Tình trạng sạt lở, sụt lún ở Đắk Nông: Cần công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để có các giải pháp ứng phó

VHO- Những ngày qua, do ảnh hưởng của các đợt mưa bão kéo dài đã khiến cho Đắk Nông và một số tỉnh ở khu vực Tây Nguyên xảy ra tình trạng sạt lở đất, sụt lún diện rộng ở các công trình và tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Tình trạng sạt lở, sụt lún ở Đắk Nông: Cần công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để có các giải pháp ứng phó - Anh 1

 Đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai kiểm tra khu vực hồ thủy lợi Đắk N’Ting

Trước thực trạng đó, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra thực tế hiện trường và chỉ đạo địa phương, các ngành liên quan khẩn trương tìm hiểu nguyên nhân tình trạng sạt lở để sớm có biện pháp khắc phục.

Công trình thủy lợi Đắk N’Ting sẽ có nguy cơ xảy ra sự cố

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, từ ngày 28.7 đến 6.8, trên địa bàn tỉnh liên tục xuất hiện mưa lớn kéo dài, dẫn đến mực nước trên các sông, suối, hồ đập trong những ngày qua dâng cao, gây ngập úng cục bộ tại nhiều khu dân cư và sụp lún, sạt trượt đất tại một số khu vực.

Đặc biệt, khu vực hồ thủy lợi Đắk N’Ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong) đã xảy ra sụp lún, sạt trượt trên diện rộng, gây nguy cơ vỡ đập. Các vết nứt ở khu vực đồi gần chân đập kéo dài khoảng 500m, sâu 150m và chưa có chiều hướng dừng lại. Áp lực sạt lở khu vực xung quanh khiến phần thân đập xuất hiện nhiều vết nứt lớn, kéo dài, rộng từ 10 - 20cm, đường trên thân đập bị nứt gãy. Trước nguy cơ vỡ đập, chính quyền đã phong tỏa lối ra vào thân đập, di dời toàn bộ những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm, chuẩn bị các phương án để ứng phó nếu xảy ra tình huống xấu.

Tương tự, tại đường Hồ Chí Minh đoạn qua TP Gia Nghĩa, tình trạng sạt lở đang diễn biến phức tạp, chính quyền địa phương đã di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân sống ở khu vực nguy hiểm. Theo báo cáo ngày 7.8 của Công ty CP BOT và BT Đức Long Đắk Nông (đơn vị quản lý đoạn đường này - PV) cho biết, trên tuyến đường xuất hiện một lỗ rỗng đất đã sụp lộ thiên, có nước chảy qua. Đường kính lỗ rỗng khoảng 1,5m; sâu khoảng 3,5m so với mặt đường. Tại phần làn đường chính, các vệt nứt có chiều dài khoảng 110m. Ngoài các phạm vi trên, tại phần nền đất trong vỉa hè, khu vực mái ta luy âm đã thấy rất rõ các vệt nứt, sụp đất.

Trong khi đó, tại khu vực bon Bu Krắc và bon Bu Prăng, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức và tuyến đường tránh TP Gia Nghĩa những ngày qua xuất hiện các vết nứt và sạt trượt kéo dài. Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông, PGS.TS Lê Văn Hùng, chuyên gia của đoàn công tác nhận định: Nguyên nhân ban đầu khi xảy ra sự cố công trình thủy lợi Đắk N’Ting là do kết cấu đập tràn mất ổn định, tách khỏi móng. Riêng đập đất không loại trừ khả năng sẽ có nguy cơ xảy ra sự cố trong thời gian tới.

“Khu vực quanh hồ đất bị lún sập, tan rã là do trong mùa khô đã bị hút cạn nước, khi có mưa sẽ làm tan rã liên kết, tạo nên các vụ sụp lún. Để tránh xảy ra sự cố vỡ đập, trước mắt là xả nhanh nước và tính toán kỹ biện pháp khắc phục liên quan đến công trình”, PGS.TS Lê Văn Hùng nói. Tương tự, PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái, chuyên gia của đoàn công tác cho rằng, do dịch chuyển bên vai đập nên công trình bị ảnh hưởng. Hiện khối trượt tạm thời dừng nhưng nguyên nhân sạt trượt quả đồi thì cần có đánh giá cụ thể. “Cơ quan chức năng cần khảo sát chiều sâu khối trượt, có quan trắc các vết nứt, theo dõi vết nứt để xử lý. Đặc biệt, địa phương tìm phương án hạ mực nước ngầm để thoát nước. Đồng thời, hạ mái dốc phía dưới, giảm tải phía trên để tránh quả đồi bị sạt”, ông Thái đề nghị.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, có khoảng 1 triệu m3 đất có nguy cơ sạt lở, trên diện tích khoảng 10 ha ở khu vực quanh Hồ thủy lợi Đắk N’Ting. Trước tình hình cấp bách hiện nay, Bộ NN&PTNT đề nghị tỉnh Đắk Nông hạ tải khu vực này, xả nhanh lượng nước hiện có trong lòng hồ... để đảm bảo an toàn cho hồ chứa và người dân sinh sống phía dưới hạ lưu. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, trong thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên xuất hiện thời tiết cực đoan, tổng lượng mưa rất lớn khoảng gấp 2 đến 2,5 lần so với lượng mưa hằng năm. Mưa và tác động của con người đã tạo ra tổ hợp bất lợi cho các công trình hiện nay ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng, dẫn đến tình trạng sạt trượt.

“Đối với các công trình xảy ra sự cố, chủ đầu tư chỉ có 15 ngày để “cứu” công trình trước khi sẽ có thêm một đợt mưa rất to nữa vào cuối tháng 8. Tôi đề nghị tỉnh Đắk Nông cần công bố ngay tình huống khẩn cấp về thiên tai để có các giải pháp ứng phó khẩn cấp”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói và cho rằng: “Nhiệm vụ trước mắt của tỉnh Đắk Nông là cần đảm bảo số lượng và chất lượng rừng, tôn trọng dòng chảy tự nhiên”, đồng thời đề nghị, trong thời gian tới, tỉnh Đắk Nông và các Bộ, ngành liên quan cần hoàn thiện chi tiết bản đồ sạt lở trên toàn quốc, trong đó áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và máy móc hiện đại để có dự báo chính xác. Bên cạnh đó, địa phương cần đánh giá toàn diện các công trình sạt lở, sạt trượt để có những cảnh báo cho người dân.

Thứ trưởng Hiệp cho biết, Đoàn công tác sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT xây dựng chính xác hơn, kỹ hơn bản đồ sạt lở ở các địa phương và ưu tiên tại Tây Nguyên.

Tình trạng sạt lở, sụt lún ở Đắk Nông: Cần công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để có các giải pháp ứng phó - Anh 2

 Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua TP Gia Nghĩa bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng, qua kiểm tra phát hiện có dòng nước ngầm chảy trong lòng đất

Sẽ công bố tình trạng khẩn cấp

Sáng qua 8.8, trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cho biết, UBND tỉnh đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết theo quy định để sớm công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông thông tin: Theo thống kê, đợt mưa lũ vừa qua đã làm ngập 192 căn nhà, ngập úng khoảng 651,4 ha cây trồng các loại, 217 ha thủy sản và 164 ao hồ của người dân bị ngập, 2 người dân bị nước cuốn trôi. Ngoài ra, nhiều công trình giao thông, hạ tầng bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng. Chính quyền địa phương cũng đã phải di dời 283 hộ dân ở những địa bàn sụt lún, sạt trượt nguy hiểm đến nơi an toàn. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 250 tỉ đồng. Về hướng xử lý sạt lở trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua TP Gia Nghĩa và đường tránh TP Gia Nghĩa trên quốc lộ 28, ông Yên cho hay: “Theo ý kiến các chuyên gia, cần phải bóc tách toàn bộ bề mặt đất, sau đó làm lại bằng cách lắp các rọ đá, tạo thông thoáng cho dòng chảy nước ngầm bên trong. Qua khảo sát tại 2 điểm sạt lở, sụt lún này, cơ quan chức năng đã phát hiện có dòng nước ngầm chảy trong lòng đất. Đây có thể là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sụt lún, sạt lở nghiêm trọng vừa qua”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết thêm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương sớm khảo sát, bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng buộc phải di dời đến nơi an toàn. 

 NGỌC HÒA

Ý kiến bạn đọc