Tội phạm có tổ chức, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng cao

TÙNG QUANG

VHO - Sáng 13.9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2024.

Tội phạm có tổ chức, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng cao - ảnh 1
Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Q.HTU

Theo báo cáo, năm 2024, Chính phủ có nhiều nỗ lực và đề ra nhiều giải pháp đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật. Năm 2024, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như: tổng số vụ án/bị can được phát hiện, khởi tố tăng, về cơ bản các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được khẩn trương điều tra làm rõ. Tuy nhiên, tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và số người bị thương, thiệt hại về tài sản; một số loại tội phạm tăng mạnh, như: tội phạm có tổ chức tăng 89,47%, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng 89,9%, tham ô tài sản tăng 50,75%, đánh bạc trên mạng Internet tăng 113,2%,... Xảy ra một số vụ giết người với tính chất man rợ, liều lĩnh, gây tâm lý phẫn nộ, lo lắng, bất an trong nhân dân.

Tại phiên họp, nhiều đại biểu lưu ý vấn đề về tội phạm ma túy tiếp tục gia tăng; vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phức tạp.

Một số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, quy mô lớn xảy ra tại nhiều địa phương. Vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, quản lý thông tin cá nhân, tội phạm sử dụng công nghệ cao có xu hướng gia tăng và diễn biến rất phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới.

Tuy nhiên, năng lực phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này tại một số địa phương còn hạn chế, không theo kịp diễn biến của tình hình.

Cũng theo báo cáo, tội phạm về tham nhũng, chức vụ được cơ quan chức năng phát hiện là 936 vụ, tăng 37,85%. Đã phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu trong một số lĩnh vực.

Năm 2024, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả toàn diện cả ở Trung ương và địa phương; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn.

 Qua đó đã tiếp tục khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng hiệu quả, quyết liệt, không chững lại, không chùng xuống, đã trở thành phong trào, xu thế; tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Chính phủ có nhiều nỗ lực và đề ra nhiều giải pháp đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật.

Lực lượng Công an đã triển khai nhiều biện pháp để xử lý nhanh chóng những điểm nóng, nhóm tội phạm có tổ chức; phát hiện và xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp.

Công tác bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, chống khủng bố được triển khai đồng bộ, toàn diện.

Việc tăng cường Công an xã chính quy và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở góp phần giáo dục, quản lý chặt chẽ hơn nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao, đối tượng có liên quan đến ma tuý…

Tuy nhiên, Uỷ ban Tư pháp đánh giá, tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và số người bị thương, thiệt hại về tài sản.

Một số loại tội phạm tăng mạnh, như: Tội phạm có tổ chức tăng 89,47%; lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng 89,90%; tham ô tài sản tăng 50,75%; đánh bạc trên mạng internet tăng 113,2%,... Xảy ra một số vụ giết người với tính chất man rợ, liều lĩnh, gây tâm lý phẫn nộ, lo lắng, bất an trong Nhân dân.

Tội phạm có tổ chức, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng cao - ảnh 2
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga

Cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập.

Cụ thể, một số quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, doanh nghiệp còn chưa cụ thể, chưa chặt chẽ dẫn đến việc đơn vị, người có thẩm quyền lợi dụng, “móc nối, hướng dẫn” doanh nghiệp thực hiện “lách luật” hoặc bỏ qua sai phạm của doanh nghiệp.

Công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện vi phạm trong một số trường hợp còn chưa hiệu quả.

Tình trạng các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập thông qua mạng xã hội, sử dụng hung khí, vũ khí nóng giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng diễn biến phức tạp, tội phạm và vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện tiếp tục có chiều hướng gia tăng.

Công tác quản lý nhà nước trong phát hành trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Nhiều vụ vi phạm đấu thầu, đấu giá, đền bù giải phóng mặt bằng trong hoạt động đầu tư, xây dựng, khai thác tài nguyên, đất đai… với hành vi phạm tội phổ biến là đưa, nhận hối lộ, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Tai nạn giao thông mặc dù giảm về số người chết nhưng tăng mạnh về số vụ tai nạn, số người bị thương và số trường hợp vi phạm bị xử lý, đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng. Số vụ cháy, số người chết do cháy tăng mạnh, một số vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng…

Về công tác phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, cơ quan thẩm tra chỉ rõ, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn còn có mặt cần lưu ý.

Cụ thể như: Tội phạm ma túy tiếp tục gia tăng, tăng 4,31% số vụ, 7,10% số đối tượng; Vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phức tạp.

Một số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, quy mô lớn xảy ra tại nhiều địa phương; Vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, quản lý thông tin cá nhân, tội phạm sử dụng công nghệ cao có xu hướng gia tăng và diễn biến rất phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới.

Tuy nhiên, năng lực phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này tại một số địa phương còn hạn chế, không theo kịp diễn biến của tình hình.

Theo Uỷ ban Tư pháp, công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên, một số chỉ tiêu công tác vượt yêu cầu tại Nghị quyết số 96.

Trong 3 năm, từ năm 2022 đến năm 2024, không có tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố quá hạn nhưng chưa được giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng quá thời hạn quy định.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: Tỉ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm mới đạt 82,93%, chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam vẫn còn vi phạm.

Số trường hợp Cơ quan điều tra phải đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm tăng 19 vụ.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành tập trung nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.

Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết và khắc phục tình trạng nợ đọng; tăng cường xử lý các văn bản quy phạm pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, có những sơ hở, có dấu hiệu tiêu cực, trái pháp luật mà đã được phát hiện sau giám sát, kiểm tra, rà soát;...

Để thực hiện, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, tập trung đầu tư nguồn lực cho xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; bố trí đủ điều kiện, nguồn nhân lực cho công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.