Quảng cáo ngoài trời phải làm nổi bật giá trị văn hóa

VHO- Tại hội nghị phản biện xã hội về dự thảo quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030, do Ủy ban MTTQ TP.HCM vừa tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng những gì liên quan đến giá trị văn hóa cần phải được đặt lên hàng đầu, đồng thời cần tính đến yếu tố an toàn, văn minh đô thị; bổ sung nguyên tắc tôn trọng đạo đức, tâm lý, lối sống của người Việt…

Quảng cáo ngoài trời phải làm nổi bật giá trị văn hóa - Anh 1

Các trụ quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP.HCM

 Dự thảo quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP.HCM đề cập đến hai đối tượng chính: Hoạt động tuyên truyền cổ động chính trị, phục vụ lợi ích xã hội kết hợp quảng cáo thương mại, và hoạt động quảng cáo thương mại.

Nhan nhản vi phạm

Ông Trần Thanh Vương, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VHTT TP.HCM) cho biết, quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP được lập từ năm 2003, hiện nay đã có nhiều sự thay đổi về hình thức, phương tiện quảng cáo theo hướng hiện đại; nhu cầu quảng cáo phát sinh nhiều vị trí mới nên không còn phù hợp với sự phát triển của đô thị.

Đặc thù địa bàn TP.HCM rộng lớn, nhu cầu hoạt động quảng cáo diễn ra thường xuyên nên số lượng biển hiệu, bảng quảng cáo tăng hằng năm. Công tác quản lý trên lĩnh vực quảng cáo đang gặp nhiều khó khăn, không đồng bộ, thiếu tính thống nhất giữa các quận, huyện, không đảm bảo về cảnh quan, mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng đối với khu vực xung quanh trong trường hợp có mưa giông, bão… Từ thực trạng của công tác quy hoạch và nhu cầu của thị trường quảng cáo đã xuất hiện tình trạng quảng cáo không đúng quy định, không thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý, xây dựng trụ, bảng quảng cáo không phép… gây khó khăn trong công tác quản lý và ảnh hưởng trực tiếp đến tính cạnh tranh lành mạnh của thị trưởng quảng cáo hiện nay. Đại diện Sở VHTT TP.HCM cũng cho biết dự thảo quy hoạch có 2 giai đoạn, giai đoạn 1 quy hoạch các vị trí hiện hữu; giai đoạn 2 quy hoạch quảng cáo các vị trí trên đất công. Theo ông Trần Thanh Vương, TP có tổng cộng 2.505 vị trí quy hoạch quảng cáo ngoài trời, trong đó 1.442 vị trí cổ động chính trị (treo băng rôn, trụ, màn hình điện tử) và 1.063 vị trí chuyên để quảng cáo thương mại (bảng quảng cáo, trụ quảng cáo). “Tuy nhiên, vì việc chậm ban hành quy hoạch quảng cáo đã dẫn đến một số khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, từ đó phát sinh nhiều quảng cáo không phép, trái phép”, ông Vương nói.

Quy hoạch quảng cáo ngoài trời được thực hiện dựa trên cơ sở đề xuất của UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tổng hợp từ nhu cầu đăng ký thực hiện của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp quảng cáo. Theo dự thảo, các vị trí quy hoạch quảng cáo ngoài trời sau khi được phê duyệt sẽ được công khai, phổ biến rộng rãi trên phương tiện truyền thông và các doanh nghiệp quảng cáo. Đồng thời, TP.HCM sẽ tổ chức đấu thầu công khai các vị trí thực hiện quảng cáo trên đất công, các doanh nghiệp có thể tham gia đấu thầu theo quy định pháp luật.

Đánh giá về thực trạng hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP.HCM, ban soạn thảo cho biết, đối với hoạt động tuyên truyền cổ động chính trị, phục vụ lợi ích xã hội, bên cạnh những kết quả, mục tiêu đạt được, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Hầu hết các bảng tuyên truyền kích thước không đồng đều, tiêu chuẩn kỹ thuật chưa khoa học, thiếu thẩm mỹ. Ở một số địa phương, các khu phố, ấp, các bảng dành riêng cho công tác cổ động chính trị thường là bạt hiflex gắn, treo trên tường rào với diện tích nhỏ, dễ bị bong rách, tồn tại một số bảng tuyên truyền đã xuống cấp, bị rách, hoen gỉ, bạc màu, nội dung bị phai mờ, do vậy ảnh hưởng đến mỹ quan.

Đáng chú ý, nhiều địa phương đã liên kết với doanh nghiệp xây dựng trụ bảng quảng cáo trên danh nghĩa cổ động chính trị để hợp thức hóa trong khi quy hoạch quảng cáo của TP chưa được thông qua, không đúng quy định của pháp luật, gây khó khăn cho công tác quản lý và không công bằng trong việc đấu thầu lựa chọn các vị trí đầu tư xã hội hóa đối với các doanh nghiệp. Cùng với đó, hoạt động quảng cáo thương mại trên địa bàn TP.HCM diễn ra rất sôi nổi, đa dạng. Số lượng hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo của các doanh nghiệp gửi đến Sở VHTT cũng tăng liên tục qua các năm. Trung bình mỗi năm, đơn vị này tiếp nhận khoảng hơn 3.000 hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo và băng rôn. Loại hình quảng cáo này còn nhiều tồn tại: Không có phép xây dựng, không thông báo nội dung cho cơ quan quản lý nhà nước, phá vỡ cảnh quan, kiến trúc; thiếu thống nhất, không đồng bộ, vi phạm quy định về quy cách, về vị trí, kích thước, lấn chiếm không gian, nhất là đối với bảng quảng cáo tấm lớn ở mặt tiền nhà đang ảnh hưởng rất lớn đến an toàn xây dựng, an toàn về cháy nổ… Việc lắp dựng các biển hiệu tràn lan trên các tuyến đường lấn chiếm via hề, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đô thị.

Cạnh đó, quảng cáo thương mại thường vi phạm nội dung: Quảng cáo sai sự thật làm thiệt hại cho người tiêu dùng, quảng cáo so sánh, quảng cáo tự cho mình là duy nhất, số 1, “siêu”; quảng cáo bằng tiếng nước ngoài hoặc chữ nước ngoài lớn hơn chữ Việt. Ngoài ra còn tình trạng nhiều doanh nghiệp vi phạm không thông báo sản phẩm quảng cáo đến cơ quan chức năng. Khi nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính không chấp hành nộp phạt, hoặc nộp phạt nhưng không chấp hành tháo dỡ phương tiện quảng cáo có nội dung vi phạm, bằng quảng cáo sai phạm…

Phải tôn trọng văn hóa, đạo đức, lối sống của người Việt

Nhiều ý kiến tại hội nghị phản biện liên quan đến vấn đề giá trị văn hóa cần phải được chú trọng và đặt lên hàng đầu. Bởi thông qua các bảng quảng cáo, thể hiện được văn hóa của địa phương, đơn vị.

Theo bà Thi Thị Tuyết Nhung, nguyên Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, quy hoạch cần phải xác định rõ người dân được hưởng lợi gì, giá trị văn hóa như thế nào. Ông Phan Thanh Bình, Trưởng ban Tư vấn Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban MTTQ quận Tân Bình đề nghị, văn bản này cần bổ sung nguyên tắc tôn trọng văn hóa, đạo đức, tâm lý, lối sống của người Việt và đặc điểm văn hóa TP.HCM để khi đơn vị quảng cáo có những sản phẩm không phù hợp thuần phong mỹ tục, cơ quan nhà nước có căn cứ để xử lý. Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Ung Thị Xuân Hương đề nghị cần bổ sung “công trình kiến trúc bảo tồn, di tích lịch sử, bảo tồn thiên nhiên, dự trữ sinh quyển” vào khu vực nghiêm cấm quảng cáo. Bên cạnh đó, trong các bảng cổ động chính trị có thể bố trí không gian nhỏ để thông tin đơn vị quảng cáo bên dưới.

Để đảm bảo an toàn của người dân, bà Hoàng Thị Lợi, Phó ban Tư vấn Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban MTTQ quận 1 đề xuất, đối với quận trung tâm, nội thành nên quảng cáo bằng đèn LED, 3D; hạn chế tối đa bảng quảng cáo kim loại để tránh rủi ro khi mưa, gió hoặc an toàn cháy nổ. “Cần nghiêm cấm dựng bảng quảng cáo ở khu dân cư và địa điểm sản xuất để đảm bảo an toàn tính mạng người dân”, ông Võ Hoài Thu, Ban tư vấn Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban MTTQ huyện Bình Chánh đề nghị. Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng đề xuất cần áp dụng xã hội hóa nguồn thu quảng cáo để phục vụ nhiệm vụ chính trị, giảm sử dụng ngân sách nhà nước. Bà Thi Thị Tuyết Nhung dẫn chứng, từ năm 2015 đến nay, TP có trên 500 trụ quảng cáo, thu được hơn 30.000 tỉ đồng, đây là một nguồn thu rất lớn. Do đó bà đề nghị quy hoạch quảng cáo ngoài trời cần chú trọng yếu tố xã hội hóa để giảm nguồn ngân sách và trong quy hoạch cần phải ước dự kiến con số này. Từ nguồn thu này sẽ quay trở lại đầu tư cho các hoạt động văn hóa.

Theo ông Nguyễn Vinh Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP, cần quy định phải niêm yết, công khai minh bạch quy hoạch và có truyền thông để người dân và doanh nghiệp biết. Từ đó, tăng cường tuyên truyền với đơn vị quảng cáo, với người dân để người dân cùng phát hiện sai phạm và báo cơ quan chức năng. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Hội đồng Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban MTTQ TP.HCM đề xuất quy định về mức giá có thể chia thành hai trường hợp cụ thể: Thu phí đối với các tổ chức, cá nhân thuê vị trí để lắp đặt phương tiện quảng cáo không thông qua đấu giá và hai là thông qua đấu giá. 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc