Tất tả mưu sinh trong gió rét dịp cận Tết

VHO ­- Mấy ngày qua, từng đợt gió mạnh cùng mưa như những chiếc kim châm vào da thịt người trên đường phố Hà Nội. Đợt rét kỷ lục từ đầu đông đến nay ở Hà Nội, nhiệt độ có lúc giảm xuống còn 8 độ C. Người dân ngại ra đường, nhưng vẫn còn nhiều người đội mưa đạp gió, mưu sinh trên đường phố hầu mong kiếm thêm chút thu nhập khi Tết đã cận kề.

Tất tả mưu sinh trong gió rét dịp cận Tết - Anh 1

Những người bán hàng rong phải đi nhiều hơn, thời gian bán lâu hơn để có thể bán hết hàng

Mưa. Gió. Rét. Nhịp sống của người Hà Nội dường như chậm lại. Người dân “lười” ra đường khiến những người lao động trên đường phố buôn bán có phần ế ẩm hơn ngày thường. Chị H., có chiếc xe bán cà phê trên vỉa hè phố Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) co ro trong gió buốt. Chị cho biết, ngày thường túc tắc bán hàng, còn có người ghé mua. Riêng buổi sáng lạnh buốt như sáng qua (23.1), bày hàng từ khoảng 7 giờ sáng đến 9 rưỡi mà chưa có khách mở hàng. Thu nhập giảm sút, gánh nặng kinh tế buộc chị phải thích nghi, gồng mình chống chọi bởi ở nhà là những đứa con đang trông chờ vào quầy hàng nhỏ đó.  

Cách đó không xa, một người phụ nữ bên những chiếc lồng gà được che bạt cùng đống lửa nhỏ. Chị cho biết gà được đưa ra để phục vụ cho Rằm tháng Chạp.  Rét mướt như thế này, người còn không chịu được nữa là đám gà. Chẳng may có con nào lăn ra toi thì coi như lời lãi bay sạch. Chị cho biết, kinh tế khó khăn, người dân mua bán cũng ít hơn. So với cùng thời gian này năm ngoái thì lượng hàng tiêu thụ giảm sút rõ rệt.

Tất tả mưu sinh trong gió rét dịp cận Tết - Anh 2

Đàn gà chuẩn bị bán phục vụ ngày Rằm tháng Chạp cũng được sưởi ấm và che chắn kỹ càng

Một điều dễ nhận thấy là trong những ngày mưa gió, rét buốt, ngoài đường phố Hà Nội lượng tài xế xe công nghệ sử dụng xe máy làm phương tiện hành nghề cũng thưa vắng hơn. Anh Lê Văn Thành  (Sầm Sơn, Thanh Hóa), một tài xế xe ôm công nghệ cho biết đang là sinh viên năm thứ 2 của Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, người dân ở trong nhà tránh rét và không ra đường nhiều. Lượng người đặt xe ôm công nghệ cũng ít hơn. Tuy nhiên, để trang trải cuộc sống cũng như mong kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình dịp Tết anh vẫn phải lao ra đường. “Trời lạnh như thế này, nhiều anh em chạy xe ôm công nghệ cũng nghỉ ở nhà bởi khách ít. Có nhiều thứ phải lo hơn, nên trời rét buốt tôi cũng phải mặc thêm áo ấm, bịt kín mặt để làm việc”, anh Thành nói.

Tất tả mưu sinh trong gió rét dịp cận Tết - Anh 3

Trời gió rét khiến hàng cà phê di động cũng đìu hiu vắng khách

Trong khi đó, tại góc đường Trần Nguyên Đán (Hoàng Mai), một nhóm người đứng co ro trong lạnh giá. Những người này đến từ Nam Định, Thanh Hóa cùng một số tỉnh thành khác. Ai thuê gì thì làm, từ bốc vác, sửa nhà cửa, khoan cắt bê tông… Ngày thường đã ít việc, rét buốt thì càng vắng việc hơn nhưng họ vẫn ra đường phố. Thu nhập bấp bênh, mưa gió mà không ra vỉa hè, đường phố với hy vọng có ai đó thuê thì không có khoản thu nhập nào khác. Tất cả chỉ trông chờ vào đôi bàn tay, sức lao động của bản thân chứ không có hàng hóa gì để bán hay có công việc nào đó cố định để làm.

Anh Nguyễn Văn Cường (Nam Định) cho biết, nhiều năm nay, mưa gió hay khô ráo đều ra ngồi góc đường này.  "Công việc của chúng tôi tự do,  đứng ở đây như đi câu. Mưa rét như thế này có người thuê là may lắm rồi. Vì cái Tết sắp tới tươm tất cho giá đình nên phải cố gắng hơn", anh Cường chia sẻ.  

Tất tả mưu sinh trong gió rét dịp cận Tết - Anh 4

Những người lao động co ro trong giá lạnh chờ người thuê

Cùng với đó, trên đường phố Hà Nội, mưa rét cũng khiến việc buôn bán của những gánh hàng rong ế ẩm hơn. Một người bán cơm nắm trên chiếc xe đạp ở đường Láng Hạ cho hay,  mưa rét khiến người dân di chuyển đến nơi họ cần đến chứ không nhẩn nha dừng lại mua bán đồ ăn sáng. Mặc dù biết trước mưa gió rét, hàng bán ít hơn, mặt hàng không để được lâu nhưng chị vẫn phải gắng bán đến khi nào hết hàng thì mới về.

Tất tả mưu sinh trong gió rét dịp cận Tết - Anh 5

Hàng hoa quả chợ đầu mối Đền Lừ cũng thưa vắng khách hơn những ngày bình thường

"Trời có nắng nóng hay giá lạnh khi khách có nhu cầu chở chúng tôi đều nở nụ cười tươi. Tôi cũng biết một chút vốn liếng tiếng Anh nên có thể trò chuyện với khách, giúp họ hiểu hơn về văn hoá, con người Việt Nam. Thời tiết có lạnh đến mấy nhưng nếu có khách đi chúng tôi vẫn chở và làm việc bình thường", anh Cường nói.

Dù vất vả mưu sinh, nhưng những người lao động này vẫn có cái nhìn lạc quan về cuộc sống. Với họ, vất vả đến mấy cũng chỉ có mong muốn gia đình, người thân có cuộc sống ấm no, đủ đầy, nhất là chỉ còn nửa tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

QUẢNG XƯƠNG

Ý kiến bạn đọc