Can thiệp từ bào thai để giảm tỉ lệ trẻ mắc tim bẩm sinh
VHO - Mỗi năm Việt Nam có khoảng 8.000 – 10.000 trẻ mắc tim bẩm sinh được sinh ra, trong đó có 50% siis trẻ bị bệnh rất nặng, nhưng chỉ khoảng 5.000 trẻ được phẫu thuật, số còn lại phải chờ và thậm chí tử vong trước khi đến lượt.
Số liệu trên được đưa ra tại Hội nghị Y học bào thai Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề "Bất thường tim bẩm sinh từ chẩn đoán trước sinh đến can thiệp sau sinh" do Bệnh viện phụ sản Hà Nội tổ chức ngày 21.8 tại Hà Nội với sự tham gia các nhà khoa học, chuyên gia Việt Nam và quốc tế, và hàng trăm y bác sĩ trong ngành sản phụ khoa trong nước.
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
Đây là Hội nghị khoa học chuyên về học bào thai lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam và sẽ được Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức thường niên vào các năm tiếp theo. Chia sẻ về hội nghị, GS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện cho biết, y học bào thai là lĩnh vực không thể thiếu trong công tác sản khoa cũng như nâng cao chất lượng dân số hiện nay. Nhờ vào y học bào thai mà các bào thai được tầm soát, sàng lọc, khám phát hiện, chẩn đoán cũng như xử lý ngay từ lúc đang mang thai cũng như sau khi sinh từ đó tăng khả năng cứu sống và làm tăng chất lượng dân số.
Dù là lĩnh vực khá mới mẻ với thế giới nhưng Việt Nam đã tiếp cận trong vòng 5 năm nay và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện công đầu tiên đã áp dụng về lĩnh vực sâu về lĩnh vực bào thai, trong đó có can thiệp bào thai. “Việc phát hiện và can thiệp, xử lý sớm những bất thường ở bào thai ngay từ trong bụng mẹ giúp trẻ sinh ra khoẻ mạnh, giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh. Chúng tôi mong muốn lan toả đến các đồng nghiệp trên toàn quốc nhằm sàng lọc, chẩn đoán và xử lý ngay khi có thể. Nếu cơ sở nào không xử lý đc thì chuyển lên tuyến trên để chúng tôi có thể hỗ trợ, giúp đỡ”, Giám các đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ.
Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ các nghiên cứu liên quan đến quản lý trước sinh thai có dị tật tim trên thế giới và tại Việt Nam, chẩn đoán trước sinh các bất thường di truyền các bệnh lý tim bẩm sinh; chiến lược quản lý sản khoa với các trường hợp thai có bệnh lý tim bẩm sinh đến can thiệp sau sinh, can thiệp bào thai các bệnh lý tim bẩm sinh…
TS. BSCKI Nguyễn Thị Sim, Phụ trách Đơn vị can thiệp bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội điều trị cho một bào thai cần truyền ối
Theo GS Yves ville – Trưởng khoa Sản và Y học bào thai tại Bệnh viện Necker Enfans Malades và đại học Paris, hằng năm có 1 – 1,5 triệu trẻ sinh ra mắc dị tật tim bẩm sinh trên thế giới; trong đó 1/4 trẻ cần phẫu thuật trong năm đầu sau sinh; 4,2% số tử vong sơ sinh là do dị tật tim bẩm sinh. Tim bẩm sinh cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong nhóm các bệnh không lây nhiễm ở người dưới 20 tuổi. Do đó, nếu phát hiện bệnh khi chẩn đoán trước sinh thì khả năng cứu sống trẻ là rất cao. Nếu không được phát hiện, bào thai có thể suy tim và sau khi sinh có thể không kịp cứu.
Trong bài trình bày về Tiếp cận quản lý trước sinh thai nhi có dị tật bẩm sinh tại Việt Nam, GS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh cho hay, trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh chiếm khoảng 1% tổng số trẻ sinh ra hằng năm. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong giai đoạn sơ sinh, chiếm gần 7% nguyên nhân gây tử vong từ 20 tuần tuổi thai đến một năm sau sinh. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế, tim bẩm sinh cũng là dị tật bị bỏ sót nhiều nhất trong siêu âm sàng lọc trước sinh do tính đặc thù chuyên khoa. Do đó, vai trò của chẩn đoán trước sinh bệnh tim bẩm sinh là rất quan trọng, từ việc tư vấn, chuẩn bị tâm lý cho bố mẹ; can thiệp bào thai; cải thiện tỉ lệ sống giai đoạn sơ sinh ở trẻ.
Nhiều năm qua, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã phát hiện sớm các bào thai mắc bệnh tim bẩm sinh và có chiến lược chăm sóc, điều trị cho các sản phụ cho tới khi em bé chào đời. Trong số đó có sản phụ 41 tuổi mang thai lần thứ 3, bị mắc tiểu đường thai kỳ, mắc ung thư tuyến giáp chưa điều trị. Ở tuần thai 26, trên siêu âm, các bác sĩ phát hiện thai có nhịp nhanh trên thất, phù thai, dịch màng phổi 2 bên.
Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sản phụ được chỉ định điều trị nội khoa bằng Fecainide. Sau một tuần điều trị, thai có nhịp xoang, phù thai, có tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi ít, nhịp tim về 126 lần/phút. Ở tuần 30, thai phụ không còn phù thai. Tuần 37, sản phụ được mổ lấy thai chủ động. Một tuần sau chào đời, nhịp tim thai của trẻ trở về bình thường. Đây là một trong những trường hợp có nhịp nhanh kịch phát trên thất được quản lý trước sinh thành công.
Q.HOA