Gian nan cuộc chiến chống sách giáo khoa giả, học liệu đạo nhái (Bài 1):
Tràn lan SGK giả, học liệu đạo nhái
VHO - Thời gian qua, tình trạng sách giáo khoa (SGK) giả, sách in lậu và học liệu đạo nhái đã trở thành một vấn nạn nhức nhối, ngày càng lan rộng với mức độ tinh vi hơn. Không chỉ xuất hiện tràn lan trên vỉa hè hay len lỏi vào các nhà sách, sách lậu còn tràn qua sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, khiến công tác kiểm soát trở nên vô cùng khó khăn.

Hệ lụy của vấn đề này không chỉ dừng lại ở vi phạm bản quyền mà còn tác động nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của học sinh, giáo viên và các NXB hợp pháp.
Đáng lo ngại hơn, nhiều tài liệu học tập khác cũng bị sao chép và phát tán trái phép trên các nền tảng trực tuyến, đặt ra bài toán nan giải trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực giáo dục.
Có thể thấy, cuộc chiến chống lại SGK giả và học liệu đạo nhái không chỉ đòi hỏi nỗ lực từ các cơ quan chức năng mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội để đảm bảo một môi trường học tập minh bạch, chất lượng và công bằng.
Mới đây, NXB Giáo dục Việt Nam đã phát hiện hàng loạt website và nền tảng học tập trực tuyến vi phạm bản quyền SGK. Điều này vừa làm tổn hại đến quyền lợi của đơn vị xuất bản, vừa đặt phụ huynh, học sinh đứng trước “ma trận” học liệu với chất lượng không được kiểm chứng.
Việc tiếp cận những tài liệu thiếu tính chính xác không những gây nhầm lẫn trong quá trình học tập mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả tiếp thu kiến thức của học sinh…
Sách lậu tung hoành trên sàn thương mại điện tử
Ngày 19.3 vừa qua, NXB Giáo dục Việt Nam đã phát đi thông báo về việc nhiều website và nền tảng học tập trực tuyến vi phạm bản quyền SGK. Đáng chú ý, nền tảng Easyclass (thuộc Công ty TNHH Công nghệ Giáo dục Easy Class) đã đăng tải trái phép các file âm thanh SGK và học liệu điện tử dựa trên cấu trúc, chủ đề, ngữ liệu cũng như ý tưởng biên soạn của hai bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo.
Những tài liệu này được sử dụng để thu phí từ giáo viên và học sinh mà không có sự đồng ý từ NXB Giáo dục Việt Nam.
Easyclass, trực thuộc Easy Group, là một nền tảng số hóa nội dung SGK của ba môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh nhưng chưa được cấp phép sử dụng tài liệu gốc.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022), việc làm tác phẩm phái sinh phải có sự chấp thuận của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng thời phải thanh toán tiền bản quyền cũng như các quyền lợi vật chất liên quan.
Việc Easyclass sản xuất và kinh doanh các học liệu điện tử mà chưa được sự cho phép của NXB Giáo dục Việt Nam là hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ. Điều này không chỉ xâm phạm quyền lợi của NXB và các tác giả, mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến giáo viên, học sinh - những người trực tiếp sử dụng học liệu trên nền tảng này.
NXB Giáo dục Việt Nam đã lập tức kiến nghị lên các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ hành vi vi phạm và có biện pháp xử lý nghiêm minh nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của đơn vị nói riêng, giáo viên và học sinh trên cả nước nói chung.
Người tiêu dùng cần tỉnh táo trước cạm bẫy tinh vi
Tình trạng sản xuất và tiêu thụ sách lậu, sách giả đã và đang trở thành vấn nạn nghiêm trọng, đặc biệt là đối với SGK và sách tham khảo. Trong đó, NXB Giáo dục Việt Nam là đơn vị chịu thiệt hại nặng nề nhất khi đứng đầu về số lượng sách lậu và sách giả bị in ấn và tiêu thụ trái phép.
Sự xâm nhập của sách giả vào thị trường, đặc biệt là qua các nền tảng trực tuyến, khiến người tiêu dùng gần như không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả?!
Chỉ riêng từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ 15 vụ, thu giữ 5,5 triệu cuốn sách giả của NXB Giáo dục Việt Nam, ước tính trị giá trên 60 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần nhỏ trong tổng số sách “fake” đang trôi nổi trên thị trường.
Sách giả hiện nay được làm rất tinh vi, với bề ngoài giống hệt sách thật, nhưng chất lượng in ấn lại không đạt tiêu chuẩn. Theo các chuyên gia, một trong những tác hại nghiêm trọng nhất của SGK giả là sự sai lệch trong nội dung kiến thức.
Những cuốn sách này thường xuyên mắc lỗi về màu sắc, ký hiệu, biểu đồ và hình ảnh…, dẫn đến việc học sinh tiếp nhận thông tin sai lệch. Đặc biệt, những vấn đề nhạy cảm như chủ quyền biển đảo, biên giới quốc gia hay các sự kiện lịch sử có thể bị xuyên tạc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức của lớp trẻ và dẫn đến những hiểu lầm về các vấn đề quốc gia.
Trước thực trạng này, việc tăng cường công tác quản lý, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm bản quyền là vô cùng cấp thiết để bảo vệ quyền lợi của người học và bảo đảm chất lượng giáo dục.
Ngoài việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng học tập, sách giả còn gây ra những tác hại khôn lường về sức khỏe. Chất lượng in ấn kém, chữ mờ, hình ảnh nhòe… có thể gây hại đến thị lực của học sinh.
Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả học tập mà còn gây khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức. Việc sử dụng sách kém chất lượng cũng đồng nghĩa với việc học sinh không thể tiếp cận các tài liệu hỗ trợ trực tuyến, thiếu thông tin bổ trợ và tiện ích, từ đó ảnh hưởng đến quá trình phát triển lành mạnh của các em.
Độc giả khi mua phải các ấn phẩm này cũng sẽ mất lòng tin vào chất lượng sách nói chung, làm giảm uy tín của ngành xuất bản.
Thách thức lớn đối với giáo dục và nền kinh tế
Sách giả không chỉ xâm phạm quyền lợi của các giáo viên, tác giả, đơn vị xuất bản và đối tác liên kết, mà còn triệt tiêu sự sáng tạo, làm thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.
Các đối tượng sản xuất và phát hành sách giả ngày càng sử dụng những thủ đoạn tinh vi, tổ chức hoạt động in ấn và phát hành một cách kín đáo, nhằm tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng.
Đối với các NXB, đặc biệt là NXB Giáo dục Việt Nam, sách giả gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế, làm giảm doanh thu vì sách giả thường được bán với giá thấp do không phải trả các chi phí liên quan đến bản quyền, dạy thực nghiệm, giới thiệu, tập huấn...
Điều này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh và gây khó khăn cho các đơn vị xuất bản hợp pháp trong việc duy trì hoạt động.
Một vấn đề đáng lo ngại là sách giả không chỉ xuất hiện ở các cửa hàng sách lậu hoặc vỉa hè, mà còn tràn ngập trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.
Việc mua bán sách giả qua các nền tảng trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến, đồng thời, các đối tượng sản xuất sách giả không ngừng thay đổi thủ đoạn, khiến việc kiểm soát và xử lý tình trạng khó khăn hơn bao giờ hết.
Một bộ phận khách hàng hiện vẫn chưa nhận thức đầy đủ về những tác hại của việc sử dụng sách giả. Họ chỉ đơn giản mua sách giả vì nó rẻ, mà không hiểu hết hậu quả lâu dài, từ đó vô tình tiếp tay cho vấn nạn này phát triển, lộng hành.
Việc phát hành sách giả còn tạo ra gánh nặng lớn cho các cơ quan chức năng khi phải tiêu tốn nhiều nguồn lực để kiểm tra, thu hồi sách lậu và xử phạt các hành vi vi phạm, làm gia tăng áp lực lên chính quyền.
Đồng thời, các NXB hợp pháp phải đối mặt với sự cạnh tranh không công bằng từ các sản phẩm sách giả, học liệu đạo nhái, gây khó khăn trong việc duy trì chất lượng và uy tín của các ấn phẩm.
Có thể nói, SGK giả và học liệu đạo nhái hiện đang trở thành thách thức lớn đối với nền giáo dục quốc gia, đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các bên liên quan và làm thiệt hại về kinh tế.
Để ngăn chặn vấn nạn này, cần có sự vào cuộc quyết liệt từ cơ quan chức năng, các đơn vị xuất bản và đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh, học sinh.
Việc tăng cường quản lý, nâng cao nhận thức cộng đồng và áp dụng công nghệ tiên tiến trong việc kiểm soát, xử lý sách giả, sách lậu là vô cùng cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của toàn xã hội và đảm bảo chất lượng giáo dục bền vững.
(Còn nữa)