Phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ trong dịp Tết

VHO - Trong những dịp Tết Nguyên đán hằng năm, số trẻ nhập viện vì tai nạn thương tích đều tăng cao hơn. Vì vậy, để những ngày Tết sum vầy được an toàn, trọn vẹn, cha mẹ nên lưu ý đề phòng những tai nạn thường gặp ở trẻ dịp Tết như đuối nước; điện giật; bỏng, pháo nổ; hóc dị vật; ngộ độc hóa chất, thực phẩm…

Phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ trong dịp Tết - Anh 1

Vào những ngày Tết, trẻ được nghỉ học dài ngày, nhu cầu về quê đón Tết, du lịch của các gia đình tăng cao, các hoạt động liên hoan, ăn uống, vui chơi cũng diễn ra liên tục. Nguyên nhân có thể kể đến là do trẻ nhỏ thường hiếu động, chưa có nhận thức, phản xạ bảo vệ bản thân; trẻ vị thành niên đang ở giai đoạn thích thể hiện cái tôi; những trẻ sống ở các đô thị lớn được về quê với môi trường nhiều mới lạ, trong khi đó người lớn nhiều khi bận rộn mà lơ là, không giám sát chặt chẽ, khiến trẻ gặp phải nhiều tình huống đáng tiếc gây nguy hại sức khỏe, tính mạng.

Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận bé L.A. (10 tuổi, ở Nghệ An) trong tình trạng nôn, lơ mơ, co giật. Sau khi các bác sĩ xử trí ban đầu, trẻ được thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán. Do không có biện pháp điều trị đặc hiệu ngộ độc thuốc diệt chuột, trẻ đã tử vong sau gần 1 ngày vào viện. Bác sĩ Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Trong các dịp Tết Nguyên đán hằng năm, số trẻ nhập viện vì tai nạn thương tích đều tăng cao hơn. Trẻ nhỏ thường hiếu động, chưa có nhận thức, phản xạ bảo vệ bản thân nên tai nạn thường xuyên xảy ra”. Trước đó, các bác sĩ khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương đã phẫu thuật cấp cứu kịp thời cho bệnh nhi 30 tháng tuổi bị dập và đứt gân hai ngón tay trái do vô tình mắc kẹt vào lỗ cấp nước của máy lọc nước gia đình. Một trường hợp khác là bé trai 6 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch do vỡ khí quản vì chơi xe điện 3 bánh cũng được các bác sĩ cấp cứu và phẫu thuật thành công…

Đặc biệt, tai nạn thương tích do pháo nổ cũng gia tăng và trẻ thường được đưa vào bệnh viện trong tình trạng dập nát bàn tay. Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ, hầu hết các tai nạn do pháo nổ gây ra thương tổn nặng ở bàn tay và dù được cấp cứu và nối gân… nhưng di chứng sau này sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, để lại hậu quả cả cuộc đời. Các chuyên gia cho biết, vốn dĩ các nguy cơ tai nạn thương tích luôn rình rập trẻ em, do đó, vào dịp Tết trẻ được nghỉ học, bố mẹ bận rộn hơn thường ngày thì sơ sẩy với trẻ nhiều hơn. Các loại hình tai nạn trẻ thường xuyên gặp phải là bỏng, cháy, giật điện, dao đâm, hóc dị vật, pháo nổ… Với những trẻ sống ở các đô thị lớn, dịp Tết được cùng gia đình về các vùng nông thôn với môi trường mới nhiều điều lạ với trẻ, nhưng cũng có nhiều nguy cơ hơn như ao, hồ, cây cối, tai nạn giao thông… khiến trẻ gặp phải nhiều tình huống gây nguy hại sức khỏe, tính mạng.

Vì vậy, để những ngày Tết sum vầy được an toàn, trọn vẹn, cha mẹ nên lưu ý đề phòng những tai nạn thường gặp ở trẻ dịp Tết. Chẳng hạn, các gia đình thường ăn các loại hạt hướng dương, đậu tương, hạt bí, thạch…, nếu không cẩn thận trẻ có thể hóc dị vật, gây bít tắc đường thở, nguy hiểm tính mạng. Hoặc việc trang trí nhà cửa bằng các loại dây đèn nhấp nháy nhiều màu và các thiết bị điện, ổ cắm điện không có dụng cụ bảo vệ an toàn khiến trẻ dễ bị điện giật. Các hoạt động nấu nướng, dùng hóa chất cọ rửa, vệ sinh cũng gây ra tai nạn cho trẻ. Bên cạnh đó, mặc dù đã tích cực tuyên truyền về hậu quả nghiêm trọng của pháo tự chế nhưng cứ vào dịp Tết lại càng có nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng. Vì vậy chuyên gia khuyến cáo người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ, không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ gây đe dọa tính mạng của bản thân và người xung quanh đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh, các bậc phụ huynh, nhà trường cần phối hợp tuyên truyền, giáo dục để hạn chế các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Một phần nguyên nhân do lan tràn các clip hướng dẫn làm pháo tự chế khá tỉ mỉ trên mạng xã hội, cùng với việc đặt mua nguyên liệu làm pháo rất dễ dàng. Do đó các cơ quan chức năng cần phải kiểm soát và ngăn chặn, gỡ bỏ các clip hay trang thương mại điện tử giao dịch nguyên liệu làm pháo trái phép.

Trước các nguy cơ tai nạn thương tích cho trẻ trong dịp Tết Nguyên đán, bác sĩ lưu ý, các phụ huynh và người chăm sóc đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa và cấp cứu. Trong đó, để các vật dụng gây nguy hiểm xa tầm tay của trẻ em, giám sát trẻ mọi nơi, mọi lúc; cần có kiến thức sơ cứu khi con mình gặp tai nạn. “Tất cả các tai nạn thương tích ở trẻ, cần được sơ cứu đúng cách và đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời”, bác sĩ Nguyễn Tân Hùng khuyến cáo. 

 THẢO LAM

Ý kiến bạn đọc