Thanh Hóa bóc gỡ 11 đường dây hóa đơn giả, khởi tố 100 bị can trong 18 tháng

NGUYỄN LINH

VHO - Tình trạng mua bán hóa đơn khống, trốn thuế tại Thanh Hóa đang bị bóc trần qua loạt chuyên án lớn. Với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, lực lượng công an đã khởi tố 11 vụ, 100 bị can chỉ trong 1 năm rưỡi, phơi bày nhiều thủ đoạn tinh vi, gây thất thoát hàng chục tỉ đồng.

Thời gian gần đây, hoạt động mua bán hóa đơn giá trị gia tăng trái phép và trốn thuế trên địa bàn Thanh Hóa diễn biến phức tạp, không chỉ làm thất thoát ngân sách mà còn ảnh hưởng môi trường đầu tư và an ninh trật tự.

Để chủ động đấu tranh, lực lượng Công an tỉnh, nòng cốt là Phòng Cảnh sát kinh tế đã tăng cường tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra thuế, đồng thời mở nhiều chuyên án lớn xử lý tội phạm kinh tế.

Từ năm 2024 đến giữa năm 2025, toàn tỉnh đã phát hiện, khởi tố 11 vụ án với 100 bị can về hành vi mua bán trái phép hóa đơn, trốn thuế.

Thanh Hóa bóc gỡ 11 đường dây hóa đơn giả, khởi tố 100 bị can trong 18 tháng - ảnh 1
Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá khởi tố 08 đối tượng về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”. Ảnh: Công an Thanh Hoá

Điển hình, ngày 25.5.2025, Công an tỉnh khởi tố 8 đối tượng trong đường dây hóa đơn giả do Nguyễn Thị Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Yên Thế cầm đầu, móc nối nhiều doanh nghiệp tại Phú Thọ, Ninh Bình để hợp thức hóa chứng từ, thu lời hàng trăm triệu đồng, gây thất thoát hàng tỷ đồng tiền thuế.

Trước đó, ngày 23.5.2025, Phạm Thị Thanh, Giám đốc hai công ty đá ở Thanh Hóa cùng kế toán Nguyễn Tiến Nam bị đề nghị truy tố sau khi bị phát hiện xuất khống 99 hóa đơn cho 56 doanh nghiệp tại Thanh Hóa và Nghệ An, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng.

Các đối tượng thường lợi dụng kẽ hở trong cơ chế thành lập doanh nghiệp để lập “công ty ma”, đăng ký mã số thuế, phát hành hóa đơn khống rồi bỏ trốn.

Nhiều trường hợp thuê người đứng tên pháp lý, mượn giấy tờ tùy thân để che giấu hành vi phạm tội, hoặc sử dụng doanh nghiệp đang hoạt động để nâng khống giá trị giao dịch.

Để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan chức năng cần tăng cường hậu kiểm doanh nghiệp, kiểm tra việc kê khai thuế, đặc biệt với các cơ sở có dấu hiệu “bán hóa đơn chuyên nghiệp”.

Việc rà soát định kỳ, xử lý nghiêm minh và tiếp nhận tố giác tội phạm cần được thực hiện thường xuyên, liên ngành, không để lọt tội phạm kinh tế ra khỏi vòng pháp luật.

Với tinh thần “bắt một vụ, cảnh tỉnh cả vùng”, Công an Thanh Hóa khẳng định tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm thuế, góp phần bảo vệ kỷ cương pháp luật và môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng.