Thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền năng kinh tế bảo đảm quyền lợi của phụ nữ

VHO – Ngày 23.10, Trung tâm Phụ nữ và phát triển (CWD) thuộc Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN TP Cần Thơ tổ chức sự kiện “Bữa sáng Ruy băng trắng - Chung tay Tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ nhằm thúc đẩy quyền và phòng ngừa di cư mất an toàn/mua bán người”. Hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023.

Thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền năng kinh tế bảo đảm quyền lợi của phụ nữ - Anh 1

Các đại biểu tham gia toạ đàm “Tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ nhằm thúc đẩy quyền và phòng ngừa di cư mất an toàn/mua bán người”

Tại chương trình, các đại biểu cùng thảo luận, chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm và đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hỗ trợ, trong đó tập trung chủ đề tăng cường quyền năng kinh tế đối với phụ nữ bị mua bán, di cư hồi hương trở về.

Sự kiện đã triển khai chuỗi hoạt động gồm Toạ đàm “Tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ nhằm thúc đẩy quyền và phòng ngừa di cư mất an toàn/mua bán người” với sự tham gia của các diễn giả đến từ Hội LHPN TP Cần Thơ; Sở LĐTBXH TP Cần Thơ; đại diện Đại học Cần Thơ; Trung tâm Vì sự phát triển Phụ nữ ĐBSCL. Đặc biệt, chị H. (tên nhân vật đã được thay đổi) là người tạm trú của Ngôi nhà Bình yên và hiện nay đã hồi gia, trực tiếp chia sẻ về quá trình Ngôi nhà Bình yên đồng hành cùng chị vượt qua những khó khăn khi bị mua bán trở về. 

Triển lãm “Hành trình Bình yên” được trưng bày trong khuôn viên sự kiện để đại biểu có thể rõ hơn về hoạt động và những kết quả Ngôi nhà Bình yên đạt được trên chặng đường 16 năm, kết quả này cũng đã đóng góp không nhỏ trong việc khẳng định vị thế và giá trị hoạt động của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển trong 20 năm qua. 

Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó giám đốc CWD đề cập các vấn đề liên quan đến di cư hiện nay, đặc biệt lao động nữ vẫn là nhóm dễ bị tổn thương nhất. Bên cạnh đó, bà khẳng định, tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ chính là giúp phụ nữ thoát nghèo, tạo cơ hội và khả năng tiếp cận cũng như đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người về chăm sóc sức khỏe, học hành, ăn, mặc, ở và có cơ hội được tự chủ về kinh tế ngang với mức của nam giới. 

Việc tạo quyền năng kinh tế góp phần cải thiện vị thế của phụ nữ trong gia đình, xã hội và công việc này rất cần sự chung tay, vào cuộc của các ngành, các cấp và toàn thể xã hội. Bà Nguyễn Thuý Hiền nhấn mạnh, với những điều sẽ được chia sẻ và khích lệ tại sự kiện truyền thông Bữa sáng Ruy băng trắng ngày hôm nay, mỗi đại biểu sẽ được tiếp thêm nguồn năng lượng mới, có những quyết tâm hành động mới nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền năng kinh tế nhằm đảm bảo quyền lợi của phụ nữ và vì sự thịnh vượng và phát triển bền vững của địa phương, của đất nước.

Thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền năng kinh tế bảo đảm quyền lợi của phụ nữ - Anh 2

Các đại biểu tham quan Triển lãm “Hành trình Bình yên” được trưng bày trong khuôn viên sự kiện

Cũng tại sự kiện, Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2023 - Trần Thị Thu Uyên xuất hiện với vai trò là đại sứ chương trình, cô hi vọng có thể truyền tải những thông điệp tích cực về tăng cường quyền năng kinh tế đối với phụ nữ bị mua bán/di cư hồi hương trở về để những chị em phụ nữ vượt qua được những rào cản, tiếp cận gần hơn với những dịch vụ hỗ trợ, cơ hội việc làm, từ đó tự chủ về kinh tế, tự chủ trong cuộc sống.

Kết thúc Sự kiện, những thông điệp, lời nhắn nhủ, sự quyết tâm của đại biểu tham dự được gắn lên “Cây cam kết” với thông điệp “Hôm nay chúng ta hành động, ngày mai sẽ không còn ai bị bỏ lại phía sau”. Đây cũng là hành động khẳng định sự cam kết của các đại biểu trong thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền năng kinh tế bảo đảm quyền lợi của phụ nữ và vì sự thịnh vượng, phát triển bền vững của địa phương, đất nước. Hoạt động được các đại biểu tham gia ghi nhận là mô hình truyền thông mới mẻ, có hiệu quả, là diễn đàn mở để các đại biểu cùng luận bàn, đóng góp ý kiến, đặc biệt là thu hút được sự tham gia của nhiều đại biểu là nam giới lãnh đạo, nam giới tiên phong.

Mô hình truyền thông “Bữa sáng Ruy băng trắng” được CWD tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015 và duy trì cho đến nay trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của Chính phủ Úc. Chiến dịch Ruy băng trắng là phong trào toàn cầu với sự tham gia tiên phong của nam giới và trẻ em trai nhằm ngăn chặn bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Lá cờ trắng tượng trưng cho sự đầu hàng, được gấp lại thành nơ với ý nghĩa nam giới từ bỏ bạo lực với phụ nữ. Nam giới được khuyến khích đeo ruy băng trắng thể hiện việc lên tiếng chống lại bạo lực với phụ nữ. 

BÌNH THỦY

Ý kiến bạn đọc