Việt Nam bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc

VHO - Bình đẳng giữa các dân tộc là một nguyên tắc cơ bản của chính sách đảm bảo quyền cho các dân tộc thiểu số. Các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp đều bình đẳng trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật.

Bình đẳng giữa các dân tộc là một nguyên tắc cơ bản của chính sách đảm bảo quyền cho các dân tộc thiểu số

Đó là khẳng định của ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc tại Khóa họp lần thứ 111 của Ủy ban Công ước CERD diễn ra trong 2 ngày 29-30.11.2023 tại Geneve (Thuỵ Sĩ).

Trong khuôn khổ chương trình, Ủy ban CERD đối thoại với 6 quốc gia gồm: Bolivia, Bulgari, Đức, Morroco, Nam Phi và Việt Nam. Việc đối thoại giúp cho Ủy ban hiểu rõ hơn về tình hình thực hiện trách nhiệm quyền con người của các nước thành viên CERD, từ đó có thêm thông tin, cơ sở để đưa ra khuyến nghị kết luận của ủy ban. Đây cũng là cơ hội để các nước thành viên nhận được tư vấn chuyên môn của các chuyên gia.

Việt Nam bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc - Anh 1

Ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc tại Phiên bảo vệ

Trình bày báo cáo tại Phiên bảo vệ trước Uỷ ban Công ước CERD, trưởng đoàn Việt Nam, ông Y Thông cho biết, Việt Nam là một quốc gia thống nhất gồm 54 dân tộc chung sống trong đó 53 dân tộc thiểu số với số dân hơn 14,119 triệu người chiếm tỉ lệ 14,7% tổng dân số cả nước. Ở Việt Nam, chỉ có các khái niệm phổ biến là “dân tộc thiểu số”, “dân tộc thiểu số rất ít người” được sử dụng để chỉ dân tộc chiếm số ít về dân số so với dân tộc đa số. Tiếng Việt được chọn là ngôn ngữ chung cho cả nước, ngoài ra có khoảng 30 dân tộc có chữ viết riêng như Thái, Chăm, Mông, Khmer,... Cộng đồng các dân tộc Việt Nam được hình thành và phát triển cùng với tiến trình lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, tạo nên một quốc gia thống nhất. Các dân tộc thiểu số Việt Nam cư trú thành cộng đồng đan xen trên cả nước, không có dân tộc nào tách riêng theo vùng lãnh thổ. Yếu tố đó nói lên sự hòa hợp của các dân tộc đã có từ lâu đời và đã trở thành đặc điểm lịch sử, văn hóa của cộng đồng, là điều kiện thuận lợi để các dân tộc hiểu biết lẫn nhau, đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Hiến pháp hiện hành của Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 28.11.2013 và có hiệu lực từ ngày 1.4.2014 khẳng định “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”. Nguyên tắc không phân biệt đối xử và bình đẳng giữa tất cả các thành viên trong cộng đồng là cốt lõi của hệ thống hiến pháp của Việt Nam và cũng được thực hiện thông qua các cải cách lập pháp có liên quan. Nguyên tắc trên được quán triệt trong toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam. Bình đẳng giữa các dân tộc là một nguyên tắc cơ bản của chính sách đảm bảo quyền cho các dân tộc thiểu số. Các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp đều bình đẳng trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật.

Do phần lớn các dân tộc thiểu số Việt Nam cư trú ở các vùng miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nên đồng thời với việc xác định quyền bình đẳng trước pháp luật, nhà nước Việt Nam còn khẳng định ưu tiên hỗ trợ và tăng cường đoàn kết giúp đỡ tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực vươn lên hội nhập với sự phát triển chung được thể hiện tại Điều 5 Khoản 4 của Hiến pháp “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Đây là nguyên tắc và là biểu hiện đặc trưng cơ bản trong chính sách dân tộc của Việt Nam và phù hợp với Khoản 4 Điều 1 Công ước CERD.

Các nguyên tắc và quy định về bình đẳng giữa các dân tộc được thể chế hóa trong pháp luật. Pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về cấm phân biệt đối xử tại Hiến pháp năm 2013 (Điều 16, 26, 35) và nhiều văn bản pháp luật.

Việt Nam bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc - Anh 2

Hội Cồng chiêng của dân tộc Giá Rai - Gia Lai

Bình đẳng giữa các dân tộc là nguyên tắc cơ bản có ý nghĩa hàng đầu của chính sách về quyền của các DTTS. Các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp, đều ngang nhau về quyền lợi và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật. quyền bình đẳng về chính trị, chống mọi biểu hiện chia rẽ kỳ thị dân tộc, dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan, tự ty dân tộc... Mọi cá nhân có năng lực pháp luật dân sự ngang nhau, được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền chính trị, nhân thân và tài sản. Quyền bình đẳng về kinh tế, đảm bảo sự bình đẳng trong quan hệ lợi ích giữa các dân tộc. Nhà nước có trách nhiệm giúp các dân tộc có kinh tế chậm phát triển để cùng đạt được trình độ phát triển chung với các dân tộc khác trong cả nước. Bình đẳng về văn hóa, xã hội, bảo đảm cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, làm phong phú, đa dạng nền văn hóa Việt Nam. Việc bảo đảm quyền bình đẳng toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị và dân sự cho tất cả các dân tộc chính là thể hiện việc tự quyết của các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam.  

Việc pháp luật Việt Nam khẳng định và chống mọi hành vi xâm phạm quyền bình đẳng dân tộc, gây thù hằn, kỳ thị, chia rẽ dân tộc và thực hiện các biện pháp hỗ trợ, ưu đãi cho DTTS là hoàn toàn phù hợp với định nghĩa về chống phân biệt chủng tộc tại điểm 4, Điều 1 Công ước CERD. Ở Việt Nam, do quá trình lịch sử đã tạo ra sự cư trú đan xen với mật độ cao nên không dân tộc nào có lãnh thổ riêng. Bên cạnh đó, nguyên tắc không phân biệt dân tộc bao hàm cả nội dung không phân biệt chủng tộc; sự khác biệt về văn hóa, trình độ phát triển. Chính sách dân tộc của Việt Nam hướng tới mục tiêu thu hẹp, xóa bỏ sự chênh lệch về phát triển giữa các nhóm dân tộc và các vùng bằng việc khẳng định quyền bình đẳng và thực hiện các chính sách ưu đãi đối với những dân tộc, những vùng khó khăn để các dân tộc đó, các vùng đó phát triển, có điều kiện hưởng thụ các quyền con người một cách bình đẳng.

Việt Nam bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc - Anh 3

Thực hành tín ngưỡng tại chùa của đồng bào Khmer - Sóc Trăng

Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh chính sách đại đoàn kết dân tộc (Điều 9), khẳng định chính sách ưu tiên phát triển giáo dục cho đồng bào DTTS (Điều 61). Hiến pháp cũng ghi nhận nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các hành vi kích động gây mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo... bị nghiêm cấm và bị trừng trị theo quy định của pháp luật.

Việt Nam đã đạt được các tiến bộ quan trọng trong thúc đẩy quyền cho người dân tộc thiểu số

Cũng tại Phiên thảo luận, trưởng đoàn Việt Nam, ông Y Thông, nhấn mạnh: Việt Nam đã đạt được các tiến bộ quan trọng trong thúc đẩy quyền cho người DTTS đặc biệt là với các quyền như quyền tham gia các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Người DTTS được tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo những quy định cụ thể, rõ ràng, nhất là hành lang “quy chế dân chủ”. Nhiều nội dung, quy định luật, văn bản chính sách đều quy định rõ việc tham gia của người dân, bao gồm người DTTS, vào hoạt động quản lý kinh tế - xã hội ở cơ sở trên nguyên tắc “dân biết – dân bàn – dân làm – dân kiểm tra – dân giám sát – dân thụ hưởng”.

Người DTTS Việt Nam được tạo điều kiện đảm bảo bình đẳng các quyền con người của mình như quyền bình đẳng trong hôn nhân và gia đình, quyền được bảo vệ bởi cơ quan tài phán độc lập, quyền có quốc tịch, quyền tự do đi lại trong lãnh thổ quốc gia, quyền xuất, nhập cảnh, quyền tự do ngôn luận báo chí, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo,… Các quyền dân sự chính trị này của người DTTS được Nhà nước bảo đảm bình đẳng như mọi công dân của nước CHXHCN Việt Nam.

Để đảm bảo quyền phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, Việt Nam đã ban hành rất nhiều chương trình, chính sách triển khai thực hiện ở vùng DTTS&MN và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể như, DTTS được hưởng các chính sách ưu đãi về giáo dục, y tế, đào tạo nghề,việc làm, đất đai, nhà ở, tín dụng, hỗ trợ sản xuất... Ngoài ra, còn được hưởng các dự án đầu tư trực tiếp như xây dựng điểm tái định cư tập trung do nhà nước đầu tư toàn bộ hạ tầng và đảm bảo được các quyền đối xử bình đẳng trước Tòa án, quyền an ninh cá nhân, chính trị về bầu cử, ứng cử, quốc tịch, tự do đi lại, cư trú, kết hôn và lập gia đình, sở hữu tài sản, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí. Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở cả bình diện quốc tế và quốc gia.

Việt Nam bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc - Anh 4

Niềm vui đến trường của các em nhỏ xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu

Tại Việt Nam, các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình cùng nhau xây dựng một quốc gia độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do và giàu mạnh.

Hiến pháp 2013 cũng khẳng định: không chỉ công dân Việt Nam mà tất cả mọi người, bao gồm cả người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam đều được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam bảo đảm quyền con người như quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được bảo hộ như công dân Việt Nam…

Kể cả về tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam  trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác ; bảo hộ quyền sở hữu đối với vốn đầu tư và các quyền lợi hợp pháp khác của nhà đầu tư nước ngoài ; được thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật VN;…

Công ước CERD ra đời năm 1965, là một trong 9 công ước quốc tế cơ bản nhằm bảo đảm quyền con người, quy định các thành viên phải bảo đảm quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử đối với mọi thành viên bao gồm cả sự khác biệt về chủng tộc. Hiện đã có 181 quốc gia trên thế giới là thành viên của công ước này. Việt Nam trở thành quốc gia thành viên của Công ước CERD từ năm 1982 và kể từ đó đến nay đã 4 lần bảo vệ báo cáo quốc gia trước Ủy ban Công ước. Tại khóa họp lần thứ 111 này, Việt Nam sẽ trình bày báo cáo quốc gia định kỳ từ lần thứ 15 – 17 tính từ năm 2013 đến năm 2019 theo hướng dẫn của Ủy ban Công ước CERD. Báo cáo gồm 4 phần, 7 điều, 138 mục.

HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc