Nhân rộng mô hình chợ văn minh: Nét đẹp văn hóa ứng xử nơi công cộng
VHO- Bước vào những khu chợ văn minh trên địa bàn Thủ đô, có thể thấy sự ồn ào, lộn xộn trước kia đã không còn, mà thay vào đó là những gian hàng đầy ắp tiếng cười; người bán, người mua ứng xử chuẩn mực, văn minh, thanh lịch. Xây dựng chợ văn minh đang là mô hình được các cấp Hội phụ nữ Hà Nội triển khai gắn với việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng của TP.
Chợ Thái Hà là một trong những khu chợ trên địa bàn Thủ đô áp dụng mô hình “chợ văn minh”
Những khu chợ hạnh phúc
Hà Nội hiện có hơn 400 chợ với hơn 90.000 hộ kinh doanh. Tuy nhiên, quan sát từ thực tế, không ít khu chợ vẫn còn tồn tại bất cập như ứng xử thiếu văn minh trong mua bán; hàng hóa không đảm bảo chất lượng; mất an ninh, an toàn cháy nổ và trật tự xã hội... Tất cả đã và đang hạn chế sự phát triển của chợ, đòi hỏi cần thay đổi về phương thức quản lý mà vẫn gìn giữ nét đẹp của chợ truyền thống.
Do đó, trong thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ TP đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân nói chung, chị em phụ nữ nói riêng thực hiện văn hóa ứng xử nơi công cộng trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ… Đặc biệt, việc triển khai xây dựng chợ văn minh được coi là bước ngoặt góp phần gìn giữ nét đẹp của Hà Nội, đồng thời nhân lên hình ảnh người Thủ đô ứng xử văn minh, thanh lịch.
Theo chị Mai Tuyết Vân (nhà ở phố Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa), kể từ khi chợ Thái Hà được áp dụng mô hình chợ văn minh, chị cảm thấy có sự chuyển biến rõ rệt không chỉ về cảnh quan mà còn là thái độ, ứng xử giữa người mua, người bán và chính người dân với nhau. “Trước đây khi đi chợ, tôi luôn mệt mỏi vì cứ bước vào là phải nghe những âm thanh ồn ào, chát chúa đến đau đầu. Chưa kể tình trạng bừa bộn, gây mất mỹ quan, vệ sinh môi trường cũng là nỗi ám ảnh với những người đi chợ. Nhưng từ khi mô hình chợ văn minh ra mắt, sự ngăn nắp, vệ sinh đã được cải thiện đáng kể; việc cung cấp, trao đổi thông tin, giao tiếp cũng diễn ra đúng mực. Cửa chợ được lắp bảng Quy tắc ứng xử bao gồm những điều nên và không nên làm để người dân, tiểu thương nắm và thực hiện”, chị Mai Tuyết Vân cho biết.
Thực tế trải nghiệm đi chợ văn minh Thái Hà, ngay từ đầu cổng chợ, phóng viên đã nhận được chỉ dẫn nhiệt tình: “Muốn mua gì em cứ đi xe thẳng vào chợ giúp chị. Nhưng lúc mua hàng em để xe gọn để nhường lối đi cho mọi người. Lối đi hơi nhỏ nên em chịu khó nhé, cảm ơn em!”.
Không chỉ người mua hàng, hầu hết các tiểu thương tại chợ Thái Hà cho biết, kể từ khi mô hình này đi vào hoạt động, khu chợ còn được mọi người gọi với cái tên thân thương là “chợ hạnh phúc”. Để thực hiện, duy trì mô hình các tiểu thương đã ký cam kết thực hiện quy tắc ứng xử văn minh, chỉnh trang lại gian hàng cho ngăn nắp, sạch sẽ; minh bạch về giá cả. Đặc biệt, theo ghi nhận của phóng viên, dù là chợ truyền thống nhưng thái độ phục vụ khách hàng không thua kém gì những siêu thị lớn khi nụ cười của người bán luôn nở trên môi, cùng với đó là thái độ thân thiện, niềm nở; hàng hóa đảm bảo các yếu tố về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bảng Quy tắc ứng xử tại chợ được treo để người mua, người bán nắm và triển khai thực hiện
Tạo sức lan tỏa cho mô hình
Không chỉ chợ Thái Hà, mô hình chợ văn minh đang được triển khai tại nhiều khu chợ truyền thống như chợ Kim Liên (quận Đống Đa); chợ Gối, chợ Mới, chợ Phùng (huyện Đan Phượng); chợ Thượng Thanh, chợ Kim Quan (quận Long Biên); chợ Giá (huyện Hoài Đức)... Một số quận, huyện cũng chủ động chỉ đạo thực hiện mô hình điểm như Gia Lâm, Thanh Trì, Thạch Thất, Hà Đông, Thanh Xuân...
Theo Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương, mục đích của việc ra mắt mô hình chợ văn minh là nhằm tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh, bà con tiểu thương tại các khu chợ thực hiện tốt Quy tắc ứng xử nơi công cộng; từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời ăn tiếng nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng. Qua đó, góp phần gìn giữ và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xứng với danh xưng người “Tràng An”.
Để nhân rộng và tiếp tục thực hiện mô hình, bà Phạm Thị Thanh Hương chia sẻ, trong giai đoạn tiếp theo rất cần sự vào cuộc, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, chính quyền, Hội Liên hiệp phụ nữ. Đặc biệt, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp cần chú trọng truyền thông tới người bán và người mua, chọn một số việc trọng điểm để triển khai thực hiện nhằm huy động sức mạnh của toàn xã hội, nâng cao văn hóa ứng xử trong kinh doanh; chung tay vào việc đưa Quy tắc ứng xử nơi công cộng của TP đi sâu vào đời sống.
Là đơn vị triển khai mô hình điểm tại chợ Thái Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Đống Đa Trần Thị Minh Xuân khẳng định, việc thực hiện mô hình chợ văn minh còn bao hàm ý nghĩa mang đến sự thay đổi diện mạo đô thị, không gian giao thương, bởi ngoài tiêu chí tạo ra chuẩn mực văn hóa trong ứng xử nơi công cộng, chợ văn minh còn phải đạt các tiêu chí 100% hộ kinh doanh có giấy phép; được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; hàng hóa trong chợ được sắp xếp gọn gàng, không lấn ra ngoài không gian chung, đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng cháy chữa cháy…
Bà Xuân cho hay, hiện Hội Liên hiệp phụ nữ quận đang tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Quận ủy, UBND quận các giải pháp tiến tới nhân rộng mô hình tại các chợ truyền thống khác trên địa bàn. Công tác tuyên truyền theo nhiều hình thức được chú trọng để người bán và người mua nắm rõ, tự giác thực hiện. Với nhiều hình thức vận động, hỗ trợ, các tiểu thương trong chợ Thái Hà đang hào hứng, quyết tâm thực hiện tiếp mô hình, sắp xếp chợ gọn gàng, sạch sẽ, tuân thủ các quy định liên quan của pháp luật.
Còn với Gia Lâm, đại diện huyện này chia sẻ, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXII có xác định một trong hai khâu đột phá là “xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và môi trường xanh, sạch, đẹp, đáp ứng yêu cầu thành lập quận”. Vì vậy, xây dựng các khu chợ chợ văn minh nhằm góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị rất được chính quyền huyện quan tâm. Áp dụng mô hình chợ văn minh còn là cụ thể hóa việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng.
ĐÌNH TOÁN - THANH NGỌC