Đằng sau công văn thuốc cổ truyền điều trị Covid-19

VHO- Sau sự lên tiếng mạnh mẽ, phản ứng dữ dội từ phía công chúng, sáng 26.7, công văn số 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu để góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (ban hành ngày 24.7) đã được thu hồi. Tuy nhiên…

Đằng sau công văn thuốc cổ truyền điều trị Covid-19 - Anh 1

Giá chênh nhau hơn 4 lần nhưng về bao bì lại không có nhiều sự khác biệt

 Đề nghị sử dụng loại thuốc chưa được cấp phép, bị cảnh báo quảng cáo không đúng

Kèm theo Công văn 5944 là hướng dẫn và danh mục về 12 loại thuốc, sản phẩm dược liệu, y học cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19. Dư luận cho rằng, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm tương tự cùng nguyên liệu sản xuất, công dụng như nhau nên việc nêu rõ trên thuốc - công ty sản xuất là vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Được biết, nguyên nhân thu hồi Công văn là do có “một số nội dung chưa phù hợp”. Tuy nhiên, thực tế lại mở ra nhiều vấn đề khác liên quan đến thực hiện các quy định của pháp luật trong việc ban hành văn bản cũng như sử dụng thuốc điều trị cho bệnh nhân. Trong hệ thống Quản lý và điều hành văn bản của Bộ Y tế ghi nhận Công văn 5944/BYT-YDCT đăng tải lúc 22h22 ngày 23.7 nhưng công văn này được ký ban hành ngày 24.7.2021 (ngày thứ Sáu cuối tuần). Chẳng lẽ có chuyện “cầm đèn chạy trước ô tô” với Công văn 5944 vì được đưa lên hệ thống trước cả khi được ký?

Một vấn đề khác liên quan đến sản phẩm viên nang Kovir cứng của Công ty CP Sao Thái Dương là một trong 12 sản phẩm được nêu trong công văn 5944. Đó là, một tháng trước khi Bộ Y tế ban hành công văn 5944, ngày 24.6, ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyển đã ký công văn số 648/YDCT-QLY gửi Sở Y tế Bình Dương, Đồng Nai, Sở Y tế, Bệnh viện Y học cổ truyền, Viện, Y- dược học dân tộc TP HCM về việc sử dụng sản phẩm y học cổ truyền và hướng dẫn sử dụng một số thuốc, sản phẩm y học cổ truyền trong phòng, nâng cao sức khỏe hỗ trợ điều trị Covid-19. Kèm theo công văn này là văn bản Hướng dẫn sử dụng một số thuốc cổ truyền, sản phẩm y học cổ truyền trong phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19, trong đó có sản phẩm viên nang Kovir cứng, viên nang Kovir mềm, Bột Nobel tăng cường miễn dịch của Công ty Sao Thái Dương…

Trong công văn này, Cục Quản lý y dược cổ truyền đề nghị các đơn vị căn cứ hướng dẫn sử dụng một số thuốc cổ truyền, sản phẩm y học cổ truyền trong phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19 ban hành kèm công văn này để hướng dẫn, chỉ đạo sử dụng cho người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2, đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu và đối tượng cách ly (F1)…

Điều đáng nói là sau khi công văn 648 được ban hành thì ngày hôm sau sản phẩm viên nang cứng Kovir mới được Cục An toàn thực phẩm (ATTP- Bộ Y tế) cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm. Điều này có nghĩa là tại thời điểm sản phẩm chưa được cấp phép nhưng Cục Quản lý y dược cổ truyền đã vội vàng ký công văn đề nghị các cơ sở y tế sử dụng. Trả lời với báo chí, ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng cho rằng, đây có thể là sự nhầm lẫn. Viên nang Kovir là sản phẩm được cho, tặng, là sản phẩm đi vận động về.

Trong khi đó, vào tháng 9.2020, Cục ATTP đã phát đi tin cảnh báo về thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir và được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Khi đó, Cục ATTP cho biết, trên một số phương tiện thông tin đại chúng và trang mạng xã hội có đưa thông tin sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir của Công ty CP Sao Thái Dương có thể làm người tiêu dùng hiểu lầm sản phẩm trên có công dụng: hiệu quả cao đối với các bệnh virus từ sau lần uống đầu tiên; hỗ trợ điều trị Covid-19. Cục ATTP khẳng định thông tin như vậy là không chính xác, không có loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có công dụng dự phòng, điều trị hoặc hỗ trợ điều trị Covid -19. Hiện thông tin này vẫn đang được đăng tải trên trang web của Cục ATTP.

Đằng sau công văn thuốc cổ truyền điều trị Covid-19 - Anh 2

 Cục Quản lý y dược cổ truyền đề nghị các cơ sở y tế sử dụng viên nang cứng Kovir trong phòng, chống dịch Covid-19 nhưng 1 ngày sau thuốc này mới được cấp phép

Lập lờ khó hiểu

Trên trang facebook cá nhân, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Phó Giám đốc Cty CP Sao Thái Dương cho biết: “Tin vui từ Bộ Y tế - Đông y vào cuộc chữa Covid-19. Ngày 24.7, Bộ Y tế đã chính thức có văn bản kèm theo danh mục 27 sản phẩm Đông y vào tham gia hỗ trợ điều trị Covid-19”. Nội dung bài viết cũng không quên điểm danh 6 sản phẩm của Công ty Sao Thái Dương. Đến thời điểm hiện nay, nội dung này đã bị xoá.

Nhưng bà Hương lại quên rằng, ngày bà viết facebook mới đang là ngày 17.7, trước ngày công văn 5944 được ban hành tới một tuần. Vậy là bà Hương đã biết trước công văn sẽ được ký và kịp thời quảng cáo sản phẩm của mình. Và cũng chỉ 2 ngày sau khi quảng cáo, ngày 19.7, Công ty CP Sao Thái Dương cũng đã kịp công bố giá sản phẩm viên nang cứng Kovir lên tới 1.000.000 đồng/ hộp 30 viên. Nhiều người tưởng nhầm rằng, Công ty đã tăng giá gấp hơn 4 lần vì viên nang mềm Kovir chỉ có giá 250.000 đồng/ hộp 45 viên. Để giải thích sự khác biệt này, ngày 26.7, trên trang web của Công ty đã có bài viết “Phân biệt viên nang cứng Kovir và viên nang mềm Kovir khác nhau như thế nào?”.

Theo giải thích của bà Đỗ Thanh Hà, Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển Công ty Sao Thái Dương, viên nang cứng Kovir xuất phát từ bài thuốc Nhân sâm bại độc tán tác dụng đặc hiệu hơn trên các bệnh lý do virus, tăng sức đề kháng và làm giảm triệu chứng bệnh gây ra. Thuốc gồm các thành phần là sài hồ, phục linh, đảng sâm, tiền hồ, cát cánh, xuyên khung, chỉ xác... Còn viên nang mềm Kovir là Ngân kiều thang có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giúp phòng ngừa các bệnh do các loại virus thông thường. Thành phần của sản phẩm này là dịch chiết tỏi, sữa non, thăng ma, bạch thược, cam thảo, cát căn... Chính vì thế có sự chênh lệch giá giữa 2 loại này. Điều thắc mắc là, dù giá chênh lệch tới hơn 4 lần nhưng bao bì 2 loại sản phẩm lại gần tương tự như nhau. Nếu tách 2 sản phẩm riêng rẽ, thì người tiêu dùng rất dễ bị nhầm lẫn, là cơ hội cho việc mua bán không lành mạnh. Tuy nhiên bài giải thích trên cũng chỉ tồn tại được 1 ngày vì trong sáng 27.7, bài đã không còn trên trang web của Sao Thái Dương.

Trước sự “lập lờ” khó hiểu của việc ban hành công văn, cũng như công khai giá của Công ty CP Sao Thái Dương, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, điều tra. Bởi vì, trong lúc nhân dân đang đồng lòng cùng Chính phủ, Bộ Y tế và các cấp chính quyền chống dịch Coid-19, thì có hay không một bộ phận lợi dụng tình hình dịch bệnh để thu lợi cá nhân, giảm lòng tin trong nhân dân. 

 Tổng cục Quản lý thị trường vào cuộc

Trước thông tin phản ánh từ các phương tiện truyền thông mạng xã hội về 12 loại thuốc, sản phẩm cổ truyền có tác dụng phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19 (bao gồm thuốc Xuyên Tâm Liên và 11 loại khác) tăng giá bất hợp lý, ngày 27.7.2021, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành công văn số 1609/TC Quản lý thị trường-CNV gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe được ghi công dụng “kháng virus, kháng Covid-19...”.

Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu tâm lý phòng, chống dịch bệnh của nhân dân tăng cao, trên thị trường xuất hiện một số thực phẩm bảo vệ sức khỏe được ghi công dụng “kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp, phòng chống Covid-19”… Cụ thể như: Xuyên Tâm Liên CV19 với logo Toàn Lộc (vỏ hộp màu đỏ) và Xuyên Tâm Liên CV19 với logo Nhất Lộc (vỏ hộp màu xanh), Kovir của Công ty cổ phần Sao Thái Dương... “Những sản phẩm này đều chưa đăng ký bản công bố tại cơ quan có thẩm quyền hoặc ghi thông tin không chính xác, tăng giá bán đột biến so với giá bán thông thường niêm yết trước đó”, công văn nêu rõ.

Để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm (nếu có), Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý địa bàn, nắm bắt diễn biến tình hình thị trường giá cả - hàng hóa đối với những mặt hàng nêu trên. Công văn nêu rõ: “Nếu phát hiện hành vi vi phạm, tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”. P.V

 

 NGUYÊN KHANG

Ý kiến bạn đọc