Di sản ký ức trong Nơi ấy là chiến trường

NGỌC MINH

VHO - Lễ trao tặng sách Nơi ấy là chiến trường đã được Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam và TS. Phạm Quang Nghị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ VH - TT (nay là Bộ VHTTDL), tác giả cuốn sách trang trọng tổ chức ngày 22. 4. 2025 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội).

Di sản ký ức trong Nơi ấy là chiến trường - ảnh 1
Ông Phạm Quang Nghị, tác giả cuốn sách, chia sẻ tại lễ trao tặng sách

Cuốn sách Nơi ấy là chiến trường của tác giả Phạm Quang Nghị tập hợp những nhật ký và ghi chép những năm ông tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, do NXB Hội Nhà văn phát hành.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam chia sẻ, cảm giác về một thời hoa lửa đã qua mà tác giả Phạm Quang Nghị mang lại cho người đọc qua từng con chữ thật sống động. Đúng như tự bạch của tác giả ở đầu sách, những trang ghi chép ấy có sức hút kỳ lạ.

Ghi chép dày hơn 500 trang, đọc để chiêm nghiệm những gì thế hệ cha anh đã trải qua và đọc để thấy những chứng cứ xác thực về cuộc chiến “có một không hai” của nhân dân Việt Nam.

“Rất may cho chúng ta, khi tác giả sau những lần tìm kiếm tư liệu cho những bài viết về cuộc chiến này đã quyết định công bố những ghi chép xưa, những khoảnh khắc rất đáng nhớ, rất cần phải nhớ trong một quãng dài của lịch sử dân tộc, nơi mà những kỷ niệm gắn với những vùng đất, những con người tác giả đã từng gặp...”, ông Tô Văn Động nhấn mạnh.

Nơi ấy là chiến trường là một dấu ấn văn hoá, một hồi ức sống động của tác giả, đồng thời cũng là ký ức chung của cả một thế hệ đã trải qua những ngày tháng chiến tranh đầy khốc liệt.

Những trang viết chứa đựng không chỉ ký ức, mà cả những bài học giá trị về lòng yêu nước, sự hy sinh, và tinh thần vượt khó, để thế hệ hôm nay hiểu và trân trọng hơn những giá trị mà cha ông để lại.

Di sản ký ức trong Nơi ấy là chiến trường - ảnh 2
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, phát biểu tại buổi lễ

Nơi ấy là chiến trường là di sản ký ức, di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Với mong muốn để cho thế hệ trẻ hôm nay biết và cảm nhận sâu sắc về một thời tuổi trẻ hào hùng và bi tráng của thế hệ cha ông, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam phối hợp cùng tác giả trao tặng Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện (Bộ VHTTDL), mỗi tổ chức, đơn vị 500 cuốn sách để tuyên truyền và phổ biến rộng rãi tới các độc giả quan tâm”, ông Tô Văn Động cho biết.

Tác giả cuốn sách, ông Phạm Quang Nghị bộc bạch, thói quen ghi nhật ký của ông có từ trước chiến tranh. Ngày nào không ghi được là thấy băn khoăn như thể mình chưa làm xong công việc. Trước khi lên đường đi B, trong những hành trang tự chuẩn bị cho mình, ông đã tới cửa hàng chuyên đóng sổ sách ở phố Cửa Nam (Hà Nội) đặt làm cho mình một cuốn sổ nhật ký.

“Trong chiến tranh, những ngày không ghi nhật ký thường là những ngày có những sự kiện vô cùng đáng nhớ, nhưng vì bom pháo quá ác liệt hoặc bị giặc càn rượt đuổi phải cơ động suốt ngày, hoặc những hôm ốm đau, sốt rét khiến mình kiệt sức, đầu óc đau nhức, lùng bùng không thể viết...”, theo ông Phạm Quang Nghị.

Di sản ký ức trong Nơi ấy là chiến trường - ảnh 3
Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam phối hợp cùng tác giả trao tặng Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện (Bộ VHTTDL), mỗi đơn vị 500 cuốn sách

“Như tên gọi của cuốn sách, Nơi ấy là chiến trường, những trang ghi chép trong này là ghi chép ở chiến trường và là những câu chuyện của mình chứ không phải là được nghe ai kể. Cũng không phải những câu chuyện ngày xưa bây giờ nhớ lại, được nắn nót viết ra trong thời bình. Không ai lại ước muốn chiến tranh quay trở lại để mình được sống lại những kỷ niệm ngày xưa.

Nhưng thật may, tôi đã được sống lại những kỷ niệm nhờ vào những trang nhật ký của mình. Thật là hạnh phúc, những trang nhật ký vốn chỉ là của riêng, sau khi được in thành sách, nó đã thành kỷ niệm chung của bao người.

Đến khi cuốn sách được tái bản, tôi luôn cảm thấy mình thật may mắn khi còn giữ được những trang nhật ký của một thời chiến tranh vô cùng ác liệt. Những trang ghi chép mà ngày ấy đã từng có những giây phút không tin mình có thể sống được đến ngày đất nước hòa bình thống nhất...”, ông Phạm Quang Nghị chia sẻ.

Di sản ký ức trong Nơi ấy là chiến trường - ảnh 4

Với hơn 500 trang, cuốn sách được chia làm 8 phần lớn: Vượt Trường Sơn; Ở “R”; Về miền Đông; Nhịp sống đồng bằng; Người vùng ven; Tây Ninh ngày ấy; Gặp gỡ Sài Gòn; Ngày trở về.

Bên cạnh đó còn có các phần phát biểu trước ngày lên đường đi B, lời kết, cùng một số nhận định, cảm nhận của các nhà văn, nhà báo. Phần cuối cuốn sách là một số hình ảnh và tư liệu về những ngày tác giả Phạm Quang Nghị ở chiến trường.

Cuốn sách không chỉ là hồi ức riêng tư của tác giả Phạm Quang Nghị mà còn gói ghém những kỷ niệm chung của một thế hệ đã trải qua những năm tháng chiến tranh đầy khốc liệt, đau thương.

 Từng trang viết được đan xen giữa những dòng nhật ký ghi lại mỗi ngày của người lính trong điều kiện khắc nghiệt, từ đường hành quân, những ngày yên lặng tiếng súng, đến giữa làn đạn rực sáng trong đêm hay khi cơn sốt rét hành hạ. Qua đó, người đọc có thể cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa cuộc đấu tranh giải phóng đất nước cũng như giá trị thiêng liêng của hòa bình.

Vốn là một người lính đi vào mặt trận, những trang viết của ông dù thuộc thể loại nhật ký hay ghi chép đều thực sự là những áng văn được viết từ trong lửa đạn và sự hy sinh, với cách hành văn giản dị, cách chọn lọc chi tiết sống động, hình ảnh mang tính biểu tượng và chứa đựng nhiều thông điệp.

Di sản ký ức trong Nơi ấy là chiến trường - ảnh 5
Nhà giáo Bùi Thị Hồng Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Thượng chia sẻ tại buổi lễ

Tại lễ trao tặng sách, nhà giáo Bùi Thị Hồng Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Thượng khẳng định, mỗi trang sách không chỉ là thông tin, mà là ký ức sống động, là nhịp đập của bao thế hệ đã hy sinh, chiến đấu và gìn giữ đất nước.

Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã kết thúc gần nửa thế kỷ, nhưng những trang viết  vẫn còn nguyên giá trị, chứa đựng những bài học sâu sắc không chỉ trong chiến tranh mà cả trong công cuộc xây dựng đất nước. Bởi lẽ, những câu chuyện rất thực, rất riêng tư của một người lính ngày ấy lại chính là câu chuyện của một dân tộc.

 Đây cũng là những nội dung, những thông điệp mà khi đọc cuốn sách, các em học sinh sẽ càng thêm yêu và tự hào về đất nước, giáo dục lịch sử cho học sinh cũng từ những câu chuyện cụ thể như thế này...

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc