Trẻ em có quyền được hưởng không khí trong lành

VHO - Trẻ em ở nhiều địa phương trên cả nước đang phải đối mặt với một thực tế khắc nghiệt: Không có không khí trong lành để thở! Bộ Y tế vừa đề xuất khẩn cấp “trẻ mầm non được nghỉ học trong những ngày ô nhiễm không khí kéo dài”.

Trẻ em có quyền được hưởng không khí trong lành - Anh 1

 Trẻ em chịu tác động mạnh bởi ô nhiễm không khí

 Những con số biết nói

Tại những đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội, ô nhiễm không khí đang ở tình trạng nghiêm trọng nhất, đứng đầu bảng xếp hạng các TP có chất lượng không khí kém nhất thế giới. Theo các kết quả nghiên cứu, Việt Nam xếp hạng thứ 30 trong số 131 quốc gia trên thế giới có không khí độc hại trong năm 2022.

Những năm gần đây, tình trạng này không thay đổi nhiều, nếu không nói là còn xấu đi. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, bị ảnh hưởng nhiều nhất vì chúng thở nhanh hơn người lớn và phổi vẫn đang phát triển. Trẻ cũng dễ bị tổn thương vì các chất gây ô nhiễm không khí có thể đi từ phổi vào máu, đi đến não và gây viêm tế bào não. Theo Tổ chức Y tế thế giới, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, tim mạch, đột quỵ và ung thư… Ngoài ra, tiếp xúc với chất ô nhiễm trong không khí có thể gây tổn thương da, mắc các bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch.

Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Nga, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Hòe Nhai (Hà Nội) thông tin, hai tuần trở lại đây, số lượng trẻ nhập viện tăng gấp đôi so với thời điểm trước. Hầu hết bệnh nhi đều bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, nhiễm virus RSV, cúm A... Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm đường hô hấp, chủ yếu do vi khuẩn hoặc virus; tuy nhiên, thời tiết hanh khô kèm không khí lạnh, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm không khí đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các yếu tố gây bệnh phát triển, làm gia tăng các ca bệnh nặng.

“Hệ hô hấp ở trẻ nhỏ chưa phát triển toàn diện, đường thở ngắn, việc hít thở nhiều lần trong một phút sẽ tạo điều kiện cho virus gây bệnh dễ dàng xâm nhập. Bên cạnh đó, sức đề kháng ở trẻ còn yếu nên rất dễ bị các tác nhân lạ tấn công gây bệnh”, bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Nga giải thích.

Thực tế cho thấy, ven các con kênh, sông tại TP.HCM và Hà Nội bị ô nhiễm có hàng chục nghìn ngôi nhà, tương đương hàng trăm nghìn trẻ em đang sinh sống quanh đó. Có những con kênh quanh năm suốt tháng bị “nhuộm đen” bởi nước thải hóa chất từ các nhà máy công nghiệp, bên cạnh là không ít các trường mẫu giáo với rất nhiều trẻ nhỏ vẫn hít thở trong bầu không khí đó hằng ngày.

Không chỉ sống quanh các con sông ô nhiễm, mỗi ngày của một đứa trẻ tại Việt Nam thường bắt đầu bằng việc phải ngồi trên xe máy để đến trường trong tình trạng các phương tiện giao thông ken kín. Khí thải xe, khói đốt phế phẩm nông nghiệp, bụi từ những công trình xây dựng, khói từ các nhà máy… là những nguyên nhân góp phần dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.

Trẻ em có quyền được hưởng không khí trong lành - Anh 2

 Chỉ số chất lượng không khí lúc 10h ngày 18.1.2024

Tăng cường kiến thức cơ bản để bảo vệ sức khỏe

Trước thực trạng tại một số TP đã xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí ở mức báo động, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, ngày 15.1, Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) đã xây dựng khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe, nhằm giúp người dân có những kiến thức cơ bản trong việc thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe.

Theo đó, người dân khi ra khỏi nhà nên thường xuyên đeo khẩu trang đảm bảo chất lượng và đúng quy cách. Thường xuyên vệ sinh phòng ở, nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Nên sử dụng khẩu trang, kính bảo vệ mắt khi làm vệ sinh, dọn dẹp nếu có nhiều bụi hoặc không khí bị ô nhiễm từ mức kém đến mức nguy hại. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, đốt rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Cần trồng cây xanh để giúp ngăn bụi và làm sạch không khí. Với người hút thuốc lá, thuốc lào, nên bỏ hẳn hoặc hạn chế sử dụng; không nên hút trong nhà. Người không hút thuốc cần chủ động tránh xa khói thuốc.

Đối với những người nhạy cảm với các chất ô nhiễm trong không khí (trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người cao tuổi) nên tránh tiếp xúc với các nguồn phát thải chất ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông; các công trình xây dựng; khu vực đun nấu đốt nhiên liệu bằng than, củi, rơm rạ hoặc các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí khác. Trong thời điểm không khí bị ô nhiễm, nếu xuất hiện các triệu chứng hoặc bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi, họng, viêm phổi, phế quản, huyết áp, tim mạch… cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị. Đặc biệt, tăng cường dinh dưỡng để nâng cao thể trạng và sức đề kháng.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe khi chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu (AQI ở mức 151-200), mức rất xấu (AQI 201-300), mức nguy hại (AQI 301-500), trong đó tránh các hoạt động ngoài trời như tập thể dục, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn. Đóng cửa sổ, cửa ra vào nhà để hạn chế, tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải ra khỏi nhà, cần hạn chế tối đa thời gian ở ngoài và sử dụng khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn. Vệ sinh mũi, súc họng sáng, tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ.

“Đối với lớp mẫu giáo, nhà trẻ, trường tiểu học, có thể xem xét cho học sinh nghỉ học nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong thời gian 3 ngày liên tục. Nếu bắt buộc đi học cần tránh các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc điều chỉnh thời gian học cho phù hợp”, Bộ Y tế đề xuất.

Từ năm 2020, UNICEF Việt Nam đã triển khai hệ thống giáo dục toàn diện, thông minh về khí hậu, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu và thích ứng với các rủi ro liên quan đến khí hậu đang tác động đến hàng triệu trẻ em. Các chuyên gia cho rằng, chương trình giảng dạy trong nhà trường cần được xây dựng lồng ghép vào việc giáo dục kiến thức, thái độ, thực hành và đào tạo cho các nhà quản lý giáo dục, giáo viên về bảo vệ trẻ em khỏi tác hại ô nhiễm không khí. “Điều quan trọng là phụ huynh cũng tham gia vào việc phòng ngừa và tự bảo vệ bản thân, đơn giản như hạn chế đốt rác ở nhà hay đeo khẩu trang cho trẻ vào những thời điểm quan trọng khi chất lượng không khí không đảm bảo”, bà Lê Anh Lan, Chuyên gia Giáo dục của UNICEF Việt Nam cho hay. 

 HOÀNG HẰNG

Ý kiến bạn đọc