Sách mới: Mối quan hệ giữa điều kiện giáo viên và “sức khỏe” trường phổ thông tại Việt Nam
VHO - Nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng chính sách giáo dục trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) vừa phát hành cuốn sách Mối quan hệ giữa điều kiện của giáo viên và “sức khỏe” trường phổ thông tại Việt Nam. Đây là công trình nghiên cứu chuyên khảo được thực hiện theo Chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ, do nhóm tác giả gồm PGS.TS Vũ Quảng (Chủ biên), Đinh Thị Kim Loan, Phan Thị Thúy Quyên và Phạm Bích Thủy biên soạn.

Công trình nghiên cứu quy mô, chuyên sâu
Nghiên cứu này tập trung khảo sát thực trạng điều kiện làm việc của giáo viên và “sức khỏe” trường phổ thông tại Việt Nam, được tiến hành tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, TP. Hồ Chí Minh, Đắk Nông, Tiền Giang, Kiên Giang trong giai đoạn 2022 - 2023.
Cuốn sách gồm 3 chương, đi sâu vào phân tích các khía cạnh lý luận, thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm cải thiện điều kiện làm việc của giáo viên, đồng thời nâng cao chất lượng môi trường giáo dục phổ thông.
Cấu trúc nội dung sách
Chương 1: Cơ sở lý luận về điều kiện làm việc của giáo viên và “sức khỏe” trường phổ thông
Chương này tổng hợp các nghiên cứu trong và ngoài nước về điều kiện làm việc của giáo viên và các yếu tố cấu thành “sức khỏe” nhà trường. Nhóm tác giả làm rõ nội hàm khái niệm và xây dựng hệ thống tiêu chí đặc trưng để đánh giá “sức khỏe” trường phổ thông.
Chương 2: Thực trạng mối quan hệ giữa điều kiện làm việc của giáo viên và “sức khỏe” trường phổ thông tại Việt Nam
Trên cơ sở khảo sát thực tế bằng phiếu hỏi và phỏng vấn các hiệu trưởng, giáo viên tại nhiều địa phương, nghiên cứu đã phân tích các yếu tố tác động đến môi trường làm việc của giáo viên, như: áp lực nghề nghiệp, cơ chế quản lý, chính sách giáo dục và điều kiện cơ sở vật chất.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng xác định sáu tiêu chí đánh giá “sức khỏe” trường phổ thông, gồm: Tính tự chủ của nhà trường; Sự quan tâm và ảnh hưởng của hiệu trưởng; Hỗ trợ nguồn lực; Đời sống tinh thần của giáo viên; Yếu tố học thuật trong môi trường sư phạm.
Chương 3: Giải pháp cải thiện điều kiện làm việc của giáo viên và nâng cao “sức khỏe” trường phổ thông
Dựa trên phân tích lý luận và thực tiễn, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp trọng tâm, đảm bảo tính khoa học, khả thi và hiệu quả:
Về điều kiện làm việc của giáo viên: Xây dựng chính sách đãi ngộ, khen thưởng hợp lý; đầu tư cơ sở vật chất; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; xây dựng môi trường sư phạm tích cực.
Về nâng cao “sức khỏe” trường phổ thông: Tăng cường nhận thức về vai trò của các cấp quản lý giáo dục; nâng cao năng lực lãnh đạo của hiệu trưởng; phát triển đội ngũ giáo viên theo yêu cầu mới; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nhằm cải thiện cơ sở vật chất.
Giá trị ứng dụng thực tiễn
Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đưa ra các khuyến nghị cụ thể đối với Bộ GD&ĐT, các sở/phòng giáo dục và hiệu trưởng các trường phổ thông, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và cải thiện môi trường làm việc của đội ngũ giáo viên.
Cuốn sách Mối quan hệ giữa điều kiện của giáo viên và “sức khỏe” trường phổ thông tại Việt Nam là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho các nhà quản lý giáo dục, hiệu trưởng, giảng viên sư phạm và những người quan tâm đến lĩnh vực giáo dục phổ thông.
Thông tin liên hệ
ĐT: (028).38.323.767
Website: www.xuatbangiadinh.vn