Sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để di dời dân cư ở di tích An Lăng

VHO- Ngày 9.3, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cùng đại diện các Sở, ngành và chính quyền địa phương đã khảo sát thực tế và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhiều hộ dân đang sinh sống tạm bợ trong khuôn viên di tích An Lăng (thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế). Di tích An Lăng rộng gần 6 ha, nằm trên địa bàn phường An Cựu, TP Huế. Đây là nơi yên nghỉ của 3 vị vua nhà Nguyễn gồm: vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân cùng hoàng hậu, và hàng chục mộ của con cháu hoàng tộc.

Sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để di dời dân cư ở di tích An Lăng - Anh 1

Nhiều công trình bỏ hoang lâu năm trong khuôn viên di tích An Lăng gây mất mỹ quan chung

Sau năm 1975, chính quyền tỉnh Bình Trị Thiên cũ đã cấp các nhà tập thể cho cán bộ các Sở, ngành sinh sống. Từ sau khi Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993, các hộ dân ở đây càng không thể sửa chữa, xây nhà mới đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Trải qua hàng chục năm, dãy nhà tập thể xuống cấp nghiêm trọng, hơn 30 hộ dân phải sinh sống trong cảnh tạm bợ. Nhiều năm qua, người dân nơi đây mong mỏi được di dời, tái định cư nơi ở mới để ổn định cuộc sống, học tập và công tác cho con cháu. Tại buổi khảo sát di tích, ông Thọ đã gặp gỡ, thăm hỏi và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân nơi đây. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cũng cho biết, quan điểm của địa phương là sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để sớm di dời người dân đang sinh sống trong khuôn viên di tích An Lăng bằng các cơ chế, chính sách đặc thù. Việc di dời này vì quyền lợi, cuộc sống của người dân và cũng đồng thời nhằm hướng đến công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể Di tích Cố đô Huế.

Trước đó, Văn Hóa đã có bài Hơn 40 năm “sống mòn” trong khu vực lăng vua triều Nguyễn phản ánh thực trạng đời sống, những khó khăn và mong mỏi được di dời, tái định cư của hơn 30 hộ dân đang sinh sống trong khuôn viên di tích An Lăng.

 S.THÙY

Ý kiến bạn đọc