủ hai con tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ hai; miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non tiểu học. Các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình được hưởng các chính sách khuyến khích xã hội hoá trong y tế. Xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ hai con; Quy định trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ”, Ths.Bs Mai Trung Sơn cho hay.

Đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi sinh con thứ hai - Anh 2

Ths.Bs Mai Trung Sơn (Cục Dân số) đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ hai

Mức sinh thấp tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, suy giảm quy mô dân số. Đồng thời tác động sâu sắc tới cấu trúc gia đình, đời sống văn hóa - xã hội, kinh tế, lao động, việc làm và an sinh xã hội.

GSTS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, nếu một cặp vợ chồng trẻ sinh một con thì sẽ có sáu người (gồm ông bà nội, ông bà ngoại, bố mẹ) chăm sóc một đứa trẻ. Nhưng trong tương lai, khi đứa trẻ lớn lên, một mình phải chăm sóc cho sáu người gia sẽ là gánh nặng cho chúng.

Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 nhấn mạnh mục tiêu “duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng”. Đây là những định hướng chính sách về dân số rất kịp thời, nhằm cải thiện thực trạng mức sinh thấp tại một số vùng, tỉnh, thành phố, đặc biệt là nơi xuất hiện xu hướng mức sinh thấp. Để đạt được điều này đòi hỏi phải có chính sách, chiến lược hỗ trợ công tác dân số trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, Bộ công cụ chính sách can thiệp thực tiễn mức sinh cho các nước khu vực châu Á - Thái Bình dương do tổ chức Economist Impact nghiên cứu đã được công bố. Bộ công cụ là một phần quan trọng trong dự án Fertility Counts- một sáng kiến nhằm giải quyết các thách thức về kinh tế và xã hội liên quan đến mức sinh thấp ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương với sự tài trợ của Merck Healthcare. Đây sẽ là một công cụ giúp cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam tham khảo, xem xét, nghiên cứu, đánh giá tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn. Bốn nhóm chính sách được đề cập trong bộ công cụ này là: Chăm sóc trẻ em, Chính sách tại nơi làm việc, Ưu đãi tài chính và Hỗ trợ sinh sản.

Q.HOA 

Ý kiến bạn đọc